Tổng quan tình hình kinh tế tài chính thế giới và Việt Nam tháng 11/2008
Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ đã nhanh chóng lan ra toàn cầu, giờ đây đang tác động mạnh vào toàn bộ nền kinh tế các nước trên thế giới. Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đang phối hợp cùng nhau để hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Việt Nam, những bất ổn vĩ mô trong nước chưa kịp phục hồi, đã phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến cho nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
1. Khủng hoảng tài chính đã tác động đến nhiều ngành kinh tế
Sau khi hệ thống tài chính chao đảo, khủng hoảng tài chính lan sang rất nhiều ngành kinh tế, làm cho nhiều ngành kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn.
Ngành bị tác động mạnh và dễ nhận thấy đầu tiên là vận tải biển khi giá vận tải giảm từ 30-70%. Điều này cho thấy quy mô của thương mại toàn cầu đang giảm mạnh. Ngành vận tải hàng không cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Làn sóng sáp nhập các hãng hàng không lớn để cắt giảm chi phí diễn ra khắp nơi.
Một ngành rất quan trọng với nền kinh tế các nước phát triển là ngành sản xuất ô tô cũng đang gặp khó khăn. Hai quốc gia có các hãng sản xuất ô tô lớn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản đều phải thực hiện các chính sách khẩn cấp để cứu ngành công nghiệp này. Tại Hòa Kỳ, trong tháng 10, doanh số của GM giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Ford và Chrysler doanh số đều giảm hơn 1/3. Chỉ riêng hãng GM đã lỗ 4.2 tỷ USD vào quý III năm nay. Tại Nhật Bản, các hãng ô tô lớn như Toyota, Mazda, Honda, Nissan đều có doanh số sụt giảm, xuất khẩu đình trệ, nhiều công ty thua lỗ và phải sa thải lao động hàng loạt. Ỏ Châu Âu, tình trạng cũng diễn ra tương tự với nhiều hãng ô tô lớn khác. Các hãng ô tô Hàn Quốc cũng đang cần sự trợ giúp của chính phủ để tránh nguy cơ phá sản. Một khi ngành ô tô phá sản không chỉ làm hàng triệu người lao động trực tiếp và gián tiếp thất nghiệp mà còn lan rộng ra cả nền kinh tế, gây ra một làn sóng khủng hoảng lớn.
Sau khi các ngân hàng đầu tư phá sản đến lượt các ngân hàng thương mại. Trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ đã có 22 ngân hàng phá sản. Trường hợp được quan tâm nhiều nhất trong khối ngân hàng là Citi Group. Ngân hàng này mất 55.5% giá cổ phiếu vào 2 ngày 13 và 14 tháng 11 làm cho thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn. Citi Group là NH lớn lớn thứ 2 của Mỹ về mặt tài sản và có chi nhánh ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Do có sự ảnh hưởng lớn lên hệ thống tài chính toàn cầu nên có những lúc TTCK các nước trên thế giới dường như lên xuống cùng với những tin tức từ Citi Group.
Chính sách giảm giá của các hãng bán lẻ được thực hiện khắp nơi trên thế giới nhưng doanh số ngành này vẫn sút giảm mạnh. Tại Mỹ, Circuit City là tập đoàn bán lẻ hàng điện tử lớn thứ hai của nước này đã bị phá sản. Ngày Black Friday mở đầu cho mùa lễ giáng sinh và mua sắm của người dân Mỹ, nhưng năm nay, không khí mua sắm trầm lắng hơn nhiều so với mọi năm.
Một ngành được xem là chỉ báo cho tình hình phát triển công nghiệp là ngành thép cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Sau khi giá thép tăng đột biến vào giai đoạn giữa năm thì đến nay giá thép đã hạ hơn 50%. Một loạt các công ty thép hàng đầu phải cắt giảm sản lượng, sa thải công nhân. Tập đoàn thép lớn nhất thế giới là Arcelor Mittal phải cắt giảm 30% sản lượng và sa thải đến 9,000 công nhân. Các hãng sản xuất thép lớn khác trên thế giới như SSAB của Thụy Điển, Corus, nhà sản xuất thép lớn thứ hai ở châu Âu, Tata Steel, JSW Steel Ltd của Ấn Độ, Baosteel Group của Trung Quốc phải cắt giảm 20-40% sản lượng. Điều này cho thấy bức tranh về hiện tại, cũng như triển vọng của ngành công nghiệp và xây dựng hết sức u ám khi nhu cầu về thép đang giảm rất mạnh.
Một ngành vốn có tốc độ phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây là ngành công nghệ cũng không thoát khỏi số phận. Điển hình là ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Các hãng máy tính lớn như Intel, Dell, HP, Nokia doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Những nhà sản xuất phần mềm và nhà cung cấp ứng dụng dịch vụ trên Internet cũng sụt giảm kỷ lục, đẩy giá cổ phiếu của các công ty này xuống thấp. Cổ phiếu của Microsoft xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Cổ phiếu của Google giảm xuống dưới mức 300 USD/cổ phiếu lần đầu tiên kể từ 2005.
2. Suy thoái kinh tế và những vấn đề thế giới đang phải đối phó
Suy thoái kinh tế và thất nghiệp các nước tăng cao
Các nền kinh tế lớn như Anh, Đức, Australia, Italia, Thụy Điển, Singapore, Hongkong đã chính thức suy thoái. Tình trạng thất nghiệp hiện nay ở Mỹ đã cao nhất trong 15 năm qua và tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III của Mỹ âm 0.5%. Theo kết quả công bố của viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số ngành công nghiệp ở Mỹ trong tháng 11 đã giảm xuống 36.2 điểm, từ 38.9 điểm trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1982. Tại Đức doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 10 đã giảm 1.6% so với tháng 9, cao hơn con số dự báo của các nhà phân tích là 1.1%. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Nhật Bản tiếp tục rơi vào suy thoái sâu. Số liệu thống kê xuất khẩu trong tháng 10 của Nhật giảm đến 7.7% so với tháng trước. Quốc gia láng giềng Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng công nghiệp cũng đã giảm sút liên tục từ 16% hồi tháng 6 xuống còn 11.4% trong tháng 9 và xuống tiếp 8.2% trong tháng 10, thấp nhất trong 7 năm qua.
Các chuyên gia của OECD cho rằng, cùng với triển vọng không chắc chắn, kinh tế toàn cầu ít có cơ hội phục hồi cho đến nửa cuối năm 2009. Dự đoán năm 2009, mức suy thoái tại Mỹ là 0.9%, Nhật Bản 0.1% và các nước thuộc khu vực đồng Euro là 0.5%, trong đó tốc độ suy thoái mạnh nhất rơi vào quý 4/2008 và quý 1/2009.
Như vậy, hầu hết các nền kinh tế chủ chốt đang lún sâu vào suy thoái. Làn sóng thất nghiệp tiếp tục là một gánh nặng và có thể đe dọa đến sự ổn định xã hội ở một số nước.
Khủng bố ở Ấn Độ và khủng hoảng chính trị ở Thái Lan
Trong tháng 11 không chỉ có khủng hoảng kinh tế và tài chính đang tàn phá các quốc gia mà khủng hoảng chính trị và khủng bố diễn ra một số quốc gia có thể làm cuộc suy thoái kinh tế hiện nay thêm trầm trọng. Ấn Độ vốn bị tác động mạnh của khủng hoảng tài chính còn phải đối phó với cuộc khủng bố đẫm máu ở thành phố thịnh vượng nhất nước là Munbai làm hơn 100 người thiệt mạng. Vụ khủng bố này đẩy mối quan hệ giữa Ấn Độ Pakistan càng thêm xấu. Tại Thái Lan cuộc biểu tình chống chính phủ đương nhiệm của phe đối lập làm cho không khí chính trị Thái Lan chao đảo, thủ tướng nước này phải tuyên bố từ chức. Chắc chắn, các sự việc này gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và tác động lâu dài đến sự phát triển của Thái Lan, Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực.
3. Những hành động ứng phó của các quốc gia
Cuộc khủng hoảng này đã khiến nhiều quốc gia phải sử dụng rất nhiều công cụ để ứng phó, đồng thời cũng đang phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng vượt qua cơn khủng hoảng. Liên minh Châu Âu phải thực hiện nhiều biện pháp phối hợp hành động, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng đang nỗ lực trợ giúp chính phủ các nước vượt cuộc khủng hoảng này.
Những chính tiền tệ được áp dụng
Để đối phó với tình trạng khủng hoảng chính phủ các nước đã thực hiện một loạt các giải pháp như hạ lãi suất để kích thích đầu tư, tiêu dùng và giảm bớt gánh nặng nợ nần cho những người vay nợ. Một loạt NHTW các nước đã hạ lãi suất cơ bản một cách đáng kể. Lãi suất cơ bản của Nhật gần như bằng không, Mỹ chỉ còn 1%. NHTW Châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất cơ bản từ 3.75% xuống còn 3.25%. Tiếp đến, một loạt NHTW các nước khác Australia, Thụy Sỹ, Canada, Hongkong cũng hành động tương tự. Trung Quốc cũng đang cắt giảm mạnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Với tình hình hiện nay nhiều khả năng NHTW các nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản trong thời gian tới.
Bầu cử tổng thống ở Mỹ
Nước Mỹ được xem là nơi khởi nguồn của cuộc khủng hoảng và là quốc gia có vai trò quan trọng nhất trong việc chèo lái nền kinh tế thế giới hồi phục. Chính vì vậy sự kiện ông Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ được rất nhiều người quan tâm. Người ta cũng tin tưởng vào đội ngũ quan chức kinh tế và đường lối kinh tế của vị tân tổng thống này. Mặc dù vậy đây cũng không thể xem là liều thuốc thần giúp kinh tế Mỹ và thế giới vượt qua khó khăn một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, những động thái này đã đem đến cho nước Mỹ và người dân khác trên thế giới những niềm hi vọng về sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế.
Các gói cứu trợ và các chính sách tài khóa
Cùng với các chính sách tiền tệ thì chính sách tài khóa và chính sách thuế cũng được áp dụng một cách mạnh mẽ, tránh cho hệ thống tài chính và các doanh nghiệp sụp đổ cũng như kích thích sự phục hồi của nền kinh tế.
Các ngân hàng có nguy cơ phá sản được chính phủ tung ra hàng chục tỷ USD để mua lại. Tại Mỹ, chính phủ nước này phải dùng 152.5 tỷ USD để giải cứu tập đoàn bảo hiểm AIG, bơm 20 tỷ USD và bảo lãnh khoản nợ xấu trị giá 306 tỷ USD cho Citigroup, ba tập đoàn sản xuất ô tô khổng lồ General Motors, Chrysler và Ford phải cần đến 25 tỷ USD tránh nguy cơ phá sản. FED đã mua vào lượng thương phiếu trị giá 271 tỷ USD do các công ty phát hành để giúp doanh nghiệp có tiền mặt cho hoạt động hàng ngày của mình. Ngoài gói cứu trợ 700 tỷ được thông qua vào tháng 10, mới đây, Mỹ lại tung ra kế hoạch kích thích kinh tế 800 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho tín dụng tiêu dùng, bất động sản và ô tô. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, số tiền dùng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng và phục hồi kinh tế cần thiết cho nước Mỹ vẫn chưa dừng lại ở đó.
Tại Trung Quốc, sau gói kích thích kinh tế khổng lồ gần 600 tỷ USD, Chính phủ nước này công bố kế hoạch bổ sung thêm khoản đầu tư 1.46 nghìn tỷ USD nhằm duy trì tăng trưởng và đối phó sự tác động mạnh của cuộc khủng hoảng đến từ bên ngoài.
Ở Châu Âu, ngoài số tiền hàng trăm tỷ USD để mua lại các định chế tài chính thì các nước này cũng lập kế hoạch với những gói tiền khổng lồ để kích thích kinh tế như Anh với 30 tỷ USD, Liên minh Châu Âu (gồm 27 nước Châu Âu) với 259 tỷ USD.
Ngoài các nền kinh tế lớn thì hầu hết các quốc gia khác cũng đã có kế hoạch hàng tỷ USD để hỗ trợ và kích thích kinh tế trong nước thoát khỏi khó khăn. Song song với nỗ lực của các quốc gia, IMF cũng đã tiến hành hỗ trợ nhiều nước với số tiền lên tới hàng trăm tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với trung bình hàng năm trước đó.
Không những tung tiền vào nền kinh tế, nhiều quốc gia còn kết hợp nhiều biện pháp như giảm thuế hàng hóa, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nợ và các nghĩa vụ khác cho người dân. Điển hình như chính phủ Mỹ cắt giảm 68 tỷ USD tiền thuế cho các doanh nghiệp và giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp. Chính phủ Anh, Đức và nhiều quốc gia khác cắt giảm thuế VAT, thuế thu nhập nhằm kích cầu tiêu dùng ở nước này.
4. Thị trường vàng và dầu trong tháng
Vàng tăng mạnh vào nửa cuối tháng 11
Nguồn: Usagold
Giá vàng giảm 30% vào tháng 10, lúc thấp nhất đã xấp xỉ 700 USD/oz và chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Nửa đầu tháng 11, giá vàng có mức giao động không đáng kể quanh mức 730 USD/oz, nhưng tính từ ngày 14 đến 24 tháng 11 vàng đã có mức tăng đột biến từ mức 713 đến 822 USD/oz. Những nguyên nhân làm giá vàng tăng mạnh là do đồng USD mất giá và kỳ vọng USD sẽ tiếp tục mất giá. Hơn nữa vào giai đoạn cuối năm nhu cầu về vàng vật chất sử dụng làm trang sức tăng khá mạnh ở một số khu vực. Tuy nhiên, ngay sau đó và cho tới những ngày đầu tháng 12, giá vàng đã giảm đi một cách đáng kể, hiện tại giá vàng xoay quanh mức 766 USD/oz.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, giá vàng rất khó có sự tăng cao vì nhu cầu sử dụng vàng vật chất sẽ sụt giảm do các nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là nhu cầu tại hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ đang giảm mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi, giá vàng có thể tăng mạnh trở lại khi hàng loạt nước tung tiền và hạ lãi suất để cứu nền kinh tế làm cho các đồng tiền mất giá.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh vào tháng 11
Nguồn: OPEC
Quan sát biểu đồ chúng ta có thể thấy, giá dầu thô liên tục sụt giảm, tháng 10 giá giảm 37%, tháng 11 giảm 17% và đạt mức thấp nhất 42 USD/thùng, tương đương với mức giá năm 2005. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dầu thô đã giảm đến 67% so với kỷ lục 147 USD/thùng vào tháng sáu năm nay. Nguyên nhân giải thích cho sự giảm sâu của giá dầu là do kinh tế suy thoái và nhu cầu năng lượng đang giảm.
Mặc dù các quốc gia khối OPEC có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu khai thác để đẩy giá dầu lên, nhưng với tình hình kinh tế hiện nay giá dầu khó có khả năng tăng cao và dự báo vẫn duy trì quanh mức giá 40-50 USD/thùng như hiện nay.
5. Thị trường chứng khoán các khu vực trên thế giới
Hầu hết các chỉ số chứng khoán giảm trong tháng 10. Qua tháng 11, sự mất điểm của các chỉ số đã ít hơn rất nhiều do TTCK các nước phục hồi mạnh vào cuối tháng. Trong tháng này, mức độ tương quan giữa các chỉ số chứng khoán tiêu biểu cũng ít hơn so với tháng trước.
|
Sự thay đổi của của một số chỉ số chứng khoán trong tháng 10 và 11(%) |
Dow Jones |
Nasdaq |
S&P 500 |
FST100 |
DAX |
CAC40 |
Nekkei 225 |
Shang hai |
Straits Times |
Kospi |
VN-Index |
Tháng 10 |
(13.79) |
(16.84) |
(16.56) |
(11.74) |
(14.09) |
(14.00) |
(24.55) |
(20.47) |
(23.94) |
(22.69) |
(23.63) |
Tháng 11 |
(5.75) |
(12.07) |
(8.09) |
(2.08) |
(6.82) |
(6.88) |
(0.76) |
7.61 |
(3.56) |
(3.44) |
(10.27) |
Sự thay đổi của các chỉ số chứng khoán trong tháng 10 và tháng 11
Tháng 11 này thị trường chứng khoán các nước đã giảm ít hơn so với tháng 10. Chỉ số Nikkei 225 chỉ giảm 0.76% trong khi đó tháng 10 giảm đến 24.47%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3.56%. Chỉ số giảm mạnh nhất tháng 11 là Nasdaq, giảm 12.07%. Duy nhất 1 chỉ số tăng giá là Shanghai Composite của Trung Quốc đã tăng 7.61%. Nguyên nhân cho sự biến động ngược chiều này có thể là do các nhà đầu tư đã tin tưởng vào gói kích thích kinh tế khổng lồ mà Chính phủ Trung Quốc công bố trong tháng 11.
Biều đồ sự biến động của chỉ số S$P 500, DAX, Nekkei 225 và VN-Index2
Nguồn: Finance.yahoo
Mức độ tương quan giữa các chỉ số chứng khoán
Để xác định mối tương quan giữa các thị trường chứng khoán trên thế giới chúng ta xem xét chỉ số R3 được tính toán dựa trên kết quả giao dịch hàng ngày của các TTCK.
Quan sát hai bảng bên dưới chúng ta có thể thấy mối liên hệ giữa các thị trường thông qua hệ số R. Hệ số R trong tháng 10 và 11 giữa các chỉ số chứng khoán với nhau đều rất cao (gần giá trị 1), chứng tỏ các thị trường đã có những biến động cùng chiều với nhau và có mối liên khá hệ rất chặt chẽ. So với các chỉ số khác, sự tương quan giữa chỉ số VN-Index và các chỉ số khác trên thế giới nhỏ hơn một cách đáng kể. Ngoài ra chúng ta cũng thấy R giữa tháng 10 cao hơn tháng 11 nhiều. Như vậy, vào tháng 11, các thị trường không còn biến động cùng chiều chăt chẽ như tháng trước. Đặc biệt trong tháng này, mức độ tương quan giữa Shang hai Composite là tương quan nghịch tương đối lớn.
TTCK Trung Quốc đã đi một hướng riêng, thậm chí còn ngược chiều với thị trường chứng khoán các nước khác thể hiện bằng hệ số R có giá trị âm.
Mức độ tương quan một số một số thị trường chứng khoán trong tháng 11
R |
S&P 500 |
FTSE100 |
DAX |
CAC40 |
Nekkei 225 |
Shanghai Composite |
Straits Times |
Kospi |
VN-Index |
S&P 500 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
FEST100 |
0.9099 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
|
DAX |
0.9484 |
0.9532 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
CAC40 |
0.9211 |
0.9845 |
0.9545 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
Nekkei 225 |
0.8617 |
0.9098 |
0.8995 |
0.9298 |
1.0000 |
|
|
|
|
Shanghai |
0.6039 |
0.5921 |
0.6472 |
0.7029 |
0.7599 |
1.0000 |
|
|
|
Straits Times |
0.8358 |
0.8350 |
0.8851 |
0.8793 |
0.9154 |
0.9099 |
1.0000 |
|
|
Kospi |
0.7434 |
0.7421 |
0.8206 |
0.8085 |
0.8680 |
0.8887 |
0.9819 |
1.0000 |
|
VN-Index |
0.7987 |
0.8056 |
0.8211 |
0.8547 |
0.9276 |
0.9269 |
0.9426 |
0.9089 |
1.0000 |
Mức độ tương quan một số một số thị trường chứng khoán trong tháng 10
R |
S&P 500 |
FTSE100 |
DAX |
CAC40 |
Nekkei 225 |
Shanghai Composite |
Straits Times |
Kospi |
VN-Index |
S&P 500 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
FEST100 |
0.9145 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
|
DAX |
0.9349 |
0.9823 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
|
CAC40 |
0.9247 |
0.9803 |
0.9976 |
1.0000 |
|
|
|
|
|
Nikkei 225 |
0.7793 |
0.8564 |
0.8794 |
0.8767 |
1.0000 |
|
|
|
|
Shanghai |
-0.8170 |
-0.7573 |
-0.7930 |
-0.7980 |
-0.6836 |
1.0000 |
|
|
|
Straits Times |
0.8055 |
0.8182 |
0.8811 |
0.8723 |
0.8694 |
-0.6936 |
1.0000 |
|
|
Kospi |
0.7960 |
0.8310 |
0.8687 |
0.8578 |
0.8647 |
-0.6221 |
0.9562 |
1.0000 |
|
VN-Index |
0.5333 |
0.6394 |
0.7089 |
0.7293 |
0.7213 |
-0.5296 |
0.8050 |
0.7608 |
1.0000 |
B. KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Kinh tế Việt Nam đã bị tác động mạnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, cùng với những yếu kém nội tại trong nền kinh tế làm cho Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
1. Những khó khăn của kinh tế trong nước
Các doanh nghiệp sản xuất và bất động sản gặp khó khăn
Tình trạng cầu hàng hóa trong nước sụt giảm đã ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp thép vào đầu năm đã đạt được lợi nhuận vượt trội do giá thép tăng và nhờ vào hàng tồn kho giá rẻ ban đầu. Nhưng khi giá thép thế giới và cầu trong nước sụt giảm thì chính lượng hàng tồn kho làm cho doanh nghiệp thua lỗ. Một số ngành khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như ngành nhựa, hóa chất,... Điều này một phần là do trình độ quản lý và quản trị rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
Với ngành bất động sản, trước đây, giai đoạn giá bất động sản tăng rất cao, nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án bất động sản, đầu cơ nhà đất. Khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều nơi giá nhà cửa, căn hộ giảm đến 70% so với lúc giá lúc cao đã khiến cho nhiều nhà đầu cơ và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Theo Ngân hàng Nhà nước công bố, dư nợ cho bất động sản hiện nay trong hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 11,500 tỷ đồng, chiếm 9.3% tổng dư nợ nhưng còn số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bất động sản hiện nay có tiềm lực yếu, sử dụng đòn bẩy nợ cao. Do đó, nếu thị trường bất động sản đóng băng kéo dài thêm nữa và lãi suất tiếp tục cao như hiện nay thì sự phá sản của các doanh nghiệp bất động sản là điều không tránh khỏi.
Khó khăn doanh nghiệp xuất khẩu
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Như phân tích phần kinh tế thế giới ở trên, chúng ta thấy sức cầu hầu hết các quốc gia đã giảm mạnh, đặc biệt là một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Không những vậy, giá cả một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cafe, hạt điều, tiêu, cao su, thủy sản,... liên tục mất giá trên thị trường quốc tế và rất khó khăn trong việc tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu mới. Ngoài ra, với tỷ giá USD/VND hiện không thuận lợi cho sự cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Sự mạnh lên của đồng USD làm cho tiền tệ hầu hết các nước đã mất giá từ 10% đến 30%, nhất là các nước có các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ...
Tính toàn bộ mười một tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam 34%4 , nhưng chủ yếu là do giá tăng, trong khi đó sản lượng tăng không nhiều. Mặt khác, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều là nguyên liệu thô và hàng gia công có giá trị gia tăng thấp nên khi giá giảm mức độ ảnh hưởng càng trầm trọng.
Để giải quyết tình trạng này các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến khai thác một số thị trường tiềm năng và ít chịu tác động của khủng hoảng hiện này như các quốc gia Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, muốn có chỗ đứng tại các thị trường này, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược đúng đắn để tiếp cận khách hàng và đối mặt với sự cạnh tranh.
Sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh từ bên ngoài
Theo cam kết khi gia nhập WTO, năm 2009, Việt Nam phải mở cửa hơn thị trường hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, khi thị trường thế giới bị thu hẹp thì sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt. Sự cạnh tranh có thể đến từ hàng nông sản đến từ Thái Lan, Campuchia. Đặc biệt nguy cơ lớn nhất là đến từ hàng hóa của Trung Quốc với mẫu mã đẹp, giá cả vô cùng cạnh tranh. Khi thị trường xuất khẩu ở các nước khác bị thu hẹp, Việt Nam trở thành mục tiêu lý tưởng. Trên thực tế trong thời gian gần đây, hàng hóa Trung Quốc đã xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước nếu không có những giải pháp đối phó kịp thời sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản.
2. Tác động từ những chính sách của nhà nước với nền kinh tế và thị trường tài chính
Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ
Trước vấn đề lạm phát cao không còn đe dọa, tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát, vì vậy NHNN đã liên tục thực hiện các chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian qua. Trong tháng 11, lãi suất cơ bản giảm xuống còn 11%/năm, tiếp tục giảm còn 10% vào đầu tháng 12. Lãi suất tái chiết khấu cũng giảm, còn 9%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện hành đối với tiền đồng kỳ hạn dưới 12 tháng là 10%, và với trên 12 tháng là 4%. Với ngoại tệ, tỷ lệ lần lượt là 9% và 3%. Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, NHNN đã nhiều lần hạ lãi suất cơ bản cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách đáng kể. Tuy vậy lãi suất cơ bản hiện nay vẫn được xem là khá cao. Nhiều khả năng chính tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp cho lãi suất NH tiếp tục giảm để kích thích đầu tư, tiêu dùng và giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp nền kinh tế mau chóng phục hồi.
Lãi suất tại ngân hàng thương mại giảm mạnh
Cùng với lãi suất cơ bản giảm, nhiều NHTM cũng đã chủ động giảm lãi suất huy động và cho vay. Mức lãi suất cho vay hầu hết các NHTM hiện nay khoảng từ 13.5-15%. Đặc biệt một số ngân hàng có mức lãi suất khá thấp như Vietcombank lãi suất cho vay ưu đãi còn 10.5%, BIDV cũng có chương trình cho vay ưu đãi với doanh nghiệp và một số dự án ưu tiên chỉ ở mức 11-13%, thậm chí mức đáy chỉ 10.4%/năm. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm một cách đáng kể nhưng với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay thì đây vẫn là một mức khá cao khiến doanh nghiệp tiếp tục thận trọng khi vay vốn đầu tư sản xuất hay tích trữ hàng hóa. Mặt khác, các ngân hàng cũng cẩn trọng trong vấn đề giải ngân vốn do lo sợ những rủi ro từ doanh nghiệp. Hiện nay, ngân hàng thương mại nhà nước cho một số doanh nghiệp thu mua một số mặt hàng nông sản xuất khẩu vay những khoản vay ưu đãi nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp và nông dân.
Hệ quả của lãi suất trần
Ngày 16/5/2008, NHNN ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN, chính thức đưa cơ chế điều hành lãi suất theo trần không vượt quá 1.5 lần lãi suất cơ bản. Như vậy hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng bị bó buộc theo lãi suất cơ bản mà NHNN quy định. Quy định này nhằm bảo vệ người đi vay tránh phải trả một lãi suất quá cao. Tuy nhiên xét về mặt lý thuyết và thực tế đây chưa phải là một điều hợp lý.
Về bản chất, lãi suất cơ bản là mức lãi suất tốt nhất mà các NHTM có thể cho vay. Còn về lý thuyết thì lãi suất của các khoản vay phải tương ứng với mức độ rủi ro và chi phí quản lý các khoản vay này. Việc quy định lãi suất trần đã ngăn cản những người cần tiền sẵn sàng chấp nhận vay những khoản có lãi suất cao. Tín dụng tiêu dùng là một mảng chưa thực sự phát triển mạnh ở VN. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn, việc cho vay tín dụng tiêu dùng với lãi suất thỏa thuận là một điều cần thiết, bởi những khoản vay này thường có rủi ro cao, chi phí quản lý tốn kém, cần có một lãi suất cao hơn lãi suất thông thường.
Ngày 02/12/08, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái bật đèn xanh cho việc tái lập lại cơ chế lãi suất thỏa thuận. Tuy nhiên, theo nội dung của văn bản thể hiện “cho vay thỏa thuận với những dự án sản suất kinh doanh có hiệu quả cao“. Như vậy, về thực chất, việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận của NHNN cũng không có nhiều ý nghĩa vì “dự án có hiệu quả cao“ thì chắc chắn là sẽ vay được lãi suất thấp hơn 1.5 lần lãi suất cơ bản. Quy định của NHNN để bảo vệ người vay nhưng làm “bó chân“ ngân hàng và chính những người đi vay. Nếu những khúc mắc này không sớm được giải quyết sẽ gây thêm khó khăn cho ngân hàng và cả sự phục hồi của nền kinh tế.
3. Chính sách thuế và một số vấn đề tồn tại trong nền kinh tế
Trong tháng 11, nhiều vấn đề cũng được người dân quan tâm như chính sách thuế, các vấn đề được phát hiện sau khi kiểm toán EVN, các ban quản lý dự án và việc các đại biểu quốc hội đã chất vấn chính phủ về các một số dự báo và chính sách kinh tế trước đây.
Thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán
Dự thảo thuế đầu tư chứng khoán được ra đời vào năm 2007 khi mà kinh tế và thị trường chứng khoán đang trong thời kỳ bùng nổ. Lúc đó, ít ai có thể nghĩ rằng vào ngày 01/01/2009 khi luật thuế này được áp dụng, TTCK và kinh tế sẽ rời vào tình trạng như hiện nay. Như vậy một câu hỏi được đặt ra là việc tiếp tục luật thuế này liệu có hợp lý trong tình hình hiện tại?
Trong tình hình hiện nay, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán đã tác động không nhỏ đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư, của doanh nghiệp. Động thái chia lãi cổ tức với tỷ lệ cao của một loạt doanh nghiệp trước thời điểm áp dụng thuế cũng một phần nói lên điều đó. Mặt khác về mặt lý thuyết, một khi đánh thuế đầu tư chứng khoán sẽ làm cho chi phí vốn của những khoản đầu tư này tăng thêm, điều đó đồng nghĩa với giá các loại chứng khoán sụt giảm một cách tương ứng.
Bản chất những khoản lợi tức đến từ đầu tư chứng khoán là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh doanh nghiệp mà cổ đông nhận được sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp5. Như vậy đánh thuế thu nhập từ chứng khoán chính là đánh thuế hai lần vào cùng một khoản lợi nhuận6.
Nhiều quốc gia, thị trường lớn trên thế giới đều chưa đánh thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán, tiêu biểu như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Lucxembourg,... TTCK Trung Quốc ra đời trước Việt Nam 10 năm, gần đây mới dự định áp dụng điều luật này nhưng đã hoãn lại để hỗ trợ cho thị trường trong đà giảm sút.
Như vậy, việc áp dụng thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách có thể xem như chưa thực sự phù hợp trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang là mối quan tâm sâu sắc.
Những vấn đề trong quản lý của các doanh nghiệp và Cơ quan Nhà nước
Kết quả kiểm toán EVN cho thấy tập đoàn này đã đầu tư 4.8% vốn chủ sở hữu, tương đương với 3,590 tỷ đồng ra ngoài lĩnh vực chính. Mặc dù năm 2007, EVN đã thu được được lợi nhuận từ các khoản đầu tư ngoài ngành nghề chính này nhưng trong tình hình hiện nay, EVN khó có thể tiếp tục kiếm được lợi nhuận như trước. Việc đầu tư của EVN và của nhiều tập đoàn khác của Nhà nước ngoài lĩnh vực chính, đặc biệt đối với những lĩnh vực có độ rủi ro cao, khiến bong bóng trong nền kinh tế thêm phình to, tăng thêm bất ổn và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Trong đợt kiểm toán này cũng phát hiện những sai phạm của các ban quản lý dự án của các Bộ. Các ban quản lý này đã sử dụng nhiều khoản tiền sai mục đích gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Những điều này cho thấy còn rất nhiều bất cập về điều hành Doanh nghiệp Nhà nước cũng như việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi và phát triển lâu dài của toàn bộ nền kinh tế.
4. Xăng dầu, vàng, tỷ giá
Biến động của thị trường vàng trong nước
Giá vàng vật chất trong nước tháng này tăng cùng với giá vàng trên thế giới, tuy nhiên mức biến động của giá vàng trong nước ít hơn so với thế giới. Trong tháng 11, giá vàng trong nước chỉ tăng 1.7%7, trong khi đó giá vàng thế giới tăng 11%8. Vào cuối tháng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp lại (quan sát biểu đồ). Giá vàng tại sàn giao dịch ACB biến động khá sát và thể hiện phần nào sự liên thông với sự biến động của giá vàng trên thế giới.
Nguồn: Usagold và Giavang.net
Diễn biến tỷ giá9
Mặc dù có chính sách nới rộng biên độ giao dịch ngoại tệ lên ±3% vào ngày 6/11, tỷ giá USD/VND trong tháng 11 hầu như không tăng đáng kể (+1.03%). Trên thị trường tự do đã có lúc tỷ giá tăng lên 17,500 VND/USD, nhưng tỷ giá này không duy trì được lâu, sau đó đã giảm xuống 17,250 VND/USD vào những ngày cuối tháng. Tính cả 11 tháng của năm 2008 VND mới chỉ mất giá 6% so với USD.
Các đồng tiền khác trong khu vực như Baht (Thái Lan), AUD (đô la Úc), Won (Hàn Quốc) và Rupiah (Indonesia), đều có mức mất giá từ 15% đến 35%10 so với USD. Với xu hướng ngày càng mạnh lên của USD, mặc dù Fed có thể tiếp tục hạ lãi suất cơ bản, sẽ làm cho nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá.
Hiện nay, với những hợp đồng tương lai, tỷ giá USD/VND đang được giao dịch ở mức phổ biến trên 19,000 VND/USD. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các dòng vốn FDI, FPI và kiều hối chuyển vào Việt Nam sẽ giảm, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Do đó, trong thời gian tới, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó tỷ giá hối đoái thức của USD/VND hiện đã trên 20,000VND/USD. Như vậy, áp lực về sự mất giá của VND đang rất lớn và nhiều khả năng tỷ giá sẽ tăng xung quanh mức 20,000VND/USD vào năm 2009.
Giá xăng dầu trong nước
Giá xăng dầu trong nước sau 2 đợt giảm giá và duy trì ở mức 13,000 đồng/lít với xăng A92 và dầu hỏa là 13,500 đồng/lít. Giá cả tiếp tục điều chỉnh giảm 1,000 đồng/lít vào ngày 2/12. Mặc khác, Chính phủ cũng nâng mức thuế nhập khẩu xăng dầu lên ở mức 35%. Trước tình hình này, cùng với tình trạng kinh doanh xăng dầu trong nước, người tiêu dùng phải trả một mức giá cao hơn giá thành thực sự của chúng rất nhiều. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay ở mức tương đương thậm chí còn cao hơn, trong khi đó, thu nhập bình quân trên đầu người của nước ta lại thấp hơn hàng chục lần. Nếu vẫn giữ giá xăng dầu ở mức cao như hiện nay có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển và phục hồi của nền kinh tế.
5. Các vấn đề kinh tế vĩ mô trong tháng 1111
Tỷ lệ lạm phát tiếp tục âm
Tính chung 11 tháng, chỉ số CPI tăng 20.71%. Chỉ số giá CPI tháng 11 giảm 0.76% so với tháng 10, trong đó nhà ở,và vật liệu xây dựng giảm đến 4.86%, phương tiện đi lại giảm 4.4%. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm và các dịch vụ tiếp tục giảm. Đây được xem là một tín hiệu tiêu cực với nền kinh tế khi sức cầu hầu hết các mặt hàng đều suy giảm, thể hiện tình hình kinh tế đang trong đà suy thoái.
Xuất nhập khẩu và cán cân thương mại
Giá trị xuất khẩu tháng 11 đạt 4.8 tỷ USD, giảm 4.8% so với tháng 10, nguyên nhân là do một số mặt hàng giảm giá dầu thô giảm 29%; gạo giảm 10%; than đá giảm 7%. So sánh với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng xuất khẩu đạt 34%. Mức tăng trưởng này phần lớn do giá cả một số mặt hàng tăng. Nhập khẩu 5.3 tỷ USD, giảm 7.1% so với tháng 10, điều này cũng chủ yếu do một số hàng nhập khẩu giảm xăng dầu giảm 12%; máy móc, thiết bị giảm 8.5%; sắt, thép giảm 5.2%. Như vậy tính chung 11 tháng, Viêt Nam thâm hụt thương mại 16.9 tỷ USD. Về xu hướng, ta thấy xuất khẩu 5 tháng nay đã giảm so với tháng trước. Nhìn chung, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn về tìm kiếm thị trường; sụt giảm giá cả và cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới.
Bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng giảm
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy tăng so với cùng kỳ năm 2007, nhưng chủ yếu là do tăng giá. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng thì 11 tháng qua, bán lẻ chỉ tăng 6.2% về mặt số lượng. Con số này chỉ bằng nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng đang có xu hướng giảm dần vào các tháng gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng đã “thắt lưng buộc bụng” khi lạm phát cao, nay lạm phát đã giảm, nhưng mặt bằng giá vẫn còn cao, thu nhập không tăng, thậm chí có bộ phận còn giảm do gặp khó khăn về công ăn việc làm và hoạt động kinh doanh.
Vốn đầu tư nước ngoài
Vốn đăng ký FDI tháng 11 là 726 triệu USD, nâng tổng số vốn đăng ký từ đầu năm đến 20/11/2008 lên 59 tỷ USD. Nếu tính thêm 1,1 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung năm trước thì 11 tháng năm nay cả nước đã thu hút được 60.1 tỷ USD từ các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tăng 211.8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện trong 11 tháng năm của 2008 ước tính đạt 10.1 tỷ USD, tăng 44.2% so với cùng kỳ năm 2007. Vốn đầu tư FDI 11 tháng năm 2008 chiếm đến 1/3 tổng mức đầu tư trong nền kinh tế. FDI đang chiếm một tỷ lệ rất cao nên một khi dòng vốn này giảm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay theo nhiều dự đoán cho rằng trong năm 2009 dòng vốn FDI sẽ giảm 20 -30% so với năm 2008. Điều này có thể làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm đi đáng kể.
Sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11/2008 ước tính tăng 15.6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù vẫn còn khá cao nhưng đã chậm lại từ mấy tháng nay. Chất lượng tăng trưởng công nghiệp đang bị sụt giảm. điều này đòi hỏi không những phải tăng thêm vốn đầu tư mà có biện pháp sử dụng hiệu quả.
C. KẾT LUẬN
1. Kinh tế tài chính thế giới
Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Làn sóng thất nghiệp ngày một tăng lên khiến cho những vấn đề xã hội ngày càng trở nên phức tạp và có thể gây ra bất ổn xã hội ở một số quốc gia. Tâm điểm của vòng xoáy khủng hoảng có thể rơi vào quý I năm 2009. Nhiều quốc gia phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng âm vào năm 2009. Các nước đang phát triển cũng có tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Làn sóng phá sản và sát nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ. Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được nhiều quốc gia áp dụng và các kế hoạch kích thích kinh tế mới sẽ tiếp tục được đưa ra. Những chính sách của các quốc gia cần phải phối hợp một cách chặt chẽ với nhau để đạt được hiệu quả cao trong công cuộc đẩy lùi khủng hoảng. Nhiều khả năng đến cuối năm 2009 nền kinh tế thế giới mới có thể bắt đầu phục hồi.
2. Kinh tế tài chính Việt Nam
Suy thoái kinh tế đã có sự tác động trực tiếp đến Việt Nam. Cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng kiều hối giảm, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt, các ngành nghề như du lịch, dịch vụ, sản xuất, bán lẻ và xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức. VND sẽ mất giá và tốc độ phát triển kinh tế tháng cuối năm và năm 2009 sẽ chậm một cách đáng kể.
Hơn lúc nào hết, để ngăn chặn đà suy thoái, Chính phủ và các doanh nghiệp cần có những quyết định đúng đắn. Chính sách tiền tệ nên được nới lỏng hơn nữa và các gói kích thích kinh tế cần được sử dụng hợp lý. Các chính sách liên quan tới một số loại thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập, đặc biệt thuế nhập khẩu xăng đầu và việc kinh doanh để giá xăng dầu trong nước cũng cần xem xét lại và giảm tới mức hợp lý. Ngoài ra, chính phủ phải thúc đẩy cải thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các công cụ và nguồn lực của nhà nước để tạo được lòng tin cho người dân và các nhà đầu tư mới có thể làm cho kinh tế phục hồi và phát triển.
(1) Tác giả tính toán dựa trên số liệu về điểm số các chỉ số chứng khoán, nguồn finance.yahoo.com.
(2) Quy ước giá trị ban đầu của các chỉ số là 100 vào ngày 31/10, nguồn finance.yahoo.com.
(3) Chỉ số R nói lên mức độ tương quan giữa các thị trường chứng khoán R nằm trong khoảng -1 đến +1. Nếu R =1 tương quan thuận hoàn toàn, R=-1 tương quan nghịch hoàn toàn, R2 càng gần 1 thì mối tương quan giữa các thị trường càng mạnh.
(4) Tổng cục thống kê.
(5) Theo các mô hình định giá cổ phiếu thì giá cổ phiếu mà các cổ đông chấp nhận mua đều dựa trên các dòng tiền mà cổ đông sẽ nhận được trong tương lai. Một cách tổng thể khoản tiền chênh lệch mà cổ đông nhận được đến từ dòng tiền doanh nghiệp chi trả sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước và một phần dành cho tái đầu tư.
(6) Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế từ những khoản cổ tức được chia hoặc dưới dạng tiềm năng thể hiện trong giá cổ phiếu.
(7) Theo giá vàng hàng ngày tại nguồn giavang.net.
(8) Nguồn usagold.com.
(9) Quy đổi giá vàng thế giới USD thành VND tỷ giá Tại NHTM vào từng ngày.
(10) Tác giả tính toán dựa trên tỷ giá nguồn finance.google.com.
(11) Những số liệu trong phần “các vấn đề vĩ mô tháng 11 nguồn tổng cục thống kê”.
Vietstock
|