Thứ Bảy, 01/03/2008 15:33

Bài học quản trị cho tất cả ngân hàng

Các ngân hàng thương mại sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất khung lãi suất huy động không vượt quá 12%/năm theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơn sốt đang giảm nhiệt, song qua đợt thử lửa này, cả cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đều rút ra "bài học" đắt để thị trường vận hành ổn định, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Thưa bà, sau khi Thống đốc NHNN có công điện khẩn gửi các ngân hàng yêu cầu thực hiện lãi suất huy động không vượt quá 12%/năm, thị trường đã có diễn biến ra sao?

Tôi được biết, NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội và NHNN - Chi nhánh TP. HCM đã triển khai họp để có chỉ đạo với các ngân hàng trên địa bàn. Thống đốc phát tín hiệu như vậy, trên cơ sở này chúng tôi sẽ thực hiện đồng thuận lãi suất, tuần tới Hiệp hội sẽ làm việc với các thành viên tại Hà Nội, TP. HCM. Một số ngân hàng đưa lãi suất huy động tới 14,4%/năm thì đây là căn cứ để họ giảm lãi suất. Chủ trương của các ngân hàng là cố gắng duy trì lãi suất thực dương với người gửi tiền, vậy thì so với lạm phát, 12% là lãi suất thực dương rồi. Tuy nhiên, mặt trái của cuộc đua lãi suất huy động lại rất lớn, bởi lãi suất cho vay sẽ tăng cao, chi phí đầu vào đội thêm khiến DN rất khó khăn. Hơn nữa, nếu lãi suất huy động tới 14,4%/năm sẽ không khuyến khích sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu gửi tiền vào ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp NHNN đưa ra để hút tiền về là quá dồn dập và không được nghiên cứu kỹ nên đã tạo ra tác động mạnh trên thị trường, bà nghĩ sao?

Giải pháp NHNN đưa ra, theo đánh giá của tôi là đúng nhưng đưa ra vào  thời điểm này, đúng lúc các ngân hàng đang thiếu khả năng thanh khoản đã buộc họ muốn hút tiền chỉ có công cụ lãi suất. Tuy nhiên, với công điện này, những ngân hàng lớn, có giấy tờ giá trị thì họ có thể khắc phục vay vốn được từ NHNN, ngân hàng nhỏ cũng được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và quan trọng nhất là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng sẽ được khống chế ở dưới 12%/năm. Khi luồng vốn được khai thông thì chẳng việc gì ngân hàng phải đua lãi suất nữa. Thông điệp của Thống đốc là rất cần thiết.

Qua cuộc đua tăng lãi suất vừa rồi, dường như vắng bóng vai trò cầm trịch, điều hòa của một tổ chức như Hiệp hội?

Chúng tôi không ngồi yên,  nhưng chúng tôi cũng không làm ồn ào để gây chấn động thị trường. Hiệp hội đã có những buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo NHNN và trực tiếp trình Thống đốc các kiến nghị cho thị trường mở hoạt động bình thường; giãn thời gian mua tín phiếu;  giải quyết cho ngân hàng nhỏ có khả năng tiếp cận vốn trên thị trường tái cấp vốn; giãn biên độ tỷ giá và nâng lãi suất tín phiếu lên. NHNN đã chấp thuận 3 giải pháp, 2 giải pháp còn lại đang nghiên cứu.

Nói Hiệp hội điều hành thì không đúng vì Hiệp hội chỉ có vai trò đồng thuận kêu gọi hội viên hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, chứ không thể bắt buộc thực hiện. Nhìn chung, những kêu gọi này đều được các hội viên thực hiện nhưng trong lúc khó khăn thế này, rất cần cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc.

Qua những diễn biến trên thị trường tiền tệ thời gian vừa qua, có những bài học nào cần rút kinh nghiệm?

Lúc này, tình hình dịu êm hơn rất nhiều so với thời điểm nóng bỏng tuần trước, vốn đổ vào ngân hàng nhiều hơn dù cũng không loại trừ khả năng vốn chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Tôi tin, lãi suất sẽ dịu hơn nữa với những giải pháp này. Qua cuộc đua tăng lãi suất có thể thấy nhiều vấn đề, tại sao có ngân hàng khan hiếm tiền đồng, thiếu thanh khoản nhưng lại có ngân hàng rất bình tâm, hoạt động trong cùng hoàn cảnh tại sao lại có người thế này, người thế kia? Những ngân hàng không bị kéo vào vòng xoáy tăng lãi suất là nhờ họ đã dự báo được tình hình, phân tích được những tín hiệu về chính sách chống lạm phát và đã chuẩn bị trước, thực hiện dự phòng rủi ro tốt, kiểm soát tín dụng hợp lý. Có ngân hàng cho biết, NHNN yêu cầu mua bao nhiêu tín phiếu bắt buộc họ đã chuẩn bị đủ chỉ chờ lệnh thôi, trong khi không ít ngân hàng do mải mê kinh doanh quá, có đồng vốn nào tối đa hóa quay vòng hoặc chủ quan nghĩ có chuyện gì cứ chạy đến NHNN, thị trường mở nên khi chính sách vĩ mô xuất hiện, trở tay không kịp. Đây là bài học quản trị cho tất cả ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ mới thành lập, lâu nay chỉ chú ý đến mặt kinh doanh.

Khi còn tham gia Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, bà cũng nhiều lần lên tiếng về giải pháp đồng bộ để kiềm chế lạm phát, thay vì chỉ chú ý đến chính sách tiền tệ. Vậy trong bối cảnh này, cơ quan quản lý cần làm gì, thưa bà?

Kiềm chế lạm phát cần cả các bộ, ngành khác phải vào cuộc, chứ không chỉ mỗi cơ quan điều hành tiền tệ, chẳng hạn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét đẩy nhanh tiến độ các dự án hiệu quả, dự án nào kém chưa vội phải giải ngân; Bộ Tài chính cần xem xét thắt chặt chi tiêu công, giảm bớt lãng phí...  Chính sách vĩ mô cần đồng bộ, chứ như hiện nay vẫn cập kênh.

đtck

Các tin tức khác

>   Vi phạm tài chính ngày một tăng (01/03/2008)

>   Xung quanh câu chuyện lạm phát vì "bơm" tiền mua ngoại tệ: Vàng lên, "đô" xuống (01/03/2008)

>   Cần Thơ: Các chi nhánh ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất (01/03/2008)

>   Khó đảm bảo chỉ số giá thấp hơn tăng trưởng (01/03/2008)

>   Giải pháp chống lạm phát: Đã tính đến nhiều kịch bản (01/03/2008)

>   Hoàn tất bảy cuộc thanh tra lớn (01/03/2008)

>   Giá dầu và vàng thế giới tiếp tục phá kỷ lục (29/02/2008)

>   Tuổi thọ tiền Polymer trong lưu thông có thể tới 8 năm (29/02/2008)

>   Các mức lãi suất bằng Đồng Việt Nam không có sự thay đổi (29/02/2008)

>   Thanh tra Chính phủ sẽ công khai kế hoạch thanh tra đối với các đối tượng thanh tra (29/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật