Vẫn cho vay mua bất động sản nhưng thận trọng
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho rằng, nếu ngân hàng ngưng cho vay mua bất động sản hoàn toàn thì những người có nhu cầu vay mua nhà ở thật sự sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy ngân hàng sẽ xem xét từng hồ sơ vay.
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ông Lý Xuân Hải, khách hàng vay vốn ngân hàng liên quan đến bất động sản có 10 mục tiêu: mua đất, nhà ở; mua đất khu đô thị; mua đất khu công nghiệp; xây, sửa chữa nhà ở; xây nhà xưởng phục vụ sản xuất; xây nhà văn phòng; xây nhà cho thuê; xây khách sạn, resort; vay mua để bán lại hưởng chênh lệch; thế chấp bất động sản vay để kinh doanh. Trong 10 mục tiêu vay trên, ngay từ đầu ACB đã không chủ trương cho vay để mua đất khu đô thị, khu công nghiệp và mua để bán hưởng chênh lệch. Trong tình hình hiện nay, ACB vẫn xem xét những hồ sơ vay có mục đích mua nhà, đất ở thật sự. Hiện dư nợ cho vay bất động sản của ACB chiếm 10 - 15% tổng dư nợ.
Vietcombank chi nhánh TP.HCM cũng đang cho vay mua bất động sản một cách thận trọng, ưu tiên giải quyết những hồ sơ vay có nhu cầu mua nhà ở thật sự. Hiện nay, mức lãi suất cho vay bất động sản thấp nhất của một ngân hàng quốc doanh là 1,3%/tháng.
Sẽ tiếp tục thắt chặt
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn hiện nay hơn 34.700 tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ. Trong đó vay sửa chữa, mua nhà chiếm hơn 42% dư nợ cho vay bất động sản; kế đến là cho vay bất động sản khác 20%; cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp cho thuê gần 17%; cho vay xây nhà ở để bán hơn 10%; cho vay xây dựng văn phòng cho thuê hơn 9%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trong cho vay bất động sản đang tăng (cuối năm 2007 là 4,8%). NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, trên lý thuyết tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ so với cho vay các ngành, lĩnh vực khác là chưa cao. Thế nhưng, thị trường bất động sản nóng và bất ổn như hiện nay thì tỷ lệ này là cao và có khả năng dẫn đến rủi ro.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nam Long nhận xét với PV Thanh Niên: Ngân hàng siết tín dụng bất động sản như "đổ dầu vào lửa". Theo ông Quang, từ trước đến nay nguồn cung cho thị trường địa ốc luôn khan hiếm khiến giá nhà đất đội lên quá cao. Nay các doanh nghiệp bị ngưng trệ dự án do không vay được vốn đầu tư, nguồn cung càng khan hiếm hơn. Các dự án hiện đang có sản phẩm tung ra thị trường hầu hết đã khởi động, triển khai từ năm 2003 - 2004. Còn các dự án được phê duyệt thời gian gần đây thì chưa thể nào có sản phẩm để tung ra thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Châu, Giám đốc Công ty địa ốc Nova Homes cho biết: "Trong vài ngày qua, thông tin các ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản tác động lập tức đến thị trường. Hiện số lượng sản phẩm nhà đất do các nhà đầu tư thứ cấp tung ra bán đã tăng lên 30% so với trước khi có những thông tin nói trên".
tn
|