Nhu cầu điện 2025 tăng cao nhưng sẽ đủ nguồn cung, EVN có thể hòa vốn
Theo Báo cáo triển vọng ngành điện 2025, SSI Research cho rằng thủy điện phục hồi là động lực để đáp ứng đủ nhu cầu điện tăng cao trong năm nay. Tuy nhiên, nguồn cung khí đốt có thể thiếu hụt trầm trọng hơn gây ảnh hưởng đến điện khí. Bên cạnh đó, các chính sách về điện tái tạo được ban hành năm qua được dự báo là động lực quan trọng cho dài hạn.
SSI dự báo mức tiêu thụ điện quốc gia tăng trưởng 10.5% so với cùng kỳ vào năm 2025, tương đối sát với kịch bản cơ sở của Chính phủ (11-12%).
Nhu cầu điện tăng cao nhưng sẽ đủ nguồn cung
Mặc dù nhu cầu tăng cao hơn, SSI kỳ vọng nguồn cung sẽ tiếp tục đáp ứng. Nguyên nhân chủ yếu nhờ việc chuyển đổi sang thủy điện, hoàn thành đường dây 500 kV Mạch 3, và tiếp tục cung cấp đủ than cho sản xuất điện.
Cụ thể, hiệu ứng từ La Nina hoặc hiện tượng thời tiết trung tính sẽ có lợi cho các nhà máy thủy điện. El Nino đã kết thúc vào tháng 5/2024 và dần chuyển sang hiện tượng thời tiết trung tính. Điều này kết hợp với mùa mưa (bắt đầu từ cuối nửa đầu năm 2024) đã hỗ trợ thủy điện với điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.
Trên thực tế, EVN đã huy động sản lượng thủy điện nhiều hơn kể từ tháng 6/2024. Vì vậy, SSI dự đoán hiện tượng thời tiết này sẽ tiếp diễn hoặc dần chuyển sang La Nina trong năm 2025, qua đó tiếp tục hỗ trợ quá trình phục hồi thủy điện.
Trong khi đó, vào ngày 29/08/2024, EVNNPT đã khánh thành đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3, dài 519km, trải dài qua 9 tỉnh thành. Dự án được kỳ vọng tăng công suất truyền tải điện từ miền Trung đến miền Bắc, từ 2,500MW lên 5,000MW, giúp giảm nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc.
Điện than vẫn tiếp tục là nguồn điện quan trọng. Dù vậy, giá than trộn trong nước có khả năng tiếp tục tăng, trong khi giá than quốc tế tương đối cao so với giá than trong nước và tỷ trọng than quốc tế trong than trộn kỳ vọng tăng. Theo SSI, triển vọng như trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện than.
Tuy nhiên, rủi ro thiếu điện tiếp tục tồn tại do tình trạng cạn kiệt các mỏ khí, phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung than quốc tế (sản lượng than trong nước có thể không đáp ứng được hết nhu cầu tiêu thụ điện). Đáng lưu ý, SSI lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ trầm trọng hơn trong năm 2025.
Ước tính khả năng cung cấp khí đốt ở Đông Nam Bộ đạt 2.8-3 tỷ m3/năm trong năm 2024 (so với 4.3 tỷ m3 năm trước). Con số này có thể tiếp tục giảm xuống còn 2.06 tỷ m3 vào năm 2025 (theo Bộ Công Thương), cho thấy tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên nghiêm trọng hơn. Tình hình có thể ít trầm trọng hơn với vùng Tây Nam Bộ, khi khả năng cấp khí được duy trì tương tự 2023 (1.2-1.4 tỷ m3/năm), Bộ Công Thương cũng kỳ vọng khả năng cấp khí ổn định cho khu vực này vào 2025. Tuy nhiên, các mỏ khí đang cạn kiệt, ảnh hưởng hiệu suất của các nhà máy điện khí cũng như tính ổn định của nguồn điện khí.
Để bù đắp, LNG đã được nhập khẩu vào năm 2024. Theo SSI, xu hướng này được kỳ vọng tiếp tục vào năm 2025, do các nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 (1,624 MW) sẽ đi vào hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiếu điện.
Kỳ vọng hòa vốn cho EVN
SSI nhận định giá bán từ thủy điện đang rẻ hơn các nguồn nhiệt điện (điện than và điện khí). Việc thủy điện phục hồi cho phép EVN huy động nhiều hơn từ các nguồn nhiệt điện trong trường hợp thiếu điện, giúp tối đa hóa nguồn cung và giảm thiểu rủi ro.
Đáng chú ý, EVN đã nâng giá bán lẻ điện bình quân vào tháng 10/2024 thêm 4.8%, lên 2,103 đồng/kWh. Theo SSI, mức giá này đủ để EVN hòa vốn trong năm 2025 và có thể khuyến khích công ty huy động nhiệt điện nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý EVN đã lỗ gần 27 ngàn tỷ đồng vào năm 2023 - thời điểm giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh 2 lần lên 1,920 đồng/kWh (04/05) và 2,007 đồng/kWh (09/11).
Điện tái tạo có nhiều động lực từ chính sách
SSI thống kê năm 2024, có chưa đến 380MW công suất năng lượng tái tạo chuyển tiếp được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, con số rất nhỏ khi so với hơn 80,000MW công suất điện quốc gia. Nguyên nhân được cho là do thiếu các quy định mới khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một số quy định quan trọng liên quan đến ngành điện đã được ban hành, dự đoán là động lực quan trọng cho dài hạn.
Đầu tiên là DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp), được kỳ vọng giúp giảm sự phụ thuộc vào EVN và lưới điện quốc gia, khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và hỗ trợ tính khả thi của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP) III. Trong năm 2025, SSI kỳ vọng Chính phủ ban hành thêm các quy định để thực hiện cơ chế này.
Tiếp đến, Luật Điện lực (sửa đổi) đã gỡ một số điểm nghẽn về cơ chế trong ngành điện, đề xuất áp dụng cơ cấu giá điện nhiều thành phần, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với các nhà máy điện cũng như tầm quan trọng của phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới (như hydrogen và amoniac). SSI cho rằng việc này có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy các quy định tiếp theo cho từng nguồn năng lượng, chẳng hạn như cơ chế giá mới cho năng lượng tái tạo.
Trên thực tế, cơ chế giá mới nhất đã được ban hành cách đây gần 2 năm, chỉ áp dụng đối với các nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp (Quyết định ban hành ngày 07/01/2023). Thêm vào đó, để đa dạng hóa các nguồn năng lượng, Quốc hội đã nhất trí tái khởi động kế hoạch phát triển điện hạt nhân.
Thứ 3 là Nghị định về điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu, được ban hành vào tháng 10/2024, áp dụng cho nhiều loại công trình xây dựng, bao gồm hộ gia đình/nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các cơ sở sản xuất/kinh doanh. SSI cho rằng Nghị định này cũng khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo (cụ thể là điện mặt trời mái nhà) để giảm bớt/giải quyết tình trạng thiếu điện.
Tuy nhiên, Nghị định có thể không mang lại sự hấp dẫn đầu tư đáng kể cho các công ty đầu tư về điện đang niêm yết, do chỉ cho phép bán điện dư tối đa 20% công suất lắp đặt cho EVN; và giá bán điện kém hấp dẫn. Dù vậy, chi phí trung bình để xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) đang giảm, là điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển nguồn năng lượng này.
Kỳ vọng cập nhật Quy hoạch điện 8 (QHĐ8)
SSI kỳ vọng QHĐ8 sẽ được cập nhật trong năm 2025. Cụ thể, QHĐ8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, sau đó kế hoạch thực hiện được ban hành vào cuối năm 2024 để làm rõ, chỉ ra các dự án chi tiết cần phát triển cho từng nguồn năng lượng tại từng địa phương/khu vực cũng như các dự án truyền tải điện. Tuy nhiên, SSI cho rằng hầu hết nguồn này đều đang gặp khó khăn trong triển khai, phải điều chỉnh lại.
Như với điện khí, QHĐ8 đề ra 10 dự án (7,900 MW) cần phát triển đến năm 2030, thì chỉ Ô Môn I là nhà máy duy nhất đang hoạt động. Cùng với Lô B, việc triển khai cả 2 mỏ khí Cá Voi Xanh và Báo Vàng cũng cần thiết để để đạt mục tiêu này, và dự kiến việc thực hiện sẽ mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, điện khí LNG với 13 dự án (tổng công suất 22,524 MW) phát triển đến 2030, SSI lo ngại chỉ Nhơn Trạch 3 và 4 khả thi, chiếm 7% nhu cầu phát triển công suất. Trong khi đó, các dự án khác vẫn đang bị chậm tiến độ, chủ yếu do thiếu các ưu đãi đầu tư và cơ chế liên quan đến LNG, đặc biệt là cam kết sản lượng hợp đồng tối thiểu dài hạn.
Đối với điện than, đây là nguồn năng lượng phải đối mặt với yêu cầu khắt khe hơn về môi trường, khó khăn trong việc thu xếp vốn và thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Thủy điện hiện tại ít dư địa phát triển khi số lượng hồ còn lại ở Việt Nam không nhiều.
Cuối cùng, năng lượng tái tạo tính đến cuối năm 2023 mới đạt công suất 21,664 MW, vẫn còn cách rất xa mục tiêu 50,741MW năm 2030. Tính đến cuối năm 2024, SSI chưa ghi nhận bất kỳ dự án điện gió ngoài khơi nào đi vào hoạt động, trong khi mục tiêu công suất năm 2030 tương ứng là 6,000MW.
Châu An
FILI - 13:28:00 07/01/2025
|