Tỷ giá USD và VND sẽ tiếp tục đi xuống
Tỷ giá giữa đôla và tiền đồng sáng nay ở mức 15.946 và là lần đầu tiên trong một tuần qua chặn được đà suy giảm nhờ Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 30.000 tỷ đồng ra thị trường. Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá vẫn có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.
Hôm 21/2, Ngân hàng Nhà nước thông báo tiếp tục bơm ra lưu thông thêm 10.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền cơ quan này đưa ra thị trường trong gần một tuần qua lên 33.000 đồng, giảm bớt mối lo về việc một số ngân hàng thiếu tính thanh khoản và chạy đua nâng lãi suất.
Tỷ giá giữa đôla và tiền đồng tại các ngân hàng thương mại trong tháng 1 duy trì đà sụt giảm nhẹ, trung bình mỗi ngày tiền đồng tăng 1 VND so với đôla. Song sang đến tháng 2, đà trượt giá tăng tốc và có ngày đôla sụt 5-6 VND so với tiền đồng.
Tỷ giá xuống thấp khiến giao dịch đôla tại thị trường chợ đen kém sôi động. Chợ mua bán USD tự do ở khu vực Trung tâm kim hoàn Sài Gòn những ngày gần đây vắng vẻ. Các chủ tiệm vàng cho biết vì tỷ lệ quy đổi xuống thấp khiến ít người mua bán, trừ trường hợp thực sự cần thiết.
Hôm 21/1, các chủ tiệm vàng nhận mua vào đôla với giá mỗi USD "ăn" 15.890 VND, trong khi tỷ giá này trước Tết là 16.003 đồng.
Bà Hồ Thúy Nga, Giám đốc Khối nguồn vốn, Ngân hàng Quốc tế (VIBBank), nhận xét, tỷ giá liên tục giảm từ đầu năm 2008. Đến nay tỷ giá đã giảm gần 0,3%, tương đương 48 VND trên mỗi USD. "Diễn biến này thể hiện sự mất cân đối giữa cung và cầu của 2 đồng tiền", bà Nga nói.
Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho hay, diễn biến tỷ giá trong thời gian gần đây chủ yếu do cung cầu trên thị trường quyết định. Theo ông này, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì các biện pháp ổn định tỷ giá, không để giảm quá mạnh, song vẫn tuân theo diễn biến thực tế trên thị trường.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận định, tỷ giá sẽ liên tục vận động theo hướng có lợi cho VND, một phần do giá và lãi suất đôla trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng sụt giảm. Theo ông này, xu hướng tăng giá của VND sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2008.
Tỷ giá trượt dốc là một trong những lý do khiến một số ngân hàng không đáp ứng kịp nhu cầu thanh toán của khách hàng và ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường tài chính trong nước cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng liên đới.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 có thể sẽ vượt 3%. Cộng với tỷ lệ gần 2,4% trong tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI của hai tháng đã lên gần 6%. Trong khi đó, theo kế hoạch, CPI của cả năm sẽ ở khoảng 8% do tốc độ tăng trưởng GDP trong năm dự kiến đạt 8,5%. Chính vì lý do này, theo các chuyên gia, trước mắt kiềm chế lạm phát sẽ là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách tiền tệ.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cũng khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Thắt chặt tiền tệ là việc hầu hết các nước thực hiện trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Trao đổi với VnExpress, TS. Cao Kỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng, nên duy trì biên độ tỷ giá ở mức 0,25-0,50% và có thể nhích thêm chút ít. Theo nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, VND sẽ vẫn tiếp tục đà tăng giá trước USD, song tỷ giá nên được giữ ở mức trên 15.000 để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung.
vne
|