Giá vàng tăng và nguy cơ lạm phát có đang tác động tới chứng khoán?
Lạm phát có nguy cơ tăng cao đang là mối lo với giới đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, giá vàng liên tục lập lập đỉnh mới càng khiến các nhà đầu tư phân vân. Trong khuôn khổ chương trình Bí mật Đồng tiền ngày 09/03, các chuyên gia đã có bình luận về hai yếu tố này.
Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank (ghế giữa) và ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI (tham gia trực tuyến) tại chương trình Bí mật Đồng tiền ngày 09/03
|
Khách mời của chương trình, bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank nêu quan điểm: 'Khi có biến động trong nền kinh tế, mọi người nghĩ vàng là hầm trú ẩn an toàn. Chính vì thế mỗi khi có biến động, giá vàng lúc nào cũng tăng. Tôi nghĩ tâm lý đó hoàn toàn bình thường tuy nhiên hầm trú ẩn đó chỉ thực sự an toàn khi bạn có sẵn vàng trong tay. Khi giá vàng tăng sẽ là cái bù trừ giảm ở cổ phiếu. Còn nếu giá lên mới đi mua thì rất nguy hiểm, sau 2 năm nữa có khi lại... sập hầm”.
Bà Nga cho hay để có lãi khi đầu tư vàng thì phải mua giá thấp bán giá cao còn việc mua cao rồi hy vọng bán cao hơn sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng việc giá vàng tăng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Theo ông Hưng, trong tình hình khó khăn, người dân tìm đến vàng làm kênh trú ẩn cũng giống như trời mưa phải tìm chỗ tránh là hết sức bình thường. Hơn nữa hiện nay có nhiều hình thức khác để tránh rủi ro chứ không chỉ mỗi vàng. Mặt khác, ảnh hưởng của giá vàng lên chính sách ngoại hối cũng khá thấp.
Bên cạnh giá vàng, giá cả nhiều loại hàng hóa cơ bản trên thế giới đang tăng cao, cũng dấy lên lo ngại về lạm phát sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Theo bà Nga, nỗi lo lạm phát với thị trường Việt Nam là không quá lớn. Vì hiện tại, cầu về hàng hóa vẫn chưa tăng cao, minh chứng bởi việc tăng trưởng doanh số bán lẻ 2 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Nếu lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, không phải lúc nào các ngân hàng trung ương cũng phản ứng hết sức quyết liệt khi lạm phát vừa tăng.
Vị phó tổng giám đốc quỹ này dẫn chứng về cách điều hành của Việt Nam. Cụ thể, thông thường mục tiêu điều hành lạm phát của chính phủ Việt Nam là dưới 4%. Khi lạm phát vượt mốc này, không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hành động để giảm lạm phát ngay lập tức. Thay vào đó, họ sẽ đánh giá liệu lạm phát sẽ kéo dài trong ngắn hạn hay dài hạn. Nếu ngân hàng trung ương cho rằng lạm phát có thể kéo dài trong dài hạn và vượt xa hơn nhiều so với 4%, họ chắc chắn sẽ có các biện pháp để kiềm chế lạm phát.
Về phía ông Hưng đánh giá, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ gần như không chịu ảnh hưởng bởi lạm phát vì hầu như chúng ta đã có thể kiểm soát về giá của hầu hết các mặt hàng. Nhà đầu tư nên quan tâm đến câu chuyện đình lạm (lạm phát đi kèm với tăng trưởng kinh tế kém) trong dài hạn, khi mà nền kinh tế phục hồi kém hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Yến Chi
FILI
|