Thứ Bảy, 01/03/2008 15:33

CEO và nghệ thuật huy động vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế

Hầu hết các công ty Việt Nam đều có quy mô vốn còn rất hạn chế. Làm thế nào để huy động vốn một cách hiệu quả, nhất là từ các quỹ đầu tư quốc tế (QĐT), luôn là câu hỏi lớn của các tổng giám đốc (CEO). Các nhà đầu tư cá nhân cũng luôn đặt câu hỏi là các QĐT phân tích, định giá một công ty như thế nào? Ông Trần Xuân Nam, nguyên Giảng viên kế toán quốc tế ACCA; nguyên CEO CTCP Giấy Sài Gòn; tác giả của nhiều đầu sách về kế toán, quản trị và phân tích đầu tư; đã làm việc với nhiều QĐT lớn như Prudential, Deutch Assets Management, Merrill Lynch, Sumitomo, Daiwa... dành bài viết này cho ĐTCK-online.

1. Tại sao cần huy động vốn từ các QĐT?

Các QĐT luôn là địa chỉ tốt để các công ty có nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu tìm đến, không phải chỉ vì họ là người có nguồn tài chính dồi dào mà hơn thế nữa, sự có mặt của họ với tư cách là cổ đông lớn sẽ làm tăng giá trị cổ phiếu công ty, do các QĐT thường đánh giá công ty toàn diện, kỹ càng và có yêu cầu khắt khe trước khi họ chấp nhận đầu tư với số vốn lớn vào một công ty nào đó.

2. Quy trình đánh giá của các QĐT

Quy trình này thường gồm các bước sau:

- Lãnh đạo công ty tiếp xúc, giới thiệu với QĐT về công ty, kế hoạch kinh doanh và nhu cầu tăng vốn.

- QĐT tự đánh giá sơ bộ về công ty.

- Hai bên đồng ý về bản ghi nhớ sơ bộ các điều khoản đầu tư.

- QĐT thường thuê công ty thứ 3 chuyên nghiệp để đánh giá toàn diện về công ty.

- Đàm phán cuối cùng và ký hợp đồng đầu tư. Tùy thuộc vào quy mô và sự phức tạp trong hoạt động của công ty, quy mô của việc mua bán và từng QĐT mà thời gian đánh giá dài hay ngắn (thường kéo dài từ 2 - 5 tháng).

3. Các QĐT tìm kiếm cái gì?

Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiểu rằng, sẽ rất khó khăn cho bất cứ một công ty nhỏ nào có thể vượt qua được quá trình chọn lọc của các QĐT và đáp ứng được các điều kiện khắt khe để được đầu tư. Yếu tố hấp dẫn các QĐT đó là: đội ngũ lãnh đạo giỏi; công ty có các lợi thế cạnh tranh; ngành hàng đang tăng trưởng mạnh; chiến lược khả thi (kế hoạch kinh doanh tốt trong ít nhất 3 - 5 năm); các yếu tố vô hình tốt, như: hệ thống quản trị, nhân sự, thương hiệu...

4. Các QĐT đánh giá những vấn đề gì?

4.1. Cấu trúc và ban lãnh đạo công ty:

Khi bạn giao một khoản tiền lớn cho một ai đó quản lý hộ để làm cho khoản tiền đó lớn lên, bạn quan tâm đến những vấn đề gì trước tiên? Đó là họ là ai, hiện họ có cái gì, họ có là người đáng tin cậy, họ có những thành tích gì trong quá khứ...? QĐT cũng vậy. Trước tiên, họ muốn biết cấu trúc công ty của bạn; sở hữu những công ty con nào và có vốn đầu tư vào những công ty nào. QĐT thích những công ty có cấu trúc đơn giản, không quá phức tạp về pháp lý và điều hành. Tiếp theo, QĐT luôn phỏng vấn trực tiếp Chủ tịch HĐQT, CEO và các giám đốc chức năng của công ty. Họ muốn biết ban lãnh đạo công ty, đặc biệt là CEO đã có kinh nghiệm và thành tích gì trong quản trị doanh nghiệp. Trong môi trường kinh tế cạnh tranh toàn cầu và Việt Nam đã là thành viên của WTO, thì QĐT luôn thích CEO có tầm nhìn chiến lược, suy nghĩ toàn cầu, nhưng có khả năng hành động địa phương (think globally, act locally). Bởi vậy, QĐT thường thích CEO là người bản địa để hiểu tốt hơn về văn hóa và nhu cầu địa phương, nhưng được đào tạo bài bản và đặc biệt là kinh nghiệm quản lý trong các môi trường chuyên nghiệp như các công ty đa quốc gia thành công. CEO cần có khả năng phân tích ngành trên phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu để thấy được xu hướng phát triển của ngành trong hiện tại và tương lai.

- Tầm nhìn công ty: QĐT muốn đầu tư vào các công ty có tầm nhìn xa, để có được sự phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài và bền vững. Rất nhiều QĐT chỉ thích đầu tư vào các công ty có tầm nhìn "là công ty số 1" hay số 2 trong lĩnh vực mà nó cạnh tranh vì các công ty này thường có được nhiều lợi thế cạnh tranh do tính kinh tế của quy mô (economy of scale) và do vậy, công ty thường có tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu hay trên vốn chủ sở hữu cao hơn so với các đối thủ.

- Cấu trúc vốn cổ đông: QĐT thích các công ty có vốn tư nhân hơn là các công ty có phần vốn lớn của Nhà nước. Họ cũng không thích công ty có vốn của một cá nhân hay một nhóm cổ đông lớn có liên quan chiếm hơn 50% vốn cổ phần của công ty, bởi điều đó có thể tạo nên sự độc quyền trong quản trị và làm ảnh hưởng đến tính minh bạch trong quản trị công ty.

4.2. Phân tích ngành/cơ hội thị trường:

- Phân tích cung cầu của ngành: công ty cần chuẩn bị các số liệu thống kê của hiệp hội ngành hay các nguồn thống kê đáng tin cậy để chỉ ra tổng cung và tổng cầu của các sản phẩm trong ngành hay phân khúc mà mình tham gia cạnh tranh. Một ngành mà tổng cung nhỏ hơn tổng cầu luôn được đánh giá cao để đầu tư.

- Phân tích cạnh tranh ngành: Phân tích 5 lực lượng cạnh tranh cơ bản: 1) cạnh tranh giữa các đối thủ hiện hữu; 2) mối đe dọa từ các đối thủ mới; 3) mối đe dọa của các sản phẩm thay thế; 4) quyền lực thỏa thuận giá của người mua; 5) quyền lực thỏa thuận giá của các nhà cung cấp. Tùy theo từng ngành, từng công ty và từng thời điểm mà các QĐT tập trung phân tích lực lượng nào là chính. Tuy nhiên, lực lượng số 1) và số 2) luôn được quan tâm. Các QĐT xem mức độ cạnh tranh hiện tại của ngành có khốc liệt không? Có bao nhiêu công ty cạnh tranh trực tiếp? Có bao nhiêu công ty có quy mô tương tự và là đối thủ chính của công ty? Vị thế của công ty trong ngành như thế nào? Mức độ tập trung (concentration) trong ngành có cao không?...

4.3. Phân tích marketing hỗn hợp:

QĐT xem xét chiến lược marketing hỗn hợp của công ty và việc thực thi nó, bao gồm: sản phẩm, giá, hệ thống phân phối và hệ thống khuyến mãi. Sản phẩm của công ty có gì đặc biệt so với các đối thủ cạnh tranh? Chất lượng của nó so với các đối thủ? QĐT thường phỏng vấn trực tiếp những người sử dụng cuối cùng các sản phẩm của công ty. Cấu trúc giá thành các sản phẩm của công ty so với các công ty tốt trong ngành của Việt Nam và quốc tế có hợp lý không? Giá bán của công ty có cạnh tranh không? Lợi nhuận trên doanh thu của công ty có cao không? Hệ thống marketing, PR của công ty có gì đặc biệt so với các đối thủ? Hệ thống phân phối sản phẩm của công ty bao phủ đến mức độ nào? Với các công ty hàng tiêu dùng nhanh, số điểm bán lẻ có vai trò rất lớn, quyết định sự thành công của công ty.

4.4. Phân tích các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng

Mục tiêu của phần phân tích này là để thấy được các tài sản, trang thiết bị, đất đai của công ty được đầu tư với giá trị thế nào, cao hay thấp so với giá thị trường hiện tại và công suất của nó là bao nhiêu? Công nghệ từ đâu, có hiện đại hay lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong nước và quốc tế? Nhà máy được đặt ở vị trí có thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh hay không? Tỷ lệ sử dụng các thiết bị có cao không, nếu không cao thì tại sao? Công ty có xử lý được các vấn đề môi trường không? Công ty có chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu không? Giá nguyên liệu có ổn định không? Việc quản trị hệ thống chuỗi cung ứng có hiệu quả như thế nào?

4.5. Hệ thống quản trị và nhân sự:

QĐT thích các công ty được điều hành một cách hệ thống và bài bản thông qua một chuỗi các chính sách, các quy trình sản xuất, kinh doanh chính của công ty và nó được cập nhật thường xuyên. Quản trị chiến lược xuyên suốt các khối chức năng cũng luôn được các QĐT quan tâm. QĐT thích các công ty có sự phân quyền mạnh và có hệ thống kiểm soát nội bộ tốt; chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các phòng, ban, các cá nhân được phân công rõ ràng; công ty có chính sách thu hút và giữ được người tài. Họ cũng thích công ty có môi trường làm việc chuyên nghiệp, có chính sách đối xử công bằng với mọi người, khuyến khích mọi người để họ có thể đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của công ty.

4.6. Phân tích tài chính và kế hoạch kinh doanh:

QĐT sẽ tin tưởng hơn nếu công ty được kiểm toán bởi 1 trong 4 công ty kiểm toán quốc tế lớn (big four). Họ luôn phân tích các báo cáo tài chính kiểm toán quá khứ ít nhất là 3 - 5 năm. QĐT không chỉ quan tâm đến lãi - lỗ, mà họ rất quan tâm đến dòng tiền kinh doanh (có phù hợp với số lãi?). QĐT luôn muốn biết thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty vì việc miễn, giảm thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh cũng như sự dự đoán dòng tiền tương lai. QĐT luôn muốn biết ngân sách năm hiện tại của công ty theo từng tháng cũng như các số liệu kế hoạch kinh doanh trong ít nhất là 5 năm tới.

Trong kế hoạch kinh doanh, công ty cần làm QĐT hiểu rõ: 1) công ty cần tăng bao nhiêu vốn cho đợt này và toàn bộ dự án cần bao nhiêu vốn, liệt kê các tài sản cố định và lưu động; 2) trong đó, bao nhiêu % là từ vốn cổ đông, bao nhiêu là từ vốn vay; 3) tiền cần vào tháng, quý, năm nào?; 4) tính khả thi của dự án về mặt pháp lý, kỹ thuật, tác động môi trường, nguồn nhân lực và các chỉ số tài chính cơ bản của dự án; 5) các giả định cơ bản làm cơ sở để tính các số liệu tài chính; và 6) các số liệu tài chính cơ bản cho dự án. QĐT luôn quan tâm các số liệu tài chính cả số tuyệt đối và tỷ lệ tăng trưởng như doanh thu, lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS), lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE), dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

5. Định giá bán cổ phiếu:

Có nhiều phương pháp để định giá cổ phiếu, trong đó phương pháp phổ biến là sử dụng chỉ số P/E, chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu và tham khảo giá thị trường hiện tại cũng như chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B). Để đơn giản, các công ty thường tham khảo chỉ số P/E hiện tại của các công ty cùng ngành và có quy mô gần tương đương. Người ta thường sử dụng EPS của năm hiện tại để tính P/E. Cái khó nhất trong việc tính giá trị cổ phiếu của công ty chính là việc kiểm tra tính hợp lý của các giả định tăng trưởng lượng hàng bán, giá bán, giá thành và các chi phí lớn dùng để tính các báo cáo tài chính tương lai. Trong việc tính giá trị cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu, công ty cần kiểm tra lại các giả định cơ bản như tỷ lệ chiết khấu, tỷ lệ chi phí vốn chủ sở hữu, tỷ lệ tăng trưởng. Vì chỉ cần sự thay đổi nhỏ trong các giả định cơ bản này thì giá trị nội tại của cổ phiếu sẽ thay đổi rất lớn.

Giá bán cổ phiếu như thế nào là tốt? Giá bán quá cao không phải là tốt vì sau khi mua, cổ đông mới sẽ không hoặc có lãi ít, lúc đó họ sẽ quay lại làm "khó dễ" công ty.

Để bán được cổ phiếu với giá cao hợp lý, CEO cần phải làm việc với nhiều QĐT để tạo sự cạnh tranh giữa những người mua. Hơn nữa, mỗi QĐT có chiến lược đầu tư khác nhau, bởi vậy làm việc với nhiều QĐT sẽ cho phép công ty tìm được QĐT phù hợp. Để thuyết phục các QĐT, CEO cần chỉ ra các lợi thế cạnh tranh của công ty cũng như chỉ cho họ thấy nếu QĐT đầu tư vào công ty bây giờ thì họ sẽ có mức lợi nhuận như thế nào sau thời gian vài ba năm tới.

đtck

Các tin tức khác

>   Lãi suất bắt đầu hạ nhiệt (01/03/2008)

>   Bài học quản trị cho tất cả ngân hàng (01/03/2008)

>   Vi phạm tài chính ngày một tăng (01/03/2008)

>   Xung quanh câu chuyện lạm phát vì "bơm" tiền mua ngoại tệ: Vàng lên, "đô" xuống (01/03/2008)

>   Cần Thơ: Các chi nhánh ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất (01/03/2008)

>   Khó đảm bảo chỉ số giá thấp hơn tăng trưởng (01/03/2008)

>   Giải pháp chống lạm phát: Đã tính đến nhiều kịch bản (01/03/2008)

>   Hoàn tất bảy cuộc thanh tra lớn (01/03/2008)

>   Giá dầu và vàng thế giới tiếp tục phá kỷ lục (29/02/2008)

>   Tuổi thọ tiền Polymer trong lưu thông có thể tới 8 năm (29/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật