Chủ Nhật, 24/02/2008 13:58

Thị trường kêu, NHNN khó cứu

Trong tình cảnh khan hiếm tiền đồng nghiêm trọng do hiệu ứng từ một loạt chính sách thắt chặt tiền tệ đưa ra từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cân nhắc lại lộ trình hút tiền trong lưu thông. Nhưng trong hoàn cảnh lạm phát vẫn gia tăng, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các ngân hàng khó có thể trông chờ vào NHNN nới lỏng biện pháp thắt chặt tiền tệ.

Thị trường kêu cứu

Hiện tại, hầu hết ngân hàng đang thiếu vốn tiền đồng trầm trọng, đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên  cao. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại quốc doanh cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng rất cao, lên tới trên 30%. Đặc biệt, từ đầu tuần tới nay, có thời điểm lãi suất này lên tới mức kỷ lục trên 40% nhưng các ngân hàng vẫn không vay được vốn. Đây có lẽ là đợt thiếu vốn nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây với các ngân hàng.

Giải thích cho hiện tượng này, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, nguyên nhân là do các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Trong động thái mới nhất, NHNN đã quyết định phát hành lô tín phiếu NHNN có tổng trị giá 20.300 tỷ đồng từ ngày 17/3/2008, với hình thức bắt buộc các ngân hàng phải mua, khối lượng phân bổ theo quy mô và tỷ trọng huy động vốn bằng VND. Trước đó, NHNN đã ra quyết định tăng mức dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thêm 1%, có hiệu lực từ tháng 2/2008.

Theo giám đốc một ngân hàng TMCP, việc các ngân hàng phải mua theo hình thức bắt buộc là một quyết định có phần “hành chính” của NHNN. “Huy động vốn trên thị trường với lãi suất 9 - 10%/năm, sau đó “gửi” vào NHNN với lãi suất 7,8%/năm là rất thiệt thòi”, ông này cho biết.

Với tình trạng khan hiếm tiền đồng trên thị trường, trong cuộc họp tại Hiệp hội Ngân hàng với sự tham gia của đại diện NHNN, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại đề nghị NHNN cân nhắc lại lộ trình tiến hành các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Nhưng sẽ còn thắt

Trả lời phỏng vấn ĐTCK, một quan chức NHNN cho biết, từ đầu tuần, nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn của các ngân hàng, NHNN đã tổ chức 2 phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở/ngày, qua đó tăng cường các khoản cho vay qua thị trường mở với khối luợng 10.000 tỷ đồng/ngày, thời hạn cho vay lên tới 4 tuần, thay vì 1 - 2 tuần như trước đây.

Tuy nhiên, vị quan chức này cho biết thêm, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng cường hút tiền trong lưu thông là không thể chậm trễ, khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng nóng, dự kiến trong tháng 2/2008 có thể đạt mức 2,5%.

“Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt và việc sử dụng các giải pháp như tăng thêm mức dự trữ bắt buộc, tăng các mức lãi suất chủ đạo sẽ có thể được tiến hành tùy theo diễn biến thị trường. Do vậy, các ngân hàng cần chuẩn bị phương án kinh doanh”, vị quan chức này nhận định.

Theo một nguồn tin của ĐTCK, trong thời gian tới, NHNN có thể ban hành thêm chính sách thắt chặt tín dụng thông qua việc hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, qua đó chỉ cho phép các ngân hàng cho vay ngoại tệ với 3 đối tượng, thay vì 8 đối tượng như trước đây.

Theo bà Prakriti Sofat, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng HSBC, việc điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương là rất quan trọng với vấn đề kiểm soát lạm phát. “Chúng tôi nghĩ rằng, việc thắt chặt thêm chính sách tiền tệ trong năm nay là cần thiết để kiểm soát lạm phát”, bà Sofat nhận định.

Chuyên gia của HSBC cũng đưa ra dự báo, từ nay cho đến giữa năm 2008, NHNN sẽ còn tăng mức dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại theo từng bước, lên mức 15% và lãi suất tái cấp vốn sẽ tăng thêm từ 0,5 - 1% lên mức 8 - 8,5%.

“Đợt tăng dự trữ bắt buộc thêm 1% hồi đầu năm chưa có nhiều tác động tới việc kiểm soát lạm phát, do vậy chúng tôi tin rằng, NHNN sẽ còn tăng thêm trong năm nay”, bà Sofat nói.

Đồng nhất với nhận định của HSBC, một vị lãnh đạo ngân hàng quốc doanh cho biết, trong dự trù kinh doanh của mình, ngân hàng này đã dự tính mức dự trữ bắt buộc trong năm 2008 sẽ tăng lên mức 15%.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, việc tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ  là một bài “test” thực sự với các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có hoạt động dựa nhiều vào tín dụng. “Đối với ACB, chỉ có 40 - 42% tổng tài sản có được sử dụng vào kinh doanh tín dụng, do đó việc thắt chặt tiền tệ cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới hoạt động kinh doanh”, ông Toại cho biết.

đtck

Các tin tức khác

>   FED: Nghe quen mà lạ (23/02/2008)

>   Tỷ giá USD và VND sẽ tiếp tục đi xuống (23/02/2008)

>   Thị trường sẽ thiếu tiền (23/02/2008)

>   Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thu 25% vẫn tăng ngân sách (23/02/2008)

>   Các doanh nghiệp địa ốc: Ngân hàng ngưng cho vay, chỉ có nước… chết ! (23/02/2008)

>   ACB không nhận trách nhiệm sự cố sàn giao dịch vàng (23/02/2008)

>   Đoàn Ủy ban Tài chính Quốc hội Đức sẽ thăm Việt Nam (22/02/2008)

>   Lấy ý kiến góp ý sửa đổi dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (22/02/2008)

>   Vàng trong nước vẫn tăng, vàng và dầu thế giới đều giảm (22/02/2008)

>    Cuộc đua lãi suất tăng thêm nhiệt (22/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật