Thứ Sáu, 23/01/2009 08:06

Carry trade - Thực trạng và xu hướng

(Vietstock) - Hoạt động carry trade sẽ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên phương thức đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro, như việc tạo ra nguồn cung cầu ảo đối với USD và VND, góp phần “bóp méo” tỷ giá và gây ra những tác động tiêu cực đến chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, việc nhận định về những diễn biến và xu hướng của hoạt động này sẽ giúp các nhà đầu tư có quyết định đúng đắn trong chiến lược kinh doanh của mình.

Carry trade là gì?

Carry trade là một chiến lược kinh doanh tiền tệ, trong đó nhà đầu tư vay một đồng tiền có mức lãi suất thấp để đầu tư vào tài sản của một nước khác có mức lợi suất cao hơn. Nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều kênh đầu tư khác nhau để đem lại hiệu quả cao nhất.

Lợi nhuận có được từ nghiệp vụ này là mức chênh lệch giữa lợi suất thu được và lãi suất đi vay. Thông thường người ta đầu tư trực tiếp vào một đồng tiền khác hay vào trái phiếu, khi đó nghiệp vụ đầu tư trở nên rất đơn giản với khoản lợi nhuận khá “an toàn”.

Tuy nhiên, lợi nhuận này chỉ có được với điều kiện tỷ giá giữa hai đồng tiền không biến động mạnh. Nếu đồng tiền đi vay tăng giá nhiều hơn mức chênh lệch thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại. Tỷ giá giữa các đồng tiền dễ biến động do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như cán cân thương mại và thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối quốc gia... ngay cả với những quốc gia sử dụng tỷ giá hối đoái cố định (thường là neo đồng nội tệ theo USD). Trong khi lãi suất thường khó thay đổi do phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của các quốc gia, rủi ro tỷ giá mới là vấn đề lớn nhất của những nhà kinh doanh theo chiến lược này.

Thực trạng

AUD/JPY – NZD/JPY

Yên Nhật (JPY) là một trong số những đồng tiền “rẻ” nhất trên thế giới với lãi suất 0.5% được duy trì trong thời gian dài. Chính phủ Nhật áp dụng mức lãi suất thấp này nhằm kích cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất quá thấp khiến việc đầu tư tại Nhật trở nên kém hấp dẫn, do vậy nhà đầu tư, các tập đoàn và ngân hàng của Nhật thường đầu tư ra nước ngoài để hưởng mức sinh lợi cao hơn. Điều này đã “đẩy” JPY trở thành đồng tiền “cơ sở” cho nghiệp vụ carry trade.

Qua so sánh lãi suất của một số đồng tiền mạnh trên thế giới trong năm 2008, dễ dàng nhận thấy chênh lệch lãi suất lớn giữa JPY với AUD (Dollar Australia) và NZD (Dollar New Zealand). Cặp tỷ giá AUD/JPY và NZD/JPY cũng là các cặp tỷ giá phổ biến cho nghiệp vụ carry trade trên thế giới.

Nguồn: NHTW các nước

Như đã đề cập ở trên, tỷ giá chuyển đổi giữa hai đồng tiền là điều mà các nhà đầu tư nghiệp vụ này hết sức quan tâm. Trong khoảng 9 tháng đầu năm 2008, hai cặp tỷ giá không biến động nhiều là điều kiện thuận lợi cho xu hướng carry trade.

Nguồn: Global View, EODData 

Từ tháng 9 trở đi, thế giới đã có những biến đổi mạnh mẽ. Đây là giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ. Khủng hoảng lan rộng từ lĩnh vực tài chính sang tiêu dùng và sản xuất khiến việc đầu tư vào các nền kinh tế đều trở nên rủi ro. Australia và New Zealand cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Trước tình hình này, nhà đầu tư Nhật vội vã “rời bỏ” hoạt động carry trade và rút tiền về nước. JPY tăng giá so với hầu hết các đồng tiền lớn khác.

Biểu đồ bên cho thấy mức độ mất giá của AUD, NZD và USD so với JPY. AUD và NZD sụt giá đến 40% so với JPY chỉ trong 4 tháng (tháng 8 đến tháng 12). Ngay cả USD cũng bị sụt giá hơn 20%.

