Chủ Nhật, 02/03/2008 12:01

Lãi suất - con dao hai lưỡi

Từ tháng 11.2007 giá tiêu dùng tăng vọt, báo động dấu hiệu của lạm phát sẽ ập tới trong những ngày cuối năm khi chỉ số giá cả của "rổ hàng hóa" tăng trên 12%, vượt mức tăng trưởng GDP là 8-8,5%. Sự thật đã diễn ra đúng như dự đoán của các nhà kinh tế. Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2007 đã tăng 12,6%, sang tháng 2.2008 đã tăng lên 6,04% và chưa có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 3 khi giá xăng dầu tiếp tục tăng, cuốn vật giá leo thang sẽ đẩy lạm phát vượt mức 14% một cách dễ dàng.

Nguyên nhân gây ra lạm phát có nhiều, được phân tích khá kỹ trên các báo; các yếu tố khách quan (giá dầu thô, vàng trên thị trường thế giới, khủng hoảng tiền tệ tại Mỹ, suy thoái kinh tế xảy ra khắp nơi cùng với những cuộc tranh chấp chính trị, dầu mỏ tạo ra một sự bất ổn...) và chủ quan (cách điều hành kinh tế vĩ mô chậm chạp, không bắt kịp chuyển động của nền kinh tế, lượng ngoại tệ thu vào để dự trữ hơn 9 tỉ đô la, tốc độ thực hiện dự án đầu tư nước ngoài chậm, nhập siêu hơn 12 tỉ đô la trong năm 2007...) đã làm giảm ý nghĩa tích cực và nội dung tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng chính phủ cũng như các bộ liên quan đã nêu trong những phiên họp tổng kết cuối năm.

Trước nguy cơ đe dọa nghiêm trọng này, bước vào tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện "cấp tốc" một chính sách khống chế lạm phát khá mạnh tay, trong đó ưu tiên thu hồi 20.300 tỉ đồng qua việc bắt buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu của NHNN với lãi suất rất thấp 7,8%/năm (so với thị trường đang ở mức 11-14%/năm). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn phải tăng tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc, từ 10% lên 11%, điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại phải thu hồi - từ các nơi đã cho vay - thêm 20.000 tỉ đồng về tủ sắt của mình theo lệnh của NHNN. Với 2 biện pháp này trên thị trường tiền tệ đã xảy ra nạn khan hiếm tiền mặt, ít nhất là 40.300 tỉ đồng trong một thời gian cực ngắn, đe dọa đến hoạt động tín dụng, cho vay, thanh toán... bình thường của khối ngân hàng thương mại, mở ra một cuộc chạy đua nâng lãi suất để hút lượng tiền trong dân nhằm duy trì hoạt động "chịu lỗ". Hiệu ứng này không dừng lại ở đây, thể hiện qua chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán đỏ rực từ khi năm mới bắt đầu, liên tục hạ mức sàn còn 650-700 điểm, giảm giá trị thực tế 30-35%, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà đầu tư ngắn hạn và tạo ra một cơ hội "vàng" cho các nhà đầu cơ trường vốn trong và ngoài nước.

Song song với diễn tiến này, giá nhà đất đô thị (đặc biệt là các chung cư cao tầng...) nhảy vọt đến mức khủng khiếp, trong đó giá vàng đã tác động không nhỏ. Vì vậy nhiều nhà đầu tư chứng khoán vội vàng chuyển hướng, nhảy sang lĩnh vực đầu cơ địa ốc vì siêu lợi nhuận còn tiếp tục trong khung cảnh đầu tư nước ngoài đang có khuynh hướng ngày càng tăng, nạn khan hiếm văn phòng, nhà ở... dự đoán vẫn còn tiếp diễn trong 5-7 năm tới.

Việc cho vay để đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng đã bị siết chặt bởi Quyết định 03/2008 của NHNN. Cuộc chạy đua về lãi suất, trong đó lãi suất qua đêm của liên ngân hàng có thể lên đến 30-35%/năm như đã thấy trong ngày 18.2 vừa qua. Hành động chạy đua này có thể đưa đến khủng hoảng tài chính, gây hiệu ứng dây chuyền về một nạn lạm phát mới rất nguy hiểm nếu không có biện pháp tháo ngòi nổ. Ngày 22.2.2008, trước sức ép quá nóng nêu trên, NHNN đã phải “bơm” vào thị trường 39.000 tỉ đồng trong vòng một tuần lễ, một biện pháp chữa cháy, một mức hỗ trợ thanh khoản chưa từng có, nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đành bó tay vì không có khả năng "vay" lại của nhà nước và đành phải chấp nhận lãi suất qua đêm 30-43%/năm của thị trường vốn liên ngân hàng.

Ba tuần trước đây, NHNH đã "bứt dây động rừng" bằng sáng kiến "giảm lạm phát" thô bạo, dù đã phải "trả lại" bằng cách "nhả" tiền ra thị trường như đã nói. Chưa ai biết diễn tiến của thị trường tiền tệ sẽ đến mức nào, mặc dù NHNN đã khuyến cáo các ngân hàng khống chế lãi suất trần là 12% vào ngày 25.2.2008 vừa qua, nhưng những dấu hiệu khả quan, hy vọng khôi phục lại sự năng động của nhà đầu tư cũng như hoạt động cho vay tín dụng - thế chấp chưa được hồi phục. Mức tăng trưởng GDP trong năm 2008 sẽ phải là 8,5-9% như mục tiêu đã đề ra đang bị đe dọa sụt giảm như lời cảnh báo của ông Kuroda Haruhiko, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á ngày 21.2.2008 tại Hà Nội.

Đành rằng biện pháp dùng lãi suất để điều tiết thu hồi lượng tiền lưu thông, hạn chế cho vay tín dụng hay tăng lượng quỹ dự phòng của các ngân hàng thương mại... nhằm ngăn chặn lạm phát là những biện pháp kinh điển nhất, nhưng trên cơ sở là lãi suất phải cao hơn tỷ lệ lạm phát. Đồng thời tất cả những điều này phải thực hiện để củng cố và phát triển sản xuất, cân bằng cán cân thương mại, hạn chế chi tiêu của chính phủ, hạn chế đầu tư quá sức gây mất cân đối... mới khắc phục được. Như chúng ta thấy Trung Quốc vẫn giữ vững phát triển với mức tăng trưởng cao, trên 11% GDP trong khi mức độ lạm phát là 7,1% và liên tục xuất siêu, mặc dù những chỉ trích về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm xuất khẩu vẫn chưa nguôi. Bài học này rất đáng tham khảo, nhất là đừng vì biện pháp tiền tệ mà gây cản trở, tạo thêm gánh nặng cho người đầu tư vào các ngành sản xuất - xuất khẩu và đời sống của người dân.

Cần tiếp tục kích thích sản xuất, kể cả biện pháp cho vay với lãi suất ưu đãi không thể không tính đến, vì điều này không hề là lý do tạo ra lạm phát mà ngược lại, giúp sớm ổn định tình hình và duy trì mức tăng trưởng. Con số 4 tỉ USD nhập siêu trong 2 tháng đầu năm  và dự kiến sẽ lên đến 18-20 tỉ USD trong năm 2008 là những nhân tố tiêu cực thúc đẩy lạm phát tăng nhanh. Phải chăng cần có chính sách "thắt lưng buộc bụng" ngay từ bây giờ bằng cách rà soát triệt để việc chi tiêu, không dồn tiền vào những công trình chưa thật cần thiết của chính phủ.

Thiết nghĩ điều cần nhất hiện nay là tạo một tâm lý ổn định, không gây hoảng loạn thêm bằng những thông tin chính xác, nhanh nhạy và kịp thời từ phía NHNN hay của người đứng đầu bộ máy điều hành vĩ mô.  Hãy để cho thị trường nhà đất và chứng khoán trở về với giá thật của chúng, không cần nuôi dưỡng một thị trường bong bóng, tạo cơ hội cho những nhà đầu cơ trục lợi trong lúc "dầu sôi lửa bỏng". Việc sớm hoàn chỉnh luật thuế sát sao hơn, phù hợp với lợi tức siêu ngạch từ mua bán nhà đất và chứng khoán cần phải được tính đến, xem đây là một trong những biện pháp chống lạm phát tích cực.

Dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ còn tăng nhanh trong vài năm tới, nhưng tình hình bất ổn hiện nay sẽ là cản trở lớn, có nguy cơ đánh mất cơ hội đang ở trong tầm tay. Tuần qua, Tổ chức phát triển mậu dịch JETRO của Nhật bản vừa công bố kết quả thăm dò các giới công nghiệp sản xuất, chế tạo ở Nhật bản, 96% trả lời rằng sẽ chuyển qua Việt Nam để đầu tư phát triển thay vì Trung Quốc như từ trước đến nay, cho thấy nước ta không còn là thị trường đầu tư tiềm năng mà đang trở thành điểm đến đầy hy vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thiết nghĩ các biện pháp cần thiết để giảm lạm phát cần được sự đồng thuận của nhân dân với tính toán lâu dài trong mục tiêu tạo ra tiền đề cho sự phát triển bền vững một cách chiến lược hơn.

tn

Các tin tức khác

>   Thành lập Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (01/03/2008)

>   Lạm phát bắt đầu từ những "Cosevco" (01/03/2008)

>   Triển khai phát hành trái phiếu chính phủ năm 2008 (01/03/2008)

>   Mốc 2 triệu đồng/chỉ vàng không còn xa (01/03/2008)

>   CEO và nghệ thuật huy động vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế (01/03/2008)

>   Lãi suất bắt đầu hạ nhiệt (01/03/2008)

>   Bài học quản trị cho tất cả ngân hàng (01/03/2008)

>   Vi phạm tài chính ngày một tăng (01/03/2008)

>   Xung quanh câu chuyện lạm phát vì "bơm" tiền mua ngoại tệ: Vàng lên, "đô" xuống (01/03/2008)

>   Cần Thơ: Các chi nhánh ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất (01/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật