Thứ Tư, 27/06/2007 09:25

Có nên tạm dừng cấp phép công ty chứng khoán?

Hiện có 50 hồ sơ xin thành lập CTCK nhưng Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đang kiến nghị tạm ngừng việc cấp phép. Trao đổi với ĐTCK, đại diện các CTCK đều cho rằng, ngừng cấp phép thành lập CTCK là biện pháp không phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.

Không quản được mà hạn chế là tư duy xưa rồi

Ông Phan Vũ Tuấn, Phó giám đốc CTCK Quốc tế bày tỏ quan điểm: “TTCK đang phát triển, không nên dùng biện pháp hành chính để quản lý sự phát triển của các CTCK”. Còn theo ông Trần Thiện Thể, Tổng giám đốc CTCK Đệ Nhất, Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ ràng, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện phải được cấp phép hoạt động. Và ông Thể lo ngại, nếu không cẩn thận sẽ có sự vênh nhau giữa các quy định trong lĩnh vực chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

“Không nên tạo ra một thị trường hẹp bằng việc hạn chế ra đời các CTCK. Trong một thị trường tự do mà chúng ta đang hướng tới, phải có doanh nghiệp sinh ra và doanh nghiệp chết đi mới đem lại những doanh nghiệp tốt nhất. Bởi chắc gì CTCK thành lập sớm hơn đã hoạt động tốt hơn CTCK đang xin giấy phép thành lập”, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐQT CTCK Quốc Gia nói.

Số lượng CTCK đã đủ?

Một trong những lý do mà VASB đưa ra để kiến nghị tạm ngừng cấp phép thành lập CTCK mới là “so với các quốc gia trong khu vực, số lượng tổ chức trung gian tại Việt Nam như hiện nay là quá đủ”. Nhưng chính những CTCK đang hoạt động lại cho rằng, thị trường còn rộng rãi và các CTCK hiện nay “vẫn chưa đụng nhau”. Nếu có chật là chỉ chật chỗ ngồi cho nhân viên đại diện sàn tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán mà thôi. Và việc chậm phát triển về mặt công nghệ của Trung tâm là yếu tố cản trở sự phát triển năng lực phục vụ nhà đầu tư của CTCK.

Một cán bộ của CTCK ACBS đặt câu hỏi: thế nào là nhiều CTCK? Nếu 20% dân số Việt Nam chơi chứng khoán và giả sử hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ được cải thiện tốt, ACBS được tự do phát triển chi nhánh, sàn giao dịch theo năng lực, phục vụ được 1 triệu nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch thì TTCK Việt Nam chỉ cần 20 công ty như ACBS là đủ. Nhưng hiện nay, ACBS mới chỉ có 50.000 tài khoản.

Trên thực tế, TTCK được xem là mới chỉ phát triển ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Mới đây, Hải Phòng, Cần Thơ là hai thành phố được một số CTCK lựa chọn để mở thêm chi nhánh. Trong khi các CTCK còn mải mê phát triển thị trường ở các thành phố lớn thì ai sẽ phát triển thị trường ở các địa phương khác nếu không phải là các CTCK mới thành lập hay sắp thành lập? Một điểm lưu ý là tỷ lệ người dân tham gia đầu tư chứng khoán ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…

Có đi ngược được quy luật?

Nếu như lo ngại sự đổ vỡ, phá sản của các CTCK tác động xấu đến xã hội và giả sử số lượng CTCK đã đủ, Nhà nước muốn định hướng nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn thì có thể làm gì, thay vì ra quyết định ngừng cấp phép?

Theo các CTCK, nếu cần thiết, có thể nâng cao điều kiện thành lập CTCK. Quan trọng là tuyên truyền để nhà đầu tư có đủ thông tin đánh giá CTCK nào có tiềm năng phát triển trong dài hạn theo kinh nghiệm ở các nước (chẳng hạn, CTCK thuộc ngân hàng có lợi thế phát triển mạng lưới), thay vì đầu tư vào cổ phiếu CTCK như một thứ mốt như vừa qua.

Đặc biệt, cơ quan quản lý cần tăng cường chất lượng hoạt động của CTCK. Công tác hậu kiểm mới là yếu tố quan trọng hạn chế các CTCK thành lập theo phong trào không nhằm mục đích cung ứng dịch vụ chứng khoán mà nhằm mục đích phát hành cổ phiếu để lời.

Tuy nhiên, cho dù với bất kỳ giải pháp nào, việc phá sản CTCK cũng nên được nhìn nhận khách quan là quy luật trong nền kinh tế thị trường. Các CTCK cho rằng, nhìn về dài hạn, theo quy luật thì các công ty có tiềm lực sẽ phát triển, các công ty nhỏ buộc phải sáp nhập, liên kết với nhau hoặc phá sản. Quy luật này đã diễn ra ở các nền kinh tế phát triển trước Việt Nam một bước thì cũng không loại trừ khả năng sẽ diễn ra ở Việt Nam. Chỉ có thể giảm thiểu tác động tiêu cực chứ không thể đi ngược quy luật của nền kinh tế thị trường.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Những "thế lực" mới trên sàn TPHCM (27/06/2007)

>   Giải mã cổ phiếu bất thường: ngoài tầm với? (27/06/2007)

>   Doanh nghiệp thuỷ sản: chưa mặn với “lên sàn”! (27/06/2007)

>   VIS huy động vốn xây nhà máy sản xuất phôi thép (27/06/2007)

>   BF1 Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (26/06/2007)

>   VFC Thông báo mua lại cổ phiếu quỹ (26/06/2007)

>   BBC niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (26/06/2007)

>   IFS trả cổ tức đợt 1/2007 và xin ý kiến cổ đông bằng văn bản (26/06/2007)

>   SSC thông báo trả cổ tức đợt 1 năm 2007 (26/06/2007)

>   Nghị quyết Đại hội cổ đông của VIP (26/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật