Thứ Bảy, 01/03/2008 15:13

Lạm phát bắt đầu từ những "Cosevco"

Mọi người trong chúng ta và cả nền kinh tế đang phải đánh vật với lạm phát.

Vì thế, việc C37 - Bộ Công an vừa khởi tố và bắt tạm giam chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng miền Trung (Cosevco thuộc Bộ Xây dựng) và sáu cán bộ chủ chốt khác ở đơn vị này về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" không chỉ là chuyện riêng của Cosevco, mà là câu chuyện có liên quan đến mọi người chúng ta.

Bởi hoạt động kinh doanh của Cosevco trong thời gian qua là một trong những hòn đá tảng ném xuống hồ nước, tạo ra cơn sóng dữ về lạm phát mà mọi người trong chúng ta đang phải chịu đựng.

Cosevco là doanh nghiệp nhà nước lớn ở miền Trung, đang triển khai nhiều nhà máy ximăng trải dài từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Thế nhưng, việc đầu tư phát triển không đi kèm với quản lý tốt đã dẫn đến thất thoát, trong đó có dự án Nhà máy ván gỗ MDF-Cosevco. Từ dự án ban đầu với vốn đầu tư chỉ trên 299 tỉ đồng, Cosevco đã tự ý tăng lên gấp đôi công suất, kéo chi phí đầu tư lên đến 456 tỉ đồng và hậu quả là thua lỗ. Ở những dự án khác không hiệu quả đã gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước và những khoản nợ khổng lồ có lúc lên đến trên 4.000 tỉ đồng.

Thay vì phải làm cho đồng tiền của Nhà nước ở Cosevco sinh sôi nảy nở, những người được Nhà nước giao trách nhiệm này lại tranh thủ đục khoét, biến nơi này thành cỗ máy tiêu tiền. Họ vay tiền nhưng không trả được nợ, biến Cosevco trở thành một cái máy bơm tiền tràn lan ra thị trường mà không có cách nào thu hồi về, từ đó đã gây "ngập lụt" lên giá cả, đẩy lạm phát lên cao. Chưa hết, tới đây, để cứu Cosevco, nhiều tỉ đồng nữa sẽ được đổ ra càng đè nặng thêm sức ép lên lạm phát.

Câu chuyện Cosevco khiến chúng ta nhớ lại chương trình 1 triệu tấn đường với vài ngàn tỉ đồng đã được đổ vào để xây hơn 40 nhà máy đường giúp nhiều địa phương thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa. Nhưng rồi tiền đi chẳng thấy tiền về, dù Nhà nước đã phải chi thêm cả ngàn tỉ đồng để cứu các nhà máy này nhưng hiện vẫn còn hàng trăm tỉ đồng trôi dạt đâu đó, gây sức ép lên lạm phát. Việc đầu tư sẽ không gây ra lạm phát khi dự án đó có hiệu quả, sau một dòng đời dự án, toàn bộ tiền đầu tư - bao gồm tiền của Nhà nước và tiền vay - được thu hồi về. Tiếc rằng với những dự án đầu tư của nhiều doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Cosevco, tiền chỉ có đi nhưng không có về.

Chính phủ đang chủ trương tăng tốc đầu tư để đạt tăng trưởng cao, trong đó nhiều tổng công ty nhà nước đang triển khai những dự án khổng lồ như đóng tàu, vận tải biển, thép, khu công nghiệp... Hàng chục ngàn tỉ đồng của Nhà nước đã được đổ vào, rồi vốn vay ngân hàng, vay nước ngoài… Năm 2007, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 14% tổng đầu tư của toàn xã hội. Nếu không có những biện pháp kiên quyết để kiểm soát vốn, đặt mục tiêu của đầu tư là chất lượng và hiệu quả thay vì tăng trưởng bằng mọi giá, thì tới đây sẽ có thêm nhiều Cosevco khác tiếp sức cho lạm phát hành hạ người dân.

tt

Các tin tức khác

>   Triển khai phát hành trái phiếu chính phủ năm 2008 (01/03/2008)

>   Mốc 2 triệu đồng/chỉ vàng không còn xa (01/03/2008)

>   CEO và nghệ thuật huy động vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế (01/03/2008)

>   Lãi suất bắt đầu hạ nhiệt (01/03/2008)

>   Bài học quản trị cho tất cả ngân hàng (01/03/2008)

>   Vi phạm tài chính ngày một tăng (01/03/2008)

>   Xung quanh câu chuyện lạm phát vì "bơm" tiền mua ngoại tệ: Vàng lên, "đô" xuống (01/03/2008)

>   Cần Thơ: Các chi nhánh ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất (01/03/2008)

>   Khó đảm bảo chỉ số giá thấp hơn tăng trưởng (01/03/2008)

>   Giải pháp chống lạm phát: Đã tính đến nhiều kịch bản (01/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật