Chứng khoán tháng 10: Nên tấn công hay phòng thủ?
Chuyên gia từ công ty chứng khoán nhận định vùng định giá hiện tại đang khá lưng chừng; để có thể tăng tiếp, VN-Index cần được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực hơn nữa. Đặc biệt là sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Kỳ vọng VN-Index về vùng cân bằng 1,200 - 1,250
Bà Đỗ Minh Trang - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACBS dự báo trong tháng 10 tới, vùng 1,100 - 1,120 điểm sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng và đóng vai trò xác nhận cho diễn biến tiếp theo của VN-Index. Trong trường hợp VN-Index có phản ứng tích cực và duy trì dao động ở mức bằng hoặc cao hơn vùng hỗ trợ này, một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ bắt đầu, đưa điểm số VN-Index trở lại ngưỡng 1,200 điểm hoặc xa hơn tại ngưỡng 1,250 điểm.
Tuy nhiên, nếu có các yếu tố bất lợi về mặt vĩ mô hoặc từ kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp, khiến VN-Index phá vỡ mức hỗ trợ 1,100 điểm, diễn biến giảm điểm của VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xa hơn, đưa điểm số VN-Index về ngưỡng 1,080 điểm hoặc xa hơn tại 1,020 điểm.
Theo bà Trang, sau những phiên sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, định giá của thị trường theo P/B và P/E hiện giờ đang lần lượt là 1.83x và 14.5x. Đây không phải là vùng định giá rẻ so với các vùng đáy (2012, 2020 và tháng 4/2022), tuy nhiên, so với lịch sử 10 năm gần đây của VN-Index thì vùng định giá này cũng không hề cao.
Ông Nguyễn Đình Dương, CFA, FRM - Phó phòng Quản trị rủi ro của Công ty Chứng khoán Pinetree nhận định: Cuối tháng 9, thị trường có những phiên giảm khá mạnh, có những nguyên nhân vĩ mô mà mọi người có thể xem là “tội đồ” như tỷ giá USD/VND tăng, khối ngoại bán ròng, thị trường lo ngại về việc đảo chiều chính sách tiền tệ…
Nhưng xét đến cùng, thị trường giảm là do cung nhiều hơn cầu, sau thời gian 3 - 4 tháng thị trường tăng tốt, nhà đầu tư đã có tâm lý chốt lời, bảo toàn thành quả, tiếp đến là lực bán giải chấp từ các “kho” chứng khoán làm tình hình trầm trọng hơn.
Trong tháng 10, khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, VN-Index kỳ vọng sẽ có nhịp phục hồi tốt về vùng cân bằng quanh 1,200 - 1,250 điểm, chờ các động lực mới có thể tác động mạnh hơn lên thị trường.
VN-Index kỳ vọng sẽ có nhịp phục hồi tốt về vùng cân bằng quanh 1,200 - 1,250 điểm. Ảnh: Tuấn Trần
|
Kết quả kinh doanh quý 3 sẽ là tiêu điểm thị trường
Nói về các yếu tố tác động tới thị trường ông Dương nhận định động thái Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, hút bớt lượng tiền dư thừa ra khỏi thị trường nhằm vào mục tiêu ổn định tỷ giá, dẫn đến nhận định rằng Việt Nam đã bắt đầu thắt chặt tiền tệ có lẽ hơi vội vàng. Chủ trương của Chính phủ từ đầu năm đến nay vẫn là nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế, và chủ trương này vẫn sẽ được duy trì trong tương lai gần. Các biến chuyển vĩ mô nhà đầu tư có thể theo dõi gồm DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD), lãi suất liên ngân hàng qua đêm. Khi sức mạnh đồng USD giảm và lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp thì thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng tăng.
Còn theo bà Trang, bên cạnh các vấn đề về chính sách, tiêu điểm của thị trường trong tháng 10 sẽ là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. So với 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh quý 3 của hầu hết các nhóm ngành đều có sự cải thiện tương đối tích cực. Vì vậy, đây có thể được coi là động lực hỗ trợ thị trường đi lên, đặc biệt ở một số nhóm ngành có sự cải thiện kết quả kinh doanh rõ rệt và vùng định giá vẫn còn hấp dẫn.
Trong khi đó, triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 sẽ tốt hơn quý 1, quý 2 ở hầu hết các nhóm ngành. Vì vậy, nhà đầu tư với tầm nhìn ngắn và trung hạn có thể tranh thủ giải ngân vào những phiên thị trường sụt giảm mạnh, nhưng vẫn nằm trên các ngưỡng hỗ trợ và lựa chọn các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 tốt.
Nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng để xác định sự sụt giảm của thị trường là những điều chỉnh mang tính kỹ thuật hay là hệ quả của 1 giai đoạn hết động lực tăng.
Nên chọn chiến lược phòng thủ an toàn
Nói về chiến lược đầu tư, bà Trang khuyến nghị: Sau giai đoạn tăng dài từ tháng 4/2023, hầu hết các cổ phiếu đều đã tăng giá 50-70%, thậm chí nhiều hơn. Vùng định giá hiện tại đang khá lưng chừng, vì vậy, để có thể tăng tiếp, VN-Index cần được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực hơn nữa, đặc biệt là sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược phòng thủ trong tháng này. Nhóm ngành ưa thích là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, có tính ổn định cao hoặc lợi nhuận đi lên từ đáy, được hưởng lợi từ tỷ giá, dòng tiền hoạt động dương và tỷ lệ tiền mặt cao với nền định giá vừa phải.
Đó là các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí, hóa chất phân bón, công nghệ, thủy hải sản, bất động sản khu công nghiệp.
Theo ông Dương, nhịp giảm cuối tháng 9 đã làm thị trường rơi xuống dưới mức hợp lý, nhà đầu tư có thể giải ngân trong các phiên sụt giảm mạnh, có thể chia ra giải ngân nhiều lần và chưa nên sử dụng margin.
Về chiến lược đầu tư theo đòn bẩy, trong tháng 10 nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng vốn vay margin.
Xét theo ngành nghề, trong bất kỳ giai đoạn nào, nhà đầu tư cũng nên dành phần lớn tỷ trọng tài sản cho những ngành an toàn, xác định nắm giữ dài hạn (từ 70-80%), phần nhỏ còn lại mới dùng để vào những ngành có biến động mạnh, mang tính đầu cơ (từ 20-30%). Nhà đầu tư có thể tham khảo ngành dầu khí cho vị thế dài hạn, ngành chứng khoán và các doanh nghiệp xuất khẩu cho vị thế ngắn hạn.
Chí Kiên
FILI
|