Kinh tế Việt Nam cần đa dạng hóa các kênh để giảm thiểu rủi ro từ cuộc xung đột Nga-Ukraine
Việt Nam phải quyết liệt chủ động đa dạng hóa các kênh để giảm thiểu rủi ro và tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội
|
Tại tọa đàm: "Đánh giá tác động từ xung đột vũ trang Nga - Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều ngày 07/03/2022, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội cho rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế đang rất bất lợi.
Hiện nay, xung đột Nga-Ukraine đang đe dọa không ít đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu - vốn đang rất chật vật sau khủng hoảng kéo dài của đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, những tác động tiêu cực được đánh giá không hề nhỏ trong cả trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ, năng lượng, vận tải và chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam.
Cụ thể, cuộc xung đột là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường, một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô, do thị phần sản xuất và xuất khẩu của hai nước, đặc biệt là Nga là rất lớn.
Vì vậy, nếu căng thẳng giữa hai quốc gia này tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước (bao gồm cả Việt Nam) gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong thời gian tới.
Đồng thời, với việc Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng - tài chính của Nga, khiến giá trị đồng Ruble của Nga liên tục lao dốc. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc thanh toán các hợp đồng thương mại.
Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá. Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Về thương mại hai chiều với Nga và Ukraine, hai nước đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6. Mặc dù năm 2021, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ khoảng 7.8 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tuy nhiên, từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga và Ukraine đã có bước tiến mạnh mẽ với mức trung bình khoảng 30%. Trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước này.
Trước những diễn biến khó lường trên, ông Hiếu cho rằng, Việt Nam cần quyết liệt chủ động đa dạng hóa các kênh để giảm thiểu rủi ro và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Mặt khác có thể nhận thấy áp lực lạm phát đang rất nặng. Trong khi đó, Việt Nam đang tiến hành triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế với quy mô lên tới 350,000 tỷ đồng.
"Tại thời điểm chuẩn bị ban hành gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia đã lo lắng cho mục tiêu lạm phát. Giờ đây, cộng thêm các áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng cao", ông Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nếu không nhanh cả mặt ra chính sách và thực hiện, càng chần chừ thì càng ngày dư địa thời gian phục hồi kinh tế càng thu hẹp...
Hiện tại, trước những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine có thể tác động tới Việt Nam (kinh tế; vấn đề bảo hộ công dân), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine.
Ông Hiếu kỳ vọng, với hành động kịp thời trên của Chính phủ, Việt Nam sẽ ổn định môi trường vĩ mô, thông qua đó giảm thiểu được tối đa tác động từ bên ngoài đối với nền kinh tế.
Khang Di
FILI
|