Từ ngoại biên đến nội tại vững chắc, VN-Index có thể chạm đến 1,420 điểm trong năm 2025
Ông Võ Kim Phụng - Trưởng Phòng phân tích, CTCP Chứng khoán BETA cho rằng các yếu tố ngoại biên như thuế quan thời Trump 2.0, chính sách lãi suất của Fed và nội tại như thúc đẩy đầu tư công, nâng hạng FTSE… sẽ tác động sâu sắc đến diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025, dự báo VN-Index cao nhất đạt 1,420 điểm.
Từ câu chuyện thuế quan thời Trump 2.0, chính sách lãi suất của Fed
Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường tài chính thế giới trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng sẽ đối mặt với một sự biến động lớn trước những thách thức mới đến từ các chính sách của ông Donald Trump - một người được cho là khó lường với những chính sách thuế quan, thương mại gắt gao.
Trong kịch bản xấu nhất là Việt Nam bị áp thuế quan trực tiếp do sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước - một rủi ro khó định lượng vì phụ thuộc vào các cuộc đàm phán ngoại giao. Kịch bản này sẽ còn ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và tiêu dùng trong trung hạn.
Một vấn đề quan trọng khác cũng cần theo dõi sát sao là đồng USD có khả năng mạnh lên, kéo theo tỷ giá vẫn nóng trong năm 2025.
Tuy vậy, các chính sách của Trump cũng có thể mang lại cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng.
Trong kịch bản tích cực, việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Trump sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng giúp vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Điều này cũng góp phần đem lại nguồn ngoại tệ dồi dào, giúp giảm bớt áp lực tỷ giá.
Chuyên gia Chứng khoán Beta còn nhắc đến một yếu tố ngoại biên khác là chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Cụ thể, có rủi ro Fed giảm tốc độ hạ lãi suất trong thời gian tới, dòng vốn sẽ chưa sớm trở lại các thị trường mới nổi và các lớp tài sản khác có lợi suất hấp dẫn hơn.
Việc số lần giảm lãi suất dự kiến ít đi trong năm 2025 và 2026 cũng sẽ làm giảm bớt dư địa đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Đến nội tại vững chắc, sẵn sàng bứt phá
Theo ông Phụng, Việt Nam với nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khả quan, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cùng với niềm tin vào thị trường được khôi phục là những chất xúc tác quan trọng mang lại nhiều cơ hội cho TTCK năm 2025.
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao đã và đang được kiện toàn, bộ máy đang được tinh gọn và nâng cao hiệu suất, các chính sách lớn được định hình và đang từng bước luật hóa, triển khai vào cuộc sống, nhiều dự án hạ tầng trọng yếu được thúc đẩy triển khai… sẽ tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng tốc sắp tới của nền kinh tế Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn còn dư địa về chính sách tài khóa khi tỷ lệ nợ công chỉ ở mức 37.6% GDP. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Ông Phụng kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong năm 2025, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6.8 - 7% trong kịch bản cơ sở, hỗ trợ bởi việc đẩy mạnh đầu tư công mạnh mẽ cùng với các động lực trong thúc đẩy thương mại và tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam còn có những lợi thế nhất định để thu hút dòng vốn FDI.
Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào thị trường quốc tế, việc triển vọng nền kinh tế Mỹ bền vững có thể giúp chuyển hướng dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi, đặc biệt là các tài sản rủi ro hơn như Việt Nam. Động lực này cũng sẽ là trọng tâm trong năm 2025.
Bên cạnh đó, tiềm năng nâng hạng thị trường từ Cận biên (Frontier Market) lên Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) sẽ thu hút dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam, dự kiến diễn ra mạnh mẽ vào quý 2 - 3/2025.
VN-Index hướng đến vùng 1,390 - 1,420 điểm
Xuyên suốt năm 2024, VN-Index dao động giằng co tích lũy chính trong vùng 1,200 - 1,300 điểm. Bước sang năm 2025, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy biên độ hẹp trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn, khi các chính sách về thương mại và thuế quan của chính quyền Trump dần được công bố.
Để tạo được xu hướng tích cực rõ ràng hơn, VN-Index cần vượt qua vùng kháng cự 1,290 - 1,300 điểm một cách thuyết phục với thanh khoản khả quan (duy trì trên 20 ngàn tỷ đồng/phiên), kỳ vọng diễn ra trong nửa sau của quý 1 hoặc đầu quý 2, thời điểm đón các dòng vốn ngoại đầu cơ cho việc nâng hạng thị trường. Đến cuối năm, VN-Index có thể đóng cửa trong vùng 1,390 - 1,420 điểm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý về rủi ro lớn đối với kỳ vọng này là chính quyền Trump có chính sách thương mại và thuế quan gây áp lực trực tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia Chứng khoán Beta cho rằng, những nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp, vật liệu xây dựng, tiện ích sẽ là điểm sáng trong năm 2025.
Trong đó, ngân hàng vẫn là một trong những ngành hưởng lợi chính trong chu kỳ đang phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam; nhóm chứng khoán đầu ngành có thị phần môi giới khách hàng tổ chức nước ngoài lớn hưởng lợi từ việc nâng hạng thị trường; bất động sản công nghiệp với tiềm lực tài chính vững mạnh và quỹ đất sạch sẵn sàng cho thuê lớn hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, từ chiến lược mở rộng chính sách tài khóa và đẩy mạnh đầu tư công, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ hưởng lợi nhờ việc cho vay các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó là những doanh nghiệp đầu ngành vật liệu xây dựng hưởng lợi từ việc cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án, bên cạnh sự phục hồi của ngành xây dựng bất động sản.
Ở góc độ phòng thủ, ngành tiện ích (điện, nước) sẽ hưởng lợi trong kịch bản xấu nhất khi chính quyền Trump áp thuế trực tiếp lên Việt Nam. Nhóm này cũng sở hữu tiềm năng tăng trưởng trung dài hạn khi nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới cũng như khu vực.
Huy Khải
FILI - 08:17:50 10/01/2025
|