Thứ Tư, 08/08/2007 08:48

Ưu, nhược điểm của 6 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn TP. HCM

Sáu công ty có mức vốn hoá lớn nhất sàn TP. HCM tính đến cuối tháng 7/2007 gồm Vinamilk, Sacombank, FPT, PVDrilling, Nhiệt điện Phả Lại và Sudico.

1. CTCP Sữa Việt Nam (Mã CK: VNM)

Ưu điểm:

- Công ty sữa hàng đầu Việt Nam, chiếm thị phần chi phối trong phân khúc sữa đóng hộp trung và thấp cấp, sữa tươi;

- Hệ thống phân phối mạnh, rộng khắp toàn quốc. Thương hiệu đã được khẳng định và được đánh giá là thương hiệu hàng đầu của Việt Nam;

- Hoạt động kinh doanh vững vàng, ổn định và đang có kế hoạch phát triển ra thị trường quốc tế;

- Kết quả kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng ở mức cao và đều đặn qua từng năm;

- Vốn hóa thị trường lớn nhất, luôn được sự quan tâm của các định chế đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước;

- Thị giá khá ổn định, ít biến động so với các các cổ phiếu mạnh khác;

- Cơ cấu Công ty ổn định, ít thay đổi.

Nhược điểm:

- Công ty vừa trải qua một số khó khăn về chất lượng sản phẩm;

- Chỉ số P/E còn cao, hiệu quả kinh doanh trong thời gian qua chưa đủ để kéo P/E xuống mức hấp dẫn để thu hút thêm các nhà đầu tư mới;

- Ngành nghề chính đang ở giai đoạn trưởng thành, khó kỳ vọng đột biến.

Kỳ vọng về giá:

- Trong tình hình TTCK được dự báo là chưa có sự hồi phục mạnh, thị giá của VNM nhìn chung sẽ được giữ ở quanh mức 180.000 đồng/cổ phiếu.

2. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Mã CK: STB)

Ưu điểm:

- Là một trong hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, có hệ thống chi nhánh rộng nhất trong các ngân hàng thương mại cổ phần;

- Chiến lược phát triển tham vọng và rõ ràng, cơ sở khách hàng lớn và nguồn nhân lực khá;

- Kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Hệ thống công ty con hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao;

- Chỉ số P/E thuộc loại thấp so với các cổ phiếu mạnh khác;

- Cổ phiếu có thanh khoản cao và hệ thống cổ đông đại chúng nhất trên sàn.

Nhược điểm:

- Tầng lớp quản trị cao cấp và trung cấp, bao gồm cả HĐQT và Ban Tổng giám đốc, thay đổi liên tục, tạo ra ảnh hưởng và tâm lý không tốt cho nhà đầu tư;

- Bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát ngành ngân hàng - tài chính, từ việc tăng cung mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần cũng như các cuộc IPO lớn của các ngân hàng quốc doanh sắp tới;

- Sự cạnh tranh từ phía các ngân hàng trong và ngoài nước, đặc biệt là khi Việt Nam thực hiện cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng;

- Nhiều cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, liên tục bán ra cổ phiếu STB trong thời gian qua cho thấy sự xáo trộn lớn của STB.

Kỳ vọng về giá:

- Thị giá STB vẫn trong quá trình điều chỉnh giảm dưới tác động cung cầu chung của thị trường và của bản thân STB;

- Xét về dài hạn thì với thị giá hiện nay, STB là một cổ phiếu đáng để đầu tư.

3. CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT  (Mã CK: FPT)

Ưu điểm:

- Là công ty hàng đầu về công nghệ tin học, phát triển phần mềm và phân phối điện thoại di động ở Việt Nam;

- Hệ thống nhân lực tốt, lãnh đạo đoàn kết và xây dựng văn hóa công ty vững chắc;

- Thương hiệu tốt, quan hệ mạnh. Hiện Công ty đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh tiềm năng như tài chính, ngân hàng, bất động sản;

- Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Nhược điểm:

- Mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác với ngành nghề kinh doanh chính, khiến cho ngành kinh doanh chính không còn là điểm tựa vững chắc;

- Việc mở rộng ra quá nhiều dự án, đặc biệt là các dự án trong ngành tài chính, ngân hàng được dự báo là mang tính rủi ro cao và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược chung của Công ty sau này. Đồng thời, điều này cũng sẽ làm tổn thương đến ngành nghề chính là cung cấp giải pháp về công nghệ tin học;

- Một khi mảng phân phối điện thoại di động giảm sút hiệu quả thì hiệu quả kinh doanh của Công ty cũng sẽ suy giảm nhiều, đặc biệt là khi các dự án mới khó có thể sớm tạo ra lợi nhuận cao;

- Việc cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như nhiều cổ đông nội bộ bán ra sau một thời gian dài nắm giữ, khiến cho giới đầu tư trở nên hoài nghi với mức giá hiện tại của FPT.

Kỳ vọng về giá:

- Thị giá FPT đang trong quá trình điều chỉnh giảm dưới tác động cung cầu, xuất phát chủ yếu từ việc tái định giá lại FPT thông qua chiến lược hoạt động của Công ty.

4. Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (Mã CK: PVD)

Ưu điểm:

- Là một trong những thương hiệu mạnh của một trong những ngành kinh tế chủ lực - ngành dầu khí Việt Nam, được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hỗ trợ nhiều về hoạt động;

- Kết quả kinh doanh cao và đang được cải thiện đáng kể khi hoàn thành việc đóng giàn khoan và kỳ vọng công ty con PVD Invest sẽ thu được lợi nhuận lớn sau khi đi vào hoạt động;

- Nhân lực quản lý mạnh, có quan hệ chính trị và kinh doanh tốt;

- Cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thường xuyên có sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhược điểm:

- Chỉ số P/E thuộc loại cao nhất trong các blue-chip khiến cho nhà đầu tư trong nước e ngại. Việc gia tăng lợi nhuận vẫn chưa đủ để hạ chỉ số P/E xuống mức hấp dẫn;

- Ngành dầu khí đang cổ phần hóa nhiều công ty khác, lượng cung hàng hóa trong ngành khá lớn khiến sự quan tâm đối với PVD sẽ bị chia sẻ.

Kỳ vọng về giá:

- Về ngắn hạn, giá PVD dao động quanh mức 170.000 đồng/cổ phiếu;

- Về dài hạn, một khi khẳng định được hiệu quả của các dự án đầu tư mới, PVD có thể có đột biến tốt về giá và được kỳ vọng là một blue-chip thay thế các blue-chip đang dẫn đầu trên sàn.

5. CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã CK: PPC)

Ưu điểm:

- Là một trong những nhà máy sản xuất điện năng lớn nhất Việt Nam, thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và vì vậy được EVN bao cấp đầu ra;

- Nguyên liệu sử dụng đầu vào ổn định, dồi dào, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường;

- Hiệu quả kinh doanh khá ổn định sau cổ phần hóa, lợi nhuận trên vốn đạt cao do nhà máy luôn chạy hết công suất;

- Thị giá thấp, chỉ số P/E thấp so với các blue-chip khác.

Nhược điểm:

- Hệ thống máy móc lạc hậu, thua kém so với hàng loạt nhà máy mới đầu tư sau này, tiềm năng mở rộng thấp;

- Nhân lực quản lý không được đánh giá cao, đặc biệt là quản lý về tài chính nên sử dụng vốn nhàn rỗi không hiệu quả;

- Các dự án đầu tư chỉ ở mức trung bình, khó có khả năng giúp PPC phát triển mạnh sau này;

- Một khi EVN đẩy mạnh cổ phần hóa, PPC sẽ phải đối mặt với lượng cung tăng, có thể làm loãng giá cổ phiếu.

Kỳ vọng về giá:

- Mức giá hiện nay có thể xem là mức giá cân bằng của PPC, nhà đầu tư ít mạo hiểm, ngại rủi ro có thể đầu tư.

6. CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Mã CK: SJS)

Ưu điểm:

- Là một thương hiệu mạnh trong ngành bất động sản, được Tổng công ty Sông Đà hỗ trợ trong việc xây dựng và triển khai các dự án;

- Kết quả kinh doanh ấn tượng với tốc độ tăng trưởng cao. Các dự án đã và đang triển khai hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn;

- Nhân lực mạnh, có quan hệ chính trị và kinh doanh tốt;

- SJS là một hiện tượng trên thị trường khi liên tục tăng giá trong một khoảng thời gian dài và được xem là một biểu tượng năng động của TTCK Việt Nam;

- Cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thường xuyên có sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhược điểm:

- Chỉ số P/E khá cao và ngành bất động sản càng lúc càng cạnh tranh nên không phải lúc nào SJS cũng được yêu chuộng;

- Hiện đang có nhiều công ty chuyên về bất động sản đã hoặc chuẩn bị niêm yết. Mặc dù có thế mạnh riêng, nhưng sự quan tâm cũng như sức cầu từ phía nhà đầu tư đến SJS có thể sẽ bị chia sẻ;

- Gần đây, việc Tổng công ty Sông Đà quyết định bán ra một số lượng lớn cổ phiếu SJS khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng và hoài nghi.

Kỳ vọng về giá:

- Về ngắn hạn, SJS cần có thời gian tích lũy để xác lập ngưỡng giá mới trong quá trình tăng trưởng của mình, dự kiến sẽ cân bằng quanh mức 300.000 đồng/cổ phiếu;

- Về dài hạn, một khi các dự án đầu tư mới tạo ra được luồng tiền mạnh, SJS sẽ cùng với PVD tiếp tục đột phá để trở thành blue-chip mạnh, có thể thế chỗ các blue-chip đang dẫn đầu.

 

VNM

STB

FPT

PVD

PPC

SJS

Tổng KLCP

175.297.500

442.957.099

91.215.345

108.800.000

326.235.000

40.000.000

Giá CP ngày 27/7 (đồng)

172.000

58.500

    250.000

    161.000

      55.500

258.000

Vốn hóa (tỷ đồng)

30.151

25.913

22.804

17.517

18.106

10.320

EPS (đồng)

            5.110

1.450

6.590

2.170

3.430

4.030

P/E

33,66

40,34

37,94

74,19

16,18

64,02

P/B

7,74

1,90

9,07

13,42

4,33

9,19

Lê Văn Thanh Long - Trưởng phòng Phân tích

Vietstock

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật