Thứ Bảy, 01/03/2008 09:26

Xung quanh câu chuyện lạm phát vì "bơm" tiền mua ngoại tệ: Vàng lên, "đô" xuống

Hôm qua, có lúc giá vàng đã leo qua ngưỡng 19 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá USD cũng theo chân chứng khoán tiếp tục thả dốc. Người dân thật sự lo lắng khi tài sản đầu tư của mình như bất động sản, chứng khoán, USD đang lần lượt giảm giá.

Những biến động này có liên quan mật thiết đến lạm phát và chống lạm phát? Chống lạm phát như thế nào? Vì sao Nhà nước đổ tiền ra mua USD để dẫn đến lạm phát? Có thể dừng mua USD hay không? Nhà nước vừa chống lạm phát nhưng vẫn cứu chứng khoán như thế nào...?

Mua "đô" cũng khó, không mua càng khó hơn

Lạm phát cao có nguyên nhân từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa tiền ra mua ngoại tệ (năm 2007 khoảng 10 tỉ USD). Vì sao phải mua ngoại tệ (NT) để chịu lạm phát. Điều gì sẽ xảy ra nếu thôi mua NT? Xung quanh vấn đề này, TS LÊ XUÂN NGHĨA (ảnh) - vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (NHNN) - cho biết:

- Chúng ta phải mua vào USD để tăng dự trữ NT của quốc gia vì hiện nay dự trữ NT của VN so với các nước trong khu vực rất thấp, chỉ bằng 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi tỉ lệ này ở các nước khác lên đến 2/3 hoặc tương đương 3/3 kim ngạch nhập khẩu.

Dự trữ NT có tác dụng giảm sốc cho nền kinh tế và được coi là vật bảo đảm để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp, đồng thời là nguồn vốn để tài trợ cho nhập khẩu hoặc trả nợ nước ngoài. Ngoài ra, NHNN mua NT để thực hiện các chính sách tiền tệ với mục tiêu giữ ổn định tỉ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đó cũng là chính sách mà các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc đang áp dụng.

* Nhưng việc đưa quá nhiều tiền đồng ra mua USD sẽ gây sức ép lên lạm phát, vậy NHNN phải thu tiền về bằng cách nào?

- Năm 2007 NHNN mua vào khoảng 10 tỉ USD. Điều đó có nghĩa NHNN đã cung ứng một khối lượng tiền đồng rất lớn ra thị trường và gây sức ép lên lạm phát. Để kiềm chế lạm phát, NHNN phải thực hiện các biện pháp trung hòa tiền tệ, thực chất là hút khối lượng tiền dư thừa trong lưu thông từ việc mua NT trước đó. Việc hút tiền tệ có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp. Biện pháp dài hạn bao gồm: phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng dự trữ bắt buộc đối với các NH thương mại và các biện pháp ngắn hạn bao gồm nghiệp vụ thị trường mở, phát hành các loại giấy tờ có giá như tín phiếu của NHNN.

Trong năm 2007, NHNN đã hút về 90% số tiền cung ứng ra để mua NT. Việc hút tiền về chi phí rất cao. NHNN phát hành tín phiếu phải trả lãi suất 7-7,8%/năm trong khi mang số NT đó ra gửi ở nước ngoài, chẳng hạn cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ, lãi suất chỉ 5%/năm. Như vậy, NHNN rơi vào tình trạng mua cao bán thấp, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến dòng tiền của NHNN.

* Điều gì sẽ xảy ra nếu NHNN không mua vào USD? Chúng ta đã có cân nhắc giữa nên hoặc không nên mua vào USD?

- Nếu không mua USD thì đồng VN sẽ tăng giá, tỉ giá có thể chỉ còn 14.000 đồng/USD. Khi đó, xuất khẩu gặp khó khăn rất lớn do hàng hóa VN trở nên đắt đỏ. Sức cạnh tranh của hàng hóa VN ở nước ngoài sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Ngược lại, hàng nước ngoài trở nên rẻ ở VN, nhập khẩu sẽ tăng lên và tình trạng nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đồng VN tăng giá đồng nghĩa với việc đầu tư vào VN sẽ bất lợi, dẫn tới giảm dòng vốn nước ngoài vào VN.

Tuy nhiên, nếu không mua NT thì cũng có cái lợi, đó là lạm phát sẽ thấp vì không phải cung ứng tiền đồng ra thị trường. Nhưng khi đó cái giá phải trả là tăng trưởng kinh tế chậm lại do xuất khẩu và đầu tư nước ngoài giảm sút, ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người lao động.

* Thưa ông, số NT mà NHNN mua vào dùng để làm gì, có thể cho vay trong nước được không?

- Nếu tiếp tục đem số NT đó để chi tiêu trong nước đồng nghĩa với việc phát hành thêm tiền cho chi tiêu ngân sách và tăng trưởng tín dụng. Điều này sẽ tạo ra áp lực lên lạm phát và buộc NHNN phải mua lại số NT này bằng tiền đồng. Còn nếu để dùng nhập khẩu thì có thể làm tỉ giá giảm xuống, đồng VN tiếp tục tăng giá và lại rơi vào vòng xoáy như trên.

Biện pháp phổ biến nhất hiện nay là sử dụng NT để đầu tư ra nước ngoài, như mua trái phiếu và đầu tư ủy thác qua những NH thương mại quốc tế có uy tín... Tất cả biện pháp này đều nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng NT, bảo toàn vốn với mức độ rủi ro thấp nhất, đồng thời nhằm hạn chế tình trạng mua cao bán thấp của NHNN khi thực hiện biện pháp trung hòa tiền tệ như đã nói trên.

* Kinh nghiệm của các nước trong việc mua NT này ra sao?

- Trung Quốc có dự trữ NT lên đến 1.500 tỉ USD, Hàn Quốc và Nhật Bản lên đến hàng trăm tỉ USD... Điều đó chứng tỏ các quốc gia đeo đuổi chính sách ổn định tỉ giá hối đoái có lợi cho xuất khẩu đều phải mua NT dự trữ. Về sử dụng NT, các quốc gia đang mua vào NT cũng đều làm như VN.

* Nhưng chúng ta càng bơm tiền đồng ra để mua vào USD thì vốn ngoại càng đổ vào nhiều hơn, làm việc chống lạm phát phức tạp hơn. Vậy có nên bớt mua USD?

- Không phải vì mua USD mà vốn nước ngoài đổ vào mà chủ yếu do người nước ngoài tìm thấy cơ hội đầu tư tại VN, trong đó có một khối lượng rất lớn vốn ngắn hạn vào rất nhanh và cũng ra rất nhanh. Luồng vốn đầu tư nước ngoài làm qui mô của luồng vốn tài chính lớn rất nhanh, đồng thời thị trường trở nên phức tạp, tinh vi và nhiều rủi ro. Nhưng đây là chuyện bình thường của nền kinh tế hội nhập. Chúng ta phải làm quen, phải quản lý nó chứ không phải để trốn tránh.

Trên thế giới, các quốc gia thu hút vốn đầu tư nhiều nhất cũng là những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất, như Mỹ, Singapore... Luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào VN nhiều nhưng còn thấp rất xa với các nước trong khu vực. Một phần do cơ sở hạ tầng VN còn quá yếu kém, môi trường kinh doanh chưa minh bạch. Chính phủ VN đang nỗ lực cải cách pháp lý, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư để thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời quản lý và sử dụng nó một cách có hiệu quả...

USD tuột dốc, chỉ còn 15.930 đồng/USD

(TP.HCM) Giá USD tiếp tục giảm thêm, trong ngày 29-2, giá do các ngân hàng thương mại công bố chỉ còn 15.930 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá "bèo" hơn, mua vào chỉ còn 15.840 đồng/USD, bán ra 15.860 đồng/USD.

Như vậy, giá USD ở thời điểm cuối tháng 2-2008 đã giảm 30 đồng (tương đương 0,23%) so với đầu tháng 2-2008 và giảm 70 đồng (tương đương 0,46%) so với đầu năm. Trước đây, có lúc USD đạt mức 16.200 đồng/USD.

 

***

Chống lạm phát phải như chữa cháy

Chúng ta đã nhìn thấy nguyên nhân gây ra lạm phát nhưng việc chống lạm phát có vấn đề. Biện pháp gì hiệu quả nhất và nên bắt đầu từ đâu. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia.

* PGS.TS ĐỖ ĐỨC ĐỊNH (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội VN):

Nhà nước nên bớt đầu tư để kinh doanh

Đầu tư công dàn trải, hiệu quả chưa cao đã đưa ra xã hội một lượng cung tiền lớn, và quan trọng hơn là nhiều chỗ không cần thiết. Nó không chỉ gây lạm phát và nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô mà còn tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí… Muốn chống lạm phát hiệu quả, ngoài giảm cung tiền, để lãi suất dương thì một biện pháp quan trọng mà các nước khác thường cần chú trọng khi bắt đầu có lạm phát là thắt chặt chi tiêu chính phủ. Đầu tư ở nước ta còn dàn trải, kém hiệu quả. Hiện có quá nhiều dự án tỉ đô. Cần xem xét lại cái nào thật sự cần thiết, nếu không cấp bách thì không nên làm.

Nên thay đổi tỉ lệ đầu tư của Nhà nước. Nhà nước nên đầu tư vào các lĩnh vực mang tính phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục... và giảm chi tiêu liên quan đến kinh doanh bởi đó là việc của doanh nghiệp. Tư duy tăng trưởng bằng vốn, dùng tiền để tăng trưởng chỉ phù hợp khi nền kinh tế thiếu vốn. Khi vốn đang vào nhiều, nên tính làm sao phát huy được các yếu tố như khoa học công nghệ, năng suất lao động để tăng trưởng. Nếu không, lạm phát sẽ vẫn đè nặng các bài toán phát triển trong những năm tới.

* TS PHẠM ĐỖ CHÍ:

Thu tiền về bằng tín phiếu lãi suất cao

Cần giảm khối lượng cung tiền tệ đang lưu hành quá dư thừa trên thị trường. Nhưng bằng biện pháp thích hợp và dễ áp dụng nhất là bán các tín phiếu của Ngân hàng (NH) Nhà nước ra với lãi suất cao (thí dụ 12% cho sáu tháng, gần mức lạm phát năm ngoái và gần mức lãi suất trần hiện hành được cho phép) để hút bớt tiền ra khỏi lưu thông. Chúng ta nên tránh biện pháp tăng giảm trực tiếp khối dự trữ dư của các NH với NH Nhà nước như vừa làm mới đây khi các dự trữ này đang ở mức thấp nhất vào cuối năm 2007 và gây nên sự thiếu hụt thanh khoản của các NH.

Về tín phiếu bắt buộc, thay vì áp dụng từ 17-3, NH Nhà nước có thể gia hạn linh hoạt theo nhu cầu khối dự trữ của các NH và tình hình tiền tệ vĩ mô. Nếu lãi suất qua đêm vẫn cao quá trong hệ thống liên NH hay do nhu cầu huy động vốn, sẽ hoãn áp dụng và thay vào đó bằng tín phiếu 12% do NH Nhà nước phát hành để thỏa mãn nhu cầu tiết kiệm của dân chúng với lãi suất cao và ít nguy hiểm hơn là để ở các NH nhỏ.

Điều quan trọng nữa cần được nhấn mạnh là sự phối hợp và quyết định đồng bộ của hai chính sách tài khóa chặt và tiền tệ linh hoạt ngay từ bây giờ. Và phải kiên nhẫn chờ đợi kết quả, áp dụng thắt chặt tiền tệ cần đến độ ba tháng sau mới có kết quả. Chính sách tài khóa chặt cần được áp dụng ngay từ quí 1 để có kết quả vào cuối năm 2008 trong "bài toán chống lạm phát một cách hữu hiệu".

* Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG (trưởng ban nghiên cứu vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Nên lập ủy ban cải cách để điều phối

Kinh tế VN càng phát triển, sự hình thành các nhóm lợi ích càng rõ. Khi đã hình thành thì bằng cách này hay cách khác, các nhóm lợi ích sẽ tìm cách tác động lên chính sách. Hơn nữa, việc ban hành chính sách của các bộ, ngành hiện nay vẫn thiên về bảo vệ lợi ích của mình. Tình hình hiện nay, với những nhà nghiên cứu kinh tế, rất dễ nhận ra VN còn thiếu một cơ quan trung ương có thẩm quyền, năng lực, đủ độc lập để hoạch định, tổ chức và triển khai các chính sách nhằm đảm bảo lợi ích chung. Vì vậy việc thành lập một ủy ban cải cách để điều phối và chỉ đạo quá trình cải cách kinh tế ở VN là hết sức cần thiết.

Cơ chế hiện nay, Chính phủ giữ vai trò điều phối các bộ, ngành. Các phó thủ tướng chia nhau phụ trách lĩnh vực. Tuy nhiên, không ai đủ sức tập hợp hết các kiến nghị, những công việc cần phối hợp các bộ ngành. Nên việc thành lập một cơ quan chuyên môn, kiểu ủy ban cải cách là cần thiết.

Thực tế đã cho thấy do thiếu sự phối hợp mà trong việc chống lạm phát thời gian qua, Bộ Tài chính, NH Nhà nước và một số cơ quan liên quan khác mỗi nơi làm theo cách riêng của mình dẫn đến hiệu quả không cao. Trong nhiều công việc cụ thể khác, nếu thiếu sự phối hợp kịp thời của các bộ, ngành thì không chỉ doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế có thể sẽ phải chịu những thiệt hại lớn không đáng có.

PGS.TS TRẦN HOÀN NGÂN (trưởng khoa ngân hàng Đại học Kinh tế TP.HCM):

Chính phủ phải thắt lưng buộc bụng

Tình hình đã đến mức chúng ta phải có chính sách thắt lưng buộc bụng. Tôi nhớ năm 1997 khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á, đã có những nước thực hiện việc thành viên chính phủ phải đi làm bằng xe đạp. Nghĩa là chúng ta cần có những biện pháp cụ thể đến mức như vậy. Phải kiểm soát việc chi tiêu công mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ ra một cảnh báo đến tận UBND cấp huyện, xã trong việc đầu tư. Chính phủ phải làm rốt ráo những dự án cơ sở hạ tầng dở dang, không đầu tư dàn trải nữa mà phải làm cái nào ra cái đó bởi sự dở dang đó làm chi phí đội lên rất lớn.

Việc để giá nhiên liệu như xăng, dầu vừa qua vận hành tiệm cận với thị trường là đúng hướng. Chính phủ cần chuẩn bị tiềm lực tài chính để tiếp tục trợ giá điện cho dân. Trong tình hình này mà sắp tới tăng giá điện theo lộ trình là không ổn. Dứt khoát không nên để tăng giá điện. Giữa các bộ cũng phải đồng thuận trong việc giải quyết lạm phát chứ chỉ giải pháp về tiền tệ thôi thì chưa đủ.

 

***

Tiền vẫn "chạy" dù đã có trần lãi suất

* Gửi tiền ngân hàng cổ phần, lãi suất cao hơn 0,25-0,28%/tháng

Ngày 29-2, Ngân hàng (NH) Sài Gòn Thương Tín đã đưa ra sản phẩm tiền gửi "tiết kiệm bội thu", áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm VND và USD.

Theo đó, tiền gửi dưới 100 triệu đồng có mức lãi suất (LS) huy động lên tới 0,94%/tháng cho kỳ hạn một tuần, kỳ hạn hai tuần là 0,95%/tháng và kỳ hạn ba tuần là 0,96%/tháng..., cao nhất là kỳ hạn ba tháng 0,99%/tháng.

Đối với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, mức LS huy động sẽ tăng thêm 0,01%/tháng cho mỗi kỳ hạn. LS tiết kiệm USD thấp nhất là 5,4%/năm cho khoản tiền gửi dưới 5.000 USD và kỳ hạn một tháng, LS cao nhất lên tới 5,9%/năm đối với khoản tiền gửi từ 50.000 USD trở lên cho kỳ hạn sáu tháng. NH Phương Nam cũng tăng LS tiền gửi tiết kiệm bằng USD và vàng, với mức tăng 0,2-1,7%/năm áp dụng với tiền gửi bằng USD và tăng 0,4-0,5%/năm đối với tiền gửi bằng vàng.

Cũng trong ngày 29-2, lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục "chạy" từ các NH thương mại nhà nước về các NH cổ phần. Do vậy, lượng vốn huy động của các NH này trong hai ngày qua vẫn tăng mạnh dù đã hạ LS theo mức trần 1%/tháng theo qui định của NH Nhà nước. Không chỉ cá nhân, nhiều doanh nghiệp đang dần rút tiền gửi từ các NH thương mại nhà nước về gửi tại NH cổ phần.

Nguyên nhân do LS của các NH thương mại nhà nước quá thấp so với của các NH cổ phần. Nhiều NH thương mại nhà nước đang áp dụng LS 0,72%/tháng đối với kỳ hạn một tháng và 0,75%/tháng đối với kỳ hạn ba tháng, thấp hơn 0,25-0,28%/tháng so với các NH cổ phần.

tt

Các tin tức khác

>   Cần Thơ: Các chi nhánh ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất (01/03/2008)

>   Khó đảm bảo chỉ số giá thấp hơn tăng trưởng (01/03/2008)

>   Giải pháp chống lạm phát: Đã tính đến nhiều kịch bản (01/03/2008)

>   Hoàn tất bảy cuộc thanh tra lớn (01/03/2008)

>   Giá dầu và vàng thế giới tiếp tục phá kỷ lục (29/02/2008)

>   Tuổi thọ tiền Polymer trong lưu thông có thể tới 8 năm (29/02/2008)

>   Các mức lãi suất bằng Đồng Việt Nam không có sự thay đổi (29/02/2008)

>   Thanh tra Chính phủ sẽ công khai kế hoạch thanh tra đối với các đối tượng thanh tra (29/02/2008)

>   Thu nhập doanh nghiệp - thuế suất cần hạ thấp hơn (29/02/2008)

>   Thiếu vốn: Ngân hàng tìm cách lách trần lãi suất 12% (29/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật