Thứ Tư, 27/06/2007 23:46

Quỹ đầu tư nước ngoài chọn DN để gửi vốn

Làn sóng nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đổ vốn vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian qua được xem là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của chứng khoán.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn ĐTNN đổ vào TTCK Việt Nam hiện ước đạt 5 tỷ USD. Số liệu từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cũng cho thấy, hiện đã có trên 6.000 tài khoản cá nhân của nhà ĐTNN đang thực hiện giao dịch, trong đó, chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Thêm vào đó, còn phải kể tới nguồn vốn khổng lồ từ các quỹ ĐTNN như Dragon Capital, VinaCapital, Indochina Capital... Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, hiện các quỹ ĐTNN đang tăng tốc mua lại cổ phần của doanh nghiệp (DN) trong nước thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng trở lại đây, các quỹ ĐTNN đã thâu tóm hàng loạt DN trong nước thông qua hình thức mua bán cổ phần. Chẳng hạn như  Indochina Capital đã đầu tư chiến lược vào Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (Hội An) bằng việc mua lại 15% cổ phần thông qua Quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings Limited. Theo đó, Indochina Capital sẽ hỗ trợ Việt - Hàn xây dựng chiến lược kinh doanh, đồng thời tư vấn niêm yết trên TTCK trong nước vào cuối năm 2007. Tiếp theo sự kiện trên, Indochina Capital chính thức công bố mua lại 20% cổ phần của Công ty Vinamit - một trong những nhà xuất khẩu các mặt hàng trái cây và nông sản khô của Việt Nam.

Mới đây, Indochina Capital vừa chính thức công bố đầu tư 100 triệu USD để mua 20% cổ phần của Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân, đồng thời đầu tư 60 triệu USD mua cổ phần của Hoàng Quân - Mê Kông (công ty thành viên trong hệ thống Hoàng Quân Corp.) và cam kết sẽ hỗ trợ đối tác phát triển thương hiệu, quản trị, tư vấn... trong thời gian tới...

Theo ông Peter R. Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital, việc tìm kiếm một công ty phù hợp với phương thức đầu tư chiến lược của quỹ là rất quan trọng. Sau khi xem xét, nếu nhận thấy đối tác hoàn toàn phù hợp với chiến lược đầu tư của mình thì Indochina Capital mới quyết định đầu tư mua lại cổ phần. Trong đó, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, quá trình kinh doanh thành công, vị trí dẫn đầu trên thị trường... là những yếu tố mà Indochina Capital đặc biệt quan tâm.

Là một trong những quỹ ĐTNN quy mô, VinaCapital cũng chọn cách đi đường tắt bằng việc mua lại một phần cổ phần hoặc toàn bộ của các DN trong nước để phát triển danh mục đầu tư. Mới đây, VinaCapital đã mua lại 70% cổ phần của Khách sạn Omni Sài Gòn. Ông Stephen O. Grady, Giám đốc điều hành VinaCapital Hospitality - một quỹ của VinaCapital cho biết, nguồn vốn lên đến hàng trăm triệu USD của VinaCapital sẽ đổ vào mảng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong thời gian tới. “Chiến lược của VinaCapital Hospitality là vừa mua lại và vừa đầu tư mới. Tuy nhiên, trong 2 phương án trên, Tập đoàn vẫn xem việc mua lại là con đường để đầu tư nhanh nhất. Và VinaCapital chỉ chọn những dự án có tiềm năng phát triển và khả năng sinh lời cao trong tương lai”, ông Stephen O Grady nói.

Lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản luôn được VinaCapital quan tâm. Do vậy,  VinaCapital vừa hoàn tất việc đăng ký và thu tiền cho quỹ thứ 4 của mình là quỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản tại Việt Nam. Theo đó, các nhà đầu tư đã đăng ký góp tổng cộng 780 triệu USD, vượt xa so với dự tính ban đầu là huy động khoảng 200 -  300 triệu USD. Một nhà quản lý của VinaCapital cho biết, quỹ thứ 4 này sẽ tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng gồm thủy điện, cầu đường, cảng biển... tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những công ty đứng đầu trong từng lĩnh vực ở Việt Nam luôn nằm trong “tầm ngắm” đầu tư của VinaCapital thông qua Quỹ Việt Nam Opportunity Fund (VOF). Hiện VOF đã đầu tư vào các công ty Kinh Đô, Masan và Phở 24.

Để kịp thời trong cuộc đua thâu tóm các DN tiềm năng, Mekong Capital vừa cam kết đầu tư tối đa 4,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Thế giới Di Động thông qua Quỹ Mekong Enterprise Fund II. Ông Chris Freund, Giám đốc điều hành của Mekong Capital cho biết, ông rất hài lòng về khoản đầu tư này, vì đây là một trong những công ty gây ấn tượng nhất mà Mekong Capital đã từng tiếp xúc ở Việt Nam dựa trên tầm nhìn chiến lược và khả năng của đội ngũ quản lý trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển và hoàn thiện bộ máy. Trong thị trường bán lẻ điện thoại di động mang tính tăng trưởng cao, nhưng đầy cạnh tranh, Mekong Capital tin rằng, Công ty  Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục trở thành một trong những DN hàng đầu. Hiện Mekong Capital cũng đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để ra mắt quỹ thứ 3 mang tên “Vietnam Azalea”, với tổng vốn 100 triệu USD để đầu tư vào các DN nhà nước ở giai đoạn đầu cổ phần hóa. Theo quy định của Luật Chứng khoán, tỷ lệ cổ phiếu nhà ĐTNN được phép nắm giữ ở các công ty chứng khoán, DN niêm yết trên TTCK Việt Nam là 49%, riêng các ngân hàng cổ phần là 30%. Tuy nhiên, với lộ trình mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ chứng khoán với sự xuất hiện của DN 100% vốn nước ngoài, UBCKNN dự báo, trong vòng 5 năm tới nguồn vốn gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ còn tăng mạnh.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Giao dịch cổ phiếu cổ đông nội bộ của PNC, SAV (27/06/2007)

>   CTCK Thái Bình Dương vi phạm nguyên tắc ưu tiên lệnh (27/06/2007)

>   Giao dịch của nước ngoài có phải là “chỉ báo” mua - bán? (27/06/2007)

>   “Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn giới đầu tư Mỹ” (27/06/2007)

>   Tin vắn DN niêm yết tại TTGDCK TP.HCM ngày 27/6 (27/06/2007)

>   Chứng khoán: Hành nghề nào, cấp chứng chỉ đó (27/06/2007)

>   Có nên tạm dừng cấp phép công ty chứng khoán? (27/06/2007)

>   Những "thế lực" mới trên sàn TPHCM (27/06/2007)

>   Giải mã cổ phiếu bất thường: ngoài tầm với? (27/06/2007)

>   Doanh nghiệp thuỷ sản: chưa mặn với “lên sàn”! (27/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật