Thứ Tư, 07/01/2009 11:39

Khơi thông tín dụng: Lối mở nào cho Việt Nam?

(Vietstock) - Giống như nhiều quốc gia khác, thị trường tín dụng Việt Nam đang ở trong tình trạng ách tắc. Nhằm phá vỡ tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức 14%/năm xuống còn 8.5%/năm chỉ trong vòng 4 tháng. Thêm vào đó, thông tin công bố từ phía Chính phủ cho biết, sẽ trích một phần trong gói kích cầu 6 tỷ USD để hỗ trợ 4% lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng liệu các giải pháp này có đủ để khai thông thị trường tín dụng? NHNN có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm khơi thông tín dụng của các nước trên thế giới?

Cách làm của Fed và Chính phủ Anh

Trong mô hình hệ thống ngân hàng hai cấp, Ngân hàng Trung ương (NHTW) không thực hiện chức năng cho vay mà có nhiệm vụ điều tiết chính sách tiền tệ thông qua các công cụ: lãi suất cơ bản, dữ trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu…Việc tách biệt giữa chức năng kinh doanh và chức năng quản lý nhằm đem lại tính độc lập khách quan cho NHTW trong quá trình điều hành chính sách. Với mô hình này, NHTW kiểm soát tín dụng cho nền kinh tế bằng cách thay đổi cung tiền. Nếu NHTW nhận thấy nền kinh tế đang có nhu cầu về vốn, Ngân hàng sẽ mua vào các chứng khoán trên thị trường mở, giảm dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất chiết khấu cho các ngân hàng thương mại (NHTM)…Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, việc kiểm soát tín dụng thông qua cung tiền cho hệ thống NHTM không còn hiệu quả như trước. Tăng cung tiền không đồng nghĩa với gia tăng tín dụng vì điều này phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng cho vay của các NHTM hoặc khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tín nhiệm của người đi vay.

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã cho thấy vấn đề này. Sau khi Lehman Brother sụp đổ hồi tháng 9/2008, thị trường tín dụng Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng. Mặc dù FED đã bơm hàng tỷ USD cho hệ thống NHTM, khuyến khích cho vay nhưng không đem lại kết quả như ý vì các NHTM khư khư giữ tiền nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính. Sự đóng băng tín dụng khiến cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các hãng xe hơi Mỹ càng rơi vào cảnh khó khăn hơn trước, nguồn vốn đề duy trì các chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng ngày càng hạn hẹp. Sự sụp đổ của các đại gia ngành tài chính khiến cho thị trường thương phiếu (commercial paper) Mỹ lâm vào cảnh ế ẩm. Nhiều thương phiếu của các công ty có xếp hạng tín nhiệm cao cũng mất tính thanh khoản do các NHTM không còn thực hiện vai trò người mua. Để làm tan băng thị trường tín dụng, FED buộc phải đứng ra mua các thương phiếu nhằm duy trì tính thanh khoản cho thị trường vào cuối tháng 10. Điều này đồng nghĩa, FED đã trở thành người cho vay. Tuy nhiên, khác với mục đích cho vay của các NHTM là vì lợi nhuận, FED trở thành người cho vay nhằm khôi phục tính thanh khoản cho thị trường tín dụng. Cách làm này cho chúng ta thấy rằng, NHTW phải có sự can thiệp sâu hơn nhằm đảm bảo hoạt động tín dụng được thông suốt chứ không phải đơn thuần chỉ kiểm soát cung tiền thông qua các NHTM. Sự vận hành của các NHTM có thể gặp phải vấn đề, và điều đó buộc NHTW phải trực tiếp bơm vốn cho nền kinh tế mà không cần phải thông qua các NHTM.

Thực tế gần đầy đã chứng minh điều đó, FED đang mở rộng hoạt động mua lại thương phiếu trong 6 tuần liên tục với tổng giá trị lên đến 304.8 tỷ USD, trong khi các khoản cho vay trực tiếp đối với các NHTM và các công ty chứng khoán lại giảm. Các khoản cho vay của FED đối với thị trường thương phiếu được tiến hành qua nhiều con đường. Vào tháng 11, FED tiếp tục mua lại thương phiếu thông qua chương trình “Commercial Paper Funding Facility”  và chương trình thứ hai nhằm mua lại thương phiếu được đảm bảo bằng tài sản từ các quỹ tiền tệ (money market fund). Chính nhờ vào hoạt động cứu trợ của FED, thị trường thương phiếu Mỹ đã dần đi vào ổn định. Vào giữa tháng 12/2008, lượng thương phiếu đang lưu hành của Mỹ tăng lên đến 1,700 tỷ USD. Các công ty sau khi thoát khỏi tình trạng thiếu thanh khoản của thị trường thương phiếu, bây giờ lại tiến hành huy động vốn qua kênh thị trường này. Hiện nhiều doanh nghiệp Mỹ xem đây như là một cách thay thế cho các khoản tín dụng từ kênh NHTM.

Không chỉ riêng thị trường thương phiếu, FED đã bắt đầu hai chương trình cho vay khác để làm tan băng tín dụng cho những người mua nhà, người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Những khoản cho vay này bao gồm một cam kết để mua 600 tỷ USD các khoản nợ được phát hành hoặc được bảo đảm bởi các công ty cho thuê tài chính nhà ở được chính phủ ưu đãi (government-chartered housing-finance companies) và một khoản cho vay 200 tỷ USD để hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ (dưới hình thức mua lại các chứng khoán MBS hạng AAA phát hành dựa trên những khoản vay cho sinh viên, vay mua xe và vay thẻ tín dụng…).

Rõ ràng, bối cảnh tài chính hiện nay đang khiến Mỹ dần thay đổi cách thức điều hành của NHTW. NHTW không chỉ điều tiết tín dụng qua các NHTM mà còn trực tiếp cho vay. Liệu NHTW Việt Nam có nên có những hành động can thiệp tương tự nhằm khơi thông thị trường tín dụng trong nước?

Kế hoạch Brown của Anh cũng đang được nhiều quốc gia sao chép và ứng dụng. Chính phủ Anh đã sử dụng 250 tỷ bảng Anh nhằm tiến hành bảo lãnh thanh toán cho các khoản cho vay của NHTM. Tuy chưa thu được nhiều kết quả, nhưng các nhà phân tích đánh giá cao giải pháp này vì nó sẽ tạo nên sự tin tưởng trong hệ thống ngân hàng và giúp các NHTM mạnh dạn cho vay vốn. Vào giữa tháng 12, Bộ tài chính Anh đã giảm phí cho các khoản bão lãnh, mở rộng hơn các loại chứng khoán được bảo lãnh nhằm làm tan băng trên thị trường tín dụng. Nhưng liệu kế hoạch Brown có khả thi tại Việt Nam hay không?

Tín dụng vẫn tắc!

Thực tế tại nước ta cho thấy, hoạt động tín dụng bị tắc nghẽn trong suốt cả năm 2008. Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tăng trưởng tín dụng năm 2008 chỉ tăng 21%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Sự ách tắc này có những nguyên nhân khác nhau. Trong 8 tháng đầu năm 2008, tình hình lạm phát cao kéo theo sự gia tăng của lãi suất cho vay khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Các ngân hàng cũng ở trong tình trạng thiếu tiền nên khắt khe hơn trong việc xét duyệt tín dụng. Vào những tháng cuối năm, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và cả trong nước khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất. Do vậy, bất chấp những lần cắt giảm lãi suất liên tục của NHNN, thị trường tín dụng vẫn không có dấu hiệu được cải thiện.

Sự tắc nghẽn tín dụng đã ảnh hưởng rất mạnh đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tắc nghẽn tín dụng đã khiến cho 20% doanh nghiệp bị xóa tên; 60% doanh nghiệp đang trong tình trạng thoi thóp.

 Thị trường tài chính cho thấy những mặt trái của ách tắc tín dụng. Liên tục trong những tháng cuối năm giá trị giao dịch trái phiếu tăng đột biến, thậm chí có phiên lên tới vài nghìn tỷ đồng cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 500-600 tỷ VND/phiên. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trái phiếu từ tháng 4 cho đến cuối năm nay thì các NHTM trong nước chính là đối tượng mua ròng trái phiếu. Tình hình ách tắc tín dụng là lý do khiến các NHTM chuyển sang nắm giữ trái phiếu.

Sự gia tăng giá trái phiếu theo cách này không phải là một tín hiệu tốt. Giống như hiện tượng trái phiếu 0 lợi suất của Mỹ, nó thể hiện sự vận hành thiếu ổn định của nền kinh tế. Nhà đầu tư không còn hướng đến mục tiêu lợi nhuận mà tìm kiếm sự an toàn. Đồng vốn thay vì  kích thích cho nền kinh tế phát triển lại đi tìm nơi trú ẩn.

Tính khả thi?

Những cách làm của FED, chính phủ Anh đang mang lại cho NHNN Việt Nam kinh nghiệm trong việc khơi thông nguồn tín dụng. Tuy nhiên, tính khả thi của những giải pháp này cần phải xem xét lại trong tình hình của Việt Nam.

Thực tế ở Việt Nam chưa cần thiết phải có những hành động “mạnh tay” như FED. Sự can thiệp của FED là hành động chẳng đặng đừng vì hệ thống NHTM tê liệt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, các NHTM Việt Nam hiện vẫn đang ở trong tình trạng khá ổn định, vốn khả dụng dư thừa, hoàn toàn có khả năng đảm trách việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. So với Mỹ, hoạt động tín dụng của ta cũng chưa đến nỗi quá trầm trọng. Vì vậy, hành động của FED là phù hợp cho một thị trường “đóng băng” như Mỹ chứ không phải cho một thị trường “ách tắc” như Việt Nam. Ngoài ra, việc cho vay trực tiếp không phải là không có nhược điểm. Vì NHTW không có khả năng thẩm định tín dụng như NHTM nên việc cho vay trực tiếp dễ dẫn đến tình trạng cho vay tràn lan, không hiệu quả.

Đối tượng hỗ trợ tín dụng cũng khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang điêu đứng vì thiếu vốn, thì theo điều tra của FED và ECB, các công ty lớn ở Mỹ là đối tượng chịu ảnh hưởng của đóng băng tín dụng chứ không phải là công ty nhỏ. Theo lý giải của FED, chính các công ty nhỏ lại có mối liên hệ mật thiết với ngân hàng hơn là các công ty lớn. Các công ty lớn có nhiều hình thức huy động vốn khác như thương phiếu, trái phiếu… nên ít phụ thuôc hơn vào tín dụng ngân hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng ngại cấp tín dụng cho các khoản vay lớn khi cuộc khủng hoảng lan rộng. Điều này dễ dàng hơn cho FED khi muốn bơm tiền vì FED có thể tiến hành thông qua con đường mua các công cụ nợ do các công ty phát hành. Các công cụ nợ này được đánh giá định mức tín nhiệm nên FED dễ dàng chọn lọc ra những đối tượng cần hỗ trợ sao cho đồng vốn được hiệu quả. Ngược lại, ngay cả các công ty lớn của Việt nam, sự phát triển của công cụ nợ cũng chưa mạnh chứ đừng nói đến các công ty vừa và nhỏ. Do vậy, NHNN Việt Nam rất khó để ứng cứu trực tiếp vì không biết phải tiến hành qua con đường nào.

Vậy giải pháp bảo lãnh của Anh thì sao? Chính phủ Anh không tiến hành bảo lãnh tràn lan mà chỉ chọn những khoản nợ có rủi ro không quá cao để bảo lãnh. Điều này được thực hiện dựa trên hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm khá tin cậy. Ngược lại, hệ thống tín nhiệm của ta chưa phát triển, thông tin về doanh nghiệp còn thiếu nên rất khó đánh giá doanh nghiệp nào tốt, doanh nghiệp nào xấu. Do đó nếu tiến hành bảo lãnh một cách rộng rãi dễ dẫn đến bảo lãnh luôn cho các công ty yếu kém hay các dự án thiếu hiệu quả.

Khả năng cắt giảm lãi suất sâu hơn cũng đang gặp phải những trở ngại. Nếu hạ lãi suất quá thấp sẽ dấn đến nhiều NHTM gặp khó khăn do các ngân hàng này đã huy động vốn với mức lãi suất cao trước đây. Theo báo cáo tài chính quý 3, ngay cả top NHTM hàng đầu cũng đang gánh chịu tổn thất từ mảng tín dụng. Lợi nhuận mà các ngân hàng này có được chủ yếu là do lãi trái phiếu, kinh doanh vàng, ngoại tệ và các dịch vụ khác.

Một vài khuyến nghị

Mặc dầu những cách làm của các FED hay chính phủ Anh còn thiếu tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam nhưng hành động can thiệp của FED đang mở ra tiền lệ về sự can thiệp sâu hơn của NHTW. Nó cho thấy rằng, các NHTW phải có trách nhiệm lớn hơn và phải can thiệp mạnh mẽ hơn đối với hoạt động tín dụng chứ không đơn thuần chỉ điều hành qua các NHTM. Gần đây, NHTW Hàn Quốc xác định nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tiền tệ năm 2009 là làm tan băng trên thị trường tín dụng, cho thấy quyết tâm của những người điều hành chính sách xứ sở kim chi. Do đó, NHNN Việt Nam cũng phải xác định rõ tầm quan trọng của việc khơi thông tín dụng trong khi điều hành chính sách tiền tệ nhằm có những hành động can thiệp kịp thời.

Đối với tình hình ách tắc tín dụng hiện nay, Chính phủ đang có kế hoạch hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá của người viết, đây là biện pháp khả dĩ nhất hiện nay vì như phân tích ở trên Việt Nam đang gặp phải những khó khăn trong việc giảm lãi suất, NHNN can thiệp trực tiếp hay bão lãnh.

Nhưng liệu đơn thuốc này có đủ để trị căn bệnh mà thị trường tín dụng Việt Nam đang gặp phải? Chưa rõ kế hoạch trên sẽ được thực thi như thế nào nhưng tuyên bố hỗ trợ 4% lãi suất cho vay hoàn toàn có thể xảy ra khả năng: gói kích cầu chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp vay được vốn còn những doanh nghiệp không vay được vốn sẽ không được hỗ trợ. Trong khi đó, sự ách tắc tín dụng hiện nay lại xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp nhỏ đi vay nhưng không đủ các tiêu chuẩn cấp tín dụng nên không được vay vốn. Các doanh nghiệp này vì sự hạn chế về nhân lực, năng lực quản lý, tài chính thiếu minh bạch, vốn tự có thấp, ngân hàng không đủ thông tin về các doanh nghiệp này khiến ngân hàng e ngại khi xét duyệt tín dụng. Và khi quyền xét duyệt tín dụng còn thuộc về NHTM thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phải tiếp tục đứng ngoài cuộc chơi. Hơn nữa, việc chính phủ bù 4% lãi suất chưa chắc khiến các NHTM “mạnh tay” cho vay vốn vì rủi ro của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không hề thấp. Do vậy, song song với việc hỗ trợ lãi suất, chính phủ có thể tiến hành bảo lãnh cho một số trường hợp. Khi xét duyệt tín dụng, NHTM có thể lọc ra những hồ sơ vay vốn không quá rủi ro và đệ trình lên chính phủ xin bảo lãnh (tất nhiên phải có phí bảo lãnh để tránh các NHTM đổ dồn xin bảo lãnh). Đây có thể coi là một giải pháp bổ sung đi kèm với hỗ trợ lãi suất.

Ở khía cạnh khác, tình hình ách tắc tín dụng hiện nay xuất phát từ việc nhiều doanh phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Do vậy, giải quyết ách tắc tín dụng phải đi đôi với “tăng cầu” cho nền kinh tế. Trong kế hoạch kích cầu, chính phủ tập trung vào các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng để kích cầu sản xuất cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ nếu không kích thích tiêu dùng của người dân.

Trong gói kích thích kinh tế 586 tỷ USD, Trung Quốc không chỉ thực hiện chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng và các dự án mà còn chi tiêu lớn vào người tiêu dùng trong nước. Theo thời báo Xinhua, Trung Quốc quyết định “mở rộng tín dụng một cách hợp lý kết hợp với sự mở rộng của tín dụng tiêu dùng”. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc đang xác định tiêu dùng của người dân là một trong những yếu tố tạo nên tăng trưởng  Thực tế ở ta cho thấy, cơ chế lãi suất đang khiến cho tín dụng tiêu dùng ách tắc dù chính phủ đang có chủ trương kích cầu tiêu dùng. Trong khi rủi ro của lĩnh vực khá cao thì cơ chế lãi suất trần lại không cho phép đưa ra lãi suất cao tương ứng để bù đắp rủi ro đó. Chính đây là nguyên nhân khiến các ngân hàng không mặn mà đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Thiết nghĩ, NHTW nên xem xét hủy bỏ trần lãi suất để tạo nên tính đồng bộ trong giải pháp kích cầu.

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Tổng quan tình hình kinh tế tài chính thế giới và Việt Nam tháng 11/2008 (11/12/2008)

>   Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam T10/08 (07/11/2008)

>   Quan điểm phân ngành tại Vietstock (02/05/2008)

>   Một góc nhìn về SAFI và đợt phát hành thêm (10/01/2008)

>   Thuế TN CK: Quá nhiều điểm bất hợp lý (17/11/2007)

>   Lý thuyết thiết kế cơ chế (28/10/2007)

>   Ưu, nhược điểm của 6 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn TP. HCM (08/08/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật