Những "thế lực" mới trên sàn TPHCM
Trong số những tổ chức đang niêm yết trên sàn TPHCM tính đến ngày 26/6 chỉ mới 7 loại cổ phiếu có giá trên 200.000 đồng. Đáng chú ý là hai tên tuổi vốn “lặng lẽ” lâu nay, đó là DHG và SFI.
Đây là 2 cổ phiếu không nằm trong nhóm tăng phi mã và cũng không có trong danh sách 20 cổ phiếu do SSI đưa ra.
Hiện DHG (409.000 đồng/cổ phiếu) chỉ còn kém BMC và TCT về giá trên sàn TPHCM. DHG là Cty chuyên kinh doanh dược, xuất nhập khẩu dược liệu, thiết bị sản xuất, đầu tư tài chính và bất động sản...
Sau 2 năm cổ phần hoá, vốn chủ sở hữu của Cty là 161 tỷ đồng. Quý I năm nay, doanh thu của DHG là 350 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế đạt gần 30 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu của DHG đạt trên 800 tỷ đồng và lãi ròng 87 tỷ đồng. Có lẽ đó là những con số hấp dẫn nhà đầu tư khiến DHG nhảy từ 231.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/4 lên 409.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng ấn tượng nhất là việc DHG đưa 800.000 cổ phiếu ra bán đấu giá ngày 20/6 với giá khởi điểm cao chưa từng có là 216.000 đồng/cổ phiếu mà vẫn được đặt mua hết (TTGDCK TPHCM vẫn chưa thông báo kết quả chính thức)!
Theo nhà đầu tư Trần Huy Hoàng (sàn SBS TPHCM) thì lý do để ông mua 500 cổ phiếu DHG ngày 25/6 là: “Tôi thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua DHG vào nên tôi tin DHG còn lên giá”. Mới đây Citigroup tiếp tục mua 22.000 cổ phiếu DHG để tăng số lượng sở hữu DHG lên 414.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến khuyên nên thận trọng với mức tăng giá quá nóng của DHG. Hiện chỉ số P/E của DHG đã lên tới 46,98 trong khi với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại thì chỉ số này dưới 40 là “tương đối an toàn”.
Tỷ lệ lãi trên doanh thu của DHG chỉ hơn 10% (năm 2006 là 87/800 tỷ đồng) cũng không phải là quá cao so với nhiều doanh nghiệp khác. Sắp tới 2 triệu cổ phiếu phát hành thêm của DHG sẽ đưa vào giao dịch (ngày 6/8) cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá của DHG, giá trúng thầu DHG vừa được công bố với mức trúng cao nhất chỉ là 342.000 đồng/cổ phần (giá bình quân 319.594 đồng/cổ phần) cũng là căn cứ đáng để các nhà đầu tư tham khảo khi quyết định theo cuộc đua tăng giá hay không.
Tên tuổi tuy không “nổi” như DHG nhưng SFI là một trong số những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thời gian qua, từ 110.000 đồng lúc mới lên sàn ngày 29/12/2006 nay đã 201.000 đồng/cổ phiếu (ngày 5/3/2007 lên đến 243.000 đồng/cổ phiếu).
Doanh nghiệp vận tải biển được xem là “đàn anh” của SFI là GMD cũng có mặt trên sàn TPHCM nhưng cũng chưa bao giờ vươn tới mức giá mà SFI đạt được từ lâu. Dù mới chững lại sau một thời gian dài giảm giá liên tiếp nhưng SFI làm nhiều người liên tưởng đến nhóm cổ phiếu tăng giá bất thường nằm trong “tầm ngắm” vừa qua. SFI là cổ phiếu có khối lượng niêm yết thấp nhất sàn TPHCM với chỉ vỏn vẹn 1.138.500 cổ phiếu.
Sau khi công bố mức lãi năm 2006 hơn 16 tỷ trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 11 tỷ đồng, giá SFI lên như diều. Tuy nhiên khi “phát hiện” ra SFI còn khối nợ phải trả hơn 97 tỷ đồng và lãi quý 1/2007 chỉ hơn 2 tỷ đồng thì SFI lại giảm rất mạnh và phiên ngày 26/6 mới là phiên đầu tiên không giảm sau hàng nhiều phiên giảm liên tục.
Nguyên nhân chính làm giá SFI tăng nhanh trong một thời gian dài là lượng cổ phiếu giao dịch quá ít, tin tức liên doanh xây dựng hạ tầng của SFI lại dội về liên tục dù chưa được công bố chính thức. Khi SFI chính thức công bố kế hoạch phát hành thêm 1.138.000 cổ phiếu và tin đồn được xác định là thổi phồng quá đáng thì giá SFI đang trở về với giá trị thực.
Việc SFI có xuống dưới 200.000 đồng/cổ phiếu để ngang hàng với GMD hay không theo giới đầu tư chỉ còn là vấn đề thời gian nếu SFI không có những thông tin tốt đột biến nào trong thời gian tới.
Trong thời điểm hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... đang niêm yết có mức lợi nhuận khá tốt lại giảm giá còn những cổ phiếu như DHG, SFI “lặng lẽ” lọt vào TOP những cổ phiếu cao giá nhất đang được xem là bất ngờ, còn thú vị hay không thì thị trường sẽ trả lời. Tuy nhiên, với hai dẫn chứng từ DHG và SFI thì có vẻ như giá cổ phiếu không hẳn phụ thuộc vào những thông số “truyền thống”.
Tiền Phong
|