Gánh nặng... 20.300 tỷ đồng
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến thời hạn để 41 ngân hàng thực hiện việc mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bằng VND (ngày 17/3). Trong khi đó, vốn của các ngân hàng hầu hết đã cạn kiệt, vì đã mạnh tay cho vay trước đó.
Hiện các ngân hàng đang ráo riết tăng lãi suất huy động vốn, chuẩn bị đủ lượng tiền đồng đáp ứng yêu cầu mua tín phiếu bắt buộc nhằm rút bớt tiền trong lưu thông của NHNN với mục tiêu là kiềm chế lạm phát.
Nhiều ngân hàng đang ở thế rất khó khăn khi nguồn tiền chảy vào ngân hàng hạn chế thì nguồn tiền gửi lại nối đuôi nhau đi ra. Tâm lý của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng về tiền đồng tại các ngân hàng cổ phần. Chính vì vậy, nhiều người đã rút tiết kiệm để chọn kênh đầu tư khác. Cuộc khủng khoảng về tiền đồng tiếp tục kéo dài đang làm các nhà kinh doanh tiền tệ đau đầu trước bài toán lãi suất đầu vào và đầu ra.
Lãi suất qua đêm tăng chóng mặt, có thời điểm lên đến trên dưới 37%/năm. Thế nhưng, một số ngân hàng phải "ngậm đắng nuốt cay" vay tiền qua thị trường liên ngân hàng, vì đang mất dần tính thanh khoản vốn. Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài đến hết tháng 2/2008, khả năng sẽ có nhiều ngân hàng không thực hiện được yêu cầu mua tín phiếu bắt buộc của NHNN.
"Hiện tính thanh khoản của nhiều ngân hàng đang ngày một yếu dần. Có thời điểm, nhiều khách hàng cùng rút vốn với số lượng lớn, ngân hàng không thể đáp ứng kịp thì lấy đâu ra tiền để mua tín phiếu của NHNN", vị phó tổng giám đốc trên nói.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng khác cho hay, rút bớt tiền trong lưu thông để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá tiêu dùng đang ngày một tăng nhanh là việc làm phù hợp. Tuy nhiên, các biện pháp đưa ra của NHNN là quá nhanh và đột ngột làm các ngân hàng cổ phần không thể trở tay kịp. Trên thực tế, chưa bao giờ thị trường xảy ra tình trạng các ngân hàng phải đóng cửa "đuổi" khách hàng đến vay vốn. Trong khi trước đó, tất cả nhà băng phải ra sức nỗ lực mới có thể tiếp cận được các "thượng đế" này.
Khác với trước, khi cung tiền đồng và vốn khả dụng của các ngân hàng còn dồi dào, lãi suất huy động vốn thường được điều chỉnh gia tăng theo thời gian gửi tiền. Có nghĩa là, gửi tiết kiệm kỳ hạn dài thì lãi suất sẽ cao hơn. Nhưng hiện xu hướng này đã đảo ngược, gửi kỳ hạn càng ngắn lãi suất tiền gửi càng cao. Mục tiêu của các ngân hàng là hút tiền trước khi thời hạn mua tín phiếu bắt buộc được thực hiện. Chẳng hạn như tại SeABank, kỳ hạn tiền gửi 1 tháng lãi suất lên đến 12%/năm; còn kỳ hạn 2 tháng là 11,5%/năm và 3 tháng là 11%/năm. Thế nhưng, vốn vào ngân hàng vẫn trong tình trạng "nhỏ giọt" khiến nhiều ngân hàng lo lắng.
Tuy nhiên, qua trao đổi với ĐTCK, một cán bộ của NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, khó có thể xảy ra trường hợp không đáp ứng yêu cầu mua tín phiếu bắt buộc của NHNN bởi tất cả các thành viên vẫn đảm bảo khả năng thanh toán. Một số ngân hàng thiếu hụt vốn, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Còn theo báo cáo mới nhất của NHNN, trên thị trường “vẫn còn” hai ngân hàng có vốn khả dụng dồi dào là Vietcombank và MHB.
Việc tăng thêm lãi suất huy động để hút vốn nhàn rỗi trong dân của các ngân hàng là điều đã và sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Đây cũng là điều hợp lý trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao hơn lãi suất, vì hiện người gửi tiền vẫn phải chịu lãi suất âm.
đtck
|