Thấy gì từ những dự báo... trật lất của các chuyên gia chứng khoán?
Đầu tuần, Công ty chứng khoán (CTCK) Thăng Long đưa ra một bản phân tích về thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó có nhận định quan trọng: xu hướng chủ đạo của TTCK trong vòng 1 tháng tới là giảm giá và VN-Index chưa có động lực đi lên. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên công bố bản phân tích này (25.6), VN-Index tăng 10,7 điểm.
Trước CTCK Thăng Long, bộ phận nghiên cứu của CTCK Sài Gòn (SSI) đã từng đưa ra một bản phân tích độc lập về triển vọng của TTCK với tiêu đề "Góc nhìn của người trong cuộc".
Bản báo cáo này cũng đề cập đến triển vọng của 20 công ty hàng đầu trên TTCK Việt Nam với nhận định khá lạc quan về sự tăng trưởng của các công ty này. Tuy nhiên, sau khi bản báo cáo này được công bố hồi đầu tháng 6.2007, giá cổ phiếu (CP) của không ít công ty trong số 20 công ty được dẫn chứng vẫn tiếp tục giảm, trong đó có cả SSI.
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã nghi ngờ tính chính xác của các báo cáo, phân tích, dự báo, nhất là sự khác biệt của những dự đoán về ngắn hạn và dài hạn của các chuyên gia. Một NĐT tại CTCK Kim Long nhận xét: "Các chuyên gia đều khẳng định tiềm năng và triển vọng phát triển cũng như tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong trung hạn và dài hạn nhưng ai cũng từ chối nói về trước mắt. Họ chối bỏ hiện tại chăng? Nếu như hiện tại mà xấu thì tương lai có thể tốt được không? Họ đưa ra một viễn cảnh nhưng không thể nói rõ quá trình đi tới viễn cảnh đó như thế nào. Điều này tạo ra một khoảng trống giữa hiện thực và tương lai khiến các NĐT đôi khi nghi ngờ cả những nhận định lạc quan nhất".
Ông Lê Đình Ngọc - Giám đốc CTCK Thăng Long cho biết: "Khi đưa ra nhận định công khai về thị trường trong vòng 1 tháng tới, chúng tôi chỉ đơn thuần đưa ra những phân tích kỹ thuật nhận xét, thể hiện quan điểm của chúng tôi đối với thị trường dựa trên những số liệu của thị trường". Khi công bố bản báo cáo "Góc nhìn của người trong cuộc", ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI cho biết, bản báo cáo này chỉ có tính chất tham khảo đối với NĐT chứ không phải là một bản hướng dẫn để NĐT ra quyết định. Thậm chí, với cả bộ phận kinh doanh của SSI thì bản báo cáo này cũng chỉ có tính chất tham khảo vì phân tích của bộ phận nghiên cứu là mang tính độc lập.
Nhận định về sự khác biệt của một số báo cáo trong ngắn hạn và sự nghi ngờ của các NĐT về các dự báo trung dài hạn đối với các nhận định của một số tổ chức tài chính có tiếng, một chuyên gia hàng đầu trong giới chứng khoán nói: "Trong TTCK, người ta có những cái nhìn khác nhau về thị trường và đó mới là điều bình thường. Vấn đề là khi một NĐT tin vào một nhận định nào đó thì họ phải tìm ra cơ sở hợp lý cho những điều mình tin và hành động nhất quán với niềm tin đó chứ không phải cứ liên tục thay đổi vì những nhận định khác. Xác định rõ mục tiêu và kiên định trong hành động sẽ là nhân tố quyết định của thành công. Đầu tư chứng khoán mà cứ "đẽo cày giữa đường" thì chỉ có chết mà thôi".
Ông này bình luận: "Phần lớn các NĐT tổ chức đều tin tưởng vào việc TTCK Việt Nam sẽ tăng trưởng và CP họ mua sẽ tăng giá ít nhất là 15% trong 1 năm. Vì thế, họ vẫn quyết định mua những CP tốt và nắm giữ với thời hạn từ 1 năm trở lên. Vấn đề là không có nhiều NĐT cá nhân thích lợi nhuận tối thiểu là 15%/năm mà chỉ thích ít nhất là 50% trở lên. Điều này khiến cho họ thất vọng về triển vọng tăng trưởng thực tế và hiểu sai về các dự đoán tăng trưởng cho TTCK.
Nếu cứ kỳ vọng khoản đầu tư nào của mình cũng phải tăng gấp đôi trong một thời gian ngắn thì các dự đoán của tất cả các chuyên gia chứng khoán đều trở nên nhảm nhí hết cả". Vị chuyên gia này cũng nói thêm: "Khoảng trống giữa hiện tại và tương lai (hiện tại thì giá giảm nhưng lại nhận định là giá tăng trong trung hạn - PV) là do ngay cả các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam cũng không thể nhận dạng được chính xác lúc nào là lúc thị trường xoay chiều một cách ổn định. Cũng chính vì yếu tố bất định này mà TTCK mới trở nên hấp dẫn chứ có ai đó mà biết được chính xác thì đây sẽ không còn là TTCK nữa".
Thanhnien
|