Nguồn: Global View, EODData

Khi thị trường tài chính thế giới đang trải qua “sóng gió”, tính “ngại” rủi ro trong đầu tư gia tăng, các tổ chức đồng loạt thu hẹp lại các hoạt động đầu tư. Do tính liên kết và thâm nhập sâu rộng của JPY vào các kênh đầu tư quốc tế, sự kiện này đã gây xáo trộn toàn bộ hệ thống tài chính thế giới. Dòng tiền đầu tư không những ngừng đổ vào các “địa chỉ quen thuộc” mà còn chảy ngược lại, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu. JPY tăng giá trong khi kinh tế Nhật đang rơi vào khủng hoảng, điều này gây ra không ít lo ngại cho Chính phủ nước này. Xuất khẩu, một lĩnh vực quan trọng của Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thu hẹp các thị trường, nay lại càng khó khăn hơn vì hàng hóa Nhật càng trở nên đắt đỏ (do JPY tăng giá so với các đồng tiền khác). Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới càng trở nên điêu đứng, góp thêm sự “sợ hãi” vào cuộc khủng hoảng.

USD/VND

Nghiệp vụ carry trade cũng phổ biến với đồng tiền của các nước có nền kinh tế mới nổi. Tại các quốc gia này tăng trưởng kinh tế nhanh và lạm phát cũng ở mức cao. Nhằm giữ tỷ lệ lạm phát phù hợp, Chính phủ tại đây duy trì mức lãi suất khá cao. Lãi suất cao còn nhằm mục đích thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như bù đắp cho mức độ rủi ro cao tại các quốc gia này.

Bên cạnh lãi suất cao, các nước này thường thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái cố định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và tạo môi trường ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là hai điều kiện thuận lợi thực hiện nghiệp vụ carry trade.

Tuy nhiên, nghiệp vụ này sẽ phải đối mặt với một rủi ro khá lớn về tính thanh khoản. Quy mô thị trường quá nhỏ, nên khi có những biến động bất thường thì khả năng rút nhanh khỏi các thị trường này không phải là điều đơn giản. Để tối thiểu hóa rủi ro này, kênh đầu tư được ưa chuộng nhất là trái phiếu chính phủ.

Tại Việt Nam, có những dấu hiệu của nghiệp vụ carry trade giữa USD và VND qua quan sát tình hình giao dịch trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: HoSE, HaSTC

Theo thống kê giao dịch trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, 3 tháng đầu năm là thời gian khối nhà đầu tư này mua ròng trái phiếu.

Cùng thời gian này, tỷ giá USD/VND cũng xuống mức rất thấp. Tuy tỷ giá tại Việt Nam chịu tác động nhiều từ cán cân thanh toán, nhưng nhu cầu VND của các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm này cũng là một nhân tố khiến tỷ giá giảm mạnh.

Nhìn lại chênh lệch lãi suất giữa USD và VND vào đầu năm 2008 cũng nhận thấy một xu hướng khá thuận lợi cho nghiệp vụ carry trade. FED liên tục giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế trong khi lạm phát cao tại Việt Nam khiến khả năng tăng lãi suất trở nên rõ ràng hơn. Chênh lệch lãi suất kỳ vọng ngày càng rộng tạo điều kiện thuận lợi cho khối đầu tư nước ngoài đẩy mạnh carry trade tại Việt Nam.

Nguồn: FED, SBV

Từ tháng 6, lạm phát cao và thâm hụt thương mại lớn khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên rủi ro. VND mất giá mạnh so với USD, điều này thể hiện rõ qua tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do. Tương tự như các phản ứng trên thế giới, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại và quay lại với đồng vốn của mình. Từ tháng 6, lượng bán ròng trái phiếu của khối nước ngoài tăng vọt.

Lượng bán ròng trái phiếu duy trì cho đến cuối năm, và tăng đột biến vào tháng 10 khi giá trị bán ròng lên đến gần 15 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Đây là thời điểm cơn khủng hoảng tài chính mạnh mẽ nhất và làm chao đảo các thị trường tài chính trên thế giới.

Nguồn: SBV, ATP

Việc xác định quy mô, và mức độ của hoạt động này tại Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn do chưa có số liệu vê xác định các nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong khi nghiệp vụ này đang diễn ra mạnh trên thế giới, và điều kiện tại Việt Nam tương đối thuận lợi, các diễn biến tương tự, thì có thể khẳng định khá chắn chắn về sự hiện diện của hình thức đầu tư này tại Việt Nam.

Carry trade trên thế giới hay tại Việt Nam đều có những nét tương đồng. Việc tìm kiếm lợi nhuận xuyên quốc gia dựa trên chênh lệch lãi suất chỉ có thể thực hiện trong điều kiện tỷ giá ổn định. Khi tỷ giá giữa các đồng tiền biến động mạnh thì rủi ro của nghiệp vụ này là rất lớn, nhà đầu tư sẽ quay lại với đồng tiền ban đầu.

Xu hướng

Nguồn: Yahoo Finance

VIX - Chỉ số đo lường mức độ rủi ro của thị trường hay mức độ “sợ hãi” của nhà đầu tư. Chỉ số này được xác định căn cứ vào biến động giá của các hợp đồng quyền chọn tại Sở giao dịch Chicago,Mỹ. Do có tính đến yếu tố tương lai, chỉ số này có thể dùng để đo lường kỳ vọng vào sự biến động của thị trường. Chỉ số này đã lên đến mức kỷ lục gần 80 điểm vào tháng 10 năm 2008, trong khi mức trung bình chỉ vào khoảng 20-30 điểm. Đây cũng chính là thời điểm bắt đầu của làn sóng “rời bỏ” các giao dịch carry trade trên thế giới. Rủi ro là điều yêu thích trong đầu tư, do rủi ro cao thì lợi nhuận càng lớn. Tuy nhiên mức độ rủi ro quá cao sẽ gia tăng sự “sợ hãi” của nhà đầu tư, điều này sẽ gây ra tác dụng ngược và tạo tâm lý “ngại” rủi ro. Đó là lúc nhà đầu tư bắt đầu quay lại để tìm kiếm sự an toàn cho mình. Việc quay trở lại với JPY trên thế giới hay với USD tại Việt Nam cho thấy rõ xu hướng này.

VIX đã giảm dần từ mức đỉnh 80 và chỉ còn khoảng 40 điểm vào đầu năm 2009, cho thấy kỳ vọng về rủi ro đã giảm mạnh. Tuy nhiên chỉ số này vẫn còn ở mức cao, giới đầu tư vẫn khá “cẩn trọng” và sẽ tiếp tục lo ngại về tình hình hiện nay. Dù chênh lệch lãi suất giữa các nước hiện nay vẫn khá hấp dẫn, nhưng tính “ngại” rủi ro do những biến động bất thường của tỷ giá sẽ là “hòn đá tảng” lớn cản đường của nghiệp vụ này.

Tại Việt Nam, lãi suất cơ bản hiện nay đã về gần mức vào đầu năm 2008. So với lãi suất của USD, đây vẫn là một cơ hội đầu tư lớn. Nhưng nghiệp vụ này khó diễn ra tại Việt Nam do tỷ giá USD/VND đang tăng và VND vẫn đang trong xu hướng mất giá. Nguyên nhân do việc sụt giảm các nguồn vốn đầu tư nước ngoài hay chính sách phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Pháp lệnh ngoại hối tại Việt Nam cũng khiến việc thực hiện nghiệp vụ này khó khăn hơn, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại ngoại tệ. Các nhân tố này làm cho sự chênh lệch lãi suất không còn hấp dẫn, vì vậy carry trade sẽ khó diễn ra trong thời gian tới tại đây.

Hoạt động carry trade sẽ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên phương thức đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro, như việc tạo ra nguồn cung cầu ảo đối với USD và VND, góp phần “bóp méo” tỷ giá và gây ra những tác động tiêu cực đến chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, việc nhận định về những diễn biến và xu hướng của hoạt động này sẽ giúp các nhà đầu tư có quyết định đúng đắn trong chiến lược kinh doanh của mình.

Phạm Ngọc Hà

Các tin tức khác

>   Khơi thông tín dụng: Lối mở nào cho Việt Nam? (07/01/2009)

>   Tổng quan tình hình kinh tế tài chính thế giới và Việt Nam tháng 11/2008 (11/12/2008)

>   Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam T10/08 (07/11/2008)

>   Quan điểm phân ngành tại Vietstock (02/05/2008)

>   Một góc nhìn về SAFI và đợt phát hành thêm (10/01/2008)

>   Thuế TN CK: Quá nhiều điểm bất hợp lý (17/11/2007)

>   Lý thuyết thiết kế cơ chế (28/10/2007)

>   Ưu, nhược điểm của 6 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn TP. HCM (08/08/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật