Trong “cơn bão” lãi suất ngân hàng:
Đua nhau rút tiền đem gửi nơi lãi cao
Hòa cùng với “cơn bão” tăng lãi suất huy động vốn VND của các ngân hàng, mấy ngày qua, đã xuất hiện làn sóng rút tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn trong một bộ phận người dân. Cùng với đó, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh khiến nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Chọn lãi cao để gửi tiền
Cho đến cuối tuần trước, lãi suất huy động vốn VND cao nhất được ghi nhận là của Ngân hàng TMCP Việt Á với mức 13,92%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, vượt mức đỉnh 13,8%/năm (kỳ hạn 12 tháng) mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thiết lập trước đó.
Việt Á cũng dẫn đầu “cuộc đua” huy động ở kỳ hạn 1 tháng với lãi suất lên tới 13,2%/năm, bỏ xa mức “siêu lãi suất” 12,5%/năm của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ngân hàng Đông Á (EAB) cũng không kém cạnh khi đưa ra mức lãi suất 13,56%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Còn Ngân hàng An Bình (ABBank) đã tiến thêm một bước nữa về lãi suất: áp dụng mức lãi mới cho kỳ hạn 3 tháng là 1,05%/tháng, tức 12,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng lần lượt là 1,1%/tháng, tương đương 13,2%/năm và 1,15%/tháng, tức 13,8%/năm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, các mức lãi suất hấp dẫn này tác động mạnh lên tâm lý của nhiều người dân, nhất là giới công chức đang có một ít tiền gửi tiết kiệm.
Đa số chọn giải pháp rút ngay tiền tiết kiệm ở ngân hàng lãi suất thấp để gửi ngân hàng lãi suất cao hơn. Nhiều người, thay vì đầu tư vào bất động sản và chứng khoán (đang rất khó khăn do thị trường suy giảm và biến động phức tạp), đã quyết định gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi cao. Thậm chí, có người vay tiền ngân hàng để kinh doanh, nhưng nay lại gửi vào ngân hàng để hưởng chênh lệch, bởi đến thời điểm này, có ngân hàng lãi suất huy động đã cao hơn lãi suất cho vay.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trong hai ngày cuối tuần trước, lượng khách hàng đến giao dịch ở các ngân hàng đông hơn hẳn so với ngày thường, dù là ngày nghỉ. Trong đó, nhiều người đến để rút tiền. Những ngân hàng lớn có lượng khách rút tiền đông nhất do mức lãi suất mới không theo kịp nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khác đang “khát vốn”. Tuy nhiên, người đến rút đa số là khách hàng nhỏ lẻ, lượng tiền không đáng kể. Một số trường hợp cá biệt, đã có khách hàng đến xin rút hàng chục tỷ đồng, nhưng lãnh đạo ngân hàng đã trực tiếp thương lượng và cam kết sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn trong vài ngày tới.
Mặt bằng lãi suất mới
Mặc dù cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” liên tục lượng tiền 39.000 tỷ đồng để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, nhưng với sự chênh lệch về lãi suất hiện nay, dự báo tuần này làn sóng tăng lãi suất huy động sẽ còn tiếp diễn. Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, trong bối cảnh vốn khả dụng thiếu do năm 2007 phát triển tín dụng quá mạnh, lạm phát tăng cao làm xuất hiện tình trạng lãi suất âm, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động để thực hiện chính sách lãi suất dương là chuyện hết sức bình thường.
“Lãi suất không kỳ hạn vừa qua không tăng, mà chủ yếu là tăng đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng. Chắc chắn các ngân hàng đều đã có những tính toán cho vấn đề này” - bà Hương nói. Tuy nhiên, trên thực tế đang có sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường tiền tệ, bởi có ngân hàng đưa ra lãi suất quá cao, trong khi một số ngân hàng chưa thể tăng lãi suất. Các thành viên Hiệp hội ngân hàng Việt Nam hiện đang tranh cãi về một mặt bằng lãi suất mới mà các ngân hàng có thể thỏa thuận với nhau.
Một điều đáng lo ngại khác đang dần trở thành sự thật là cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã có biểu hiện tăng lên. Ở một số ngân hàng, mức lãi suất cho các khoản vay mới đã bị đẩy lên 1,45%/tháng (17,4%/năm), so với mức 1,05 – 1,1%/tháng được áp dụng trước đó. Thậm chí, có ngân hàng nâng lãi suất lên mức cao hơn thay vì công bố tạm dừng cho vay. Giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội nói: “Nhiều ngân hàng đang rất căng về tính thanh khoản, nên cách hay nhất là tăng lãi suất cho vay thật cao để khách hàng… bỏ đi!”.
Theo các chuyên gia, sẽ là rất đáng lo ngại nếu để tình trạng này kéo dài. “Nền kinh tế sẽ ngưng trệ bởi ngoài yếu tố tiền tệ, còn có yếu tố tâm lý bị ảnh hưởng mạnh” – một chuyên gia kinh tế phân tích. Để giải bài toán thanh khoản, hiện các ngân hàng vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước kéo giãn thời gian mua tín phiếu bắt buộc, và giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
sggp
|