Thứ Hai, 07/03/2022 10:00

Chứng khoán tháng 3 trước nỗi lo lạm phát

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine có thể khiến lạm phát tăng cao hơn khi tác động tới chuỗi cung ứng, giá hàng hóa. Lạm phát trên toàn cầu sẽ dẫn tới việc thu hẹp các chính sách tiền tệ. Đà hồi phục của nền kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Lạm phát - rủi ro chính của thị trường

Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) - nhận định thị trường sẽ tích lũy trong tháng 3 bởi tác động từ các yếu tố tiêu cực như Fed dự kiến tăng lãi suất hay cuộc chiến Nga - Ukraine làm tăng CPI cũng như giá hàng hóa đầu vào.

Chiến sự Nga - Ukraine đang là yếu tố được thị trường quan tâm nhất thời điểm hiện tại. Tình hình căng thẳng giữa hai nước có thể khiến lạm phát (đang chịu nhiều áp lực) tăng cao hơn khi tác động tới chuỗi cung ứng, giá hàng hóa. Lạm phát trên quy mô toàn cầu sẽ dẫn tới việc thu hẹp các chính sách tiền tệ.

Riêng việc Fed tăng lãi suất trong tháng 3 này dự kiến sẽ không gây tác động đáng kể vì lộ trình tăng lãi suất đã được đưa ra từ trước và thị trường đã dự báo được. Nếu Fed thực sự tăng lãi suất, có thể thị trường sẽ điều chỉnh trong vài phiên trước và sau khi tăng. Vấn đề cần quan tâm là liệu Fed có đẩy nhanh quá trình lãi suất hay thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Tuy vậy, vẫn có yếu tố tích cực như mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới sẽ cung cấp triển vọng doanh nghiệp năm 2022. Về mặt vĩ mô, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực.

“Trong trường hợp có những thông tin tích cực hơn thì VN-Index có thể vượt mốc 1,500 điểm và hướng tới mức 1,600 trong năm nay”, ông Bùi Nguyên Khoa dự báo.

Ông Võ Văn Cường - Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá các rủi ro bên ngoài đã tác động khá lớn nên thị trường sẽ sideway hoặc điều chỉnh giảm trong tháng 3.

Động thái của các bên liên quan trong cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy, ngoài hai nước đang giao tranh, những bên còn lại đều không muốn tình hình leo thang đến mức mất kiểm soát. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế lại đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khiến giá dầu tiếp tục ở mức cao, tác động mạnh tới CPI. Đà hồi phục của nền kinh tế bị kéo chậm lại sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Định giá thị trường cũng đang bị tác động, PE hiện tại vào khoảng 17.5 lần, không còn rẻ so với khu vực. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý 1/2022 không tăng tốt, đặc biệt nhóm ngân hàng tăng trưởng chậm lại thì mức PE chấp nhận được sẽ thấp hơn. Thị trường sẽ phải định giá lại để nhà đầu tư sẵn sàng tham gia trở lại.

Các thông tin hỗ trợ hiện tại là các gói hỗ trợ từ Chính phủ đang dần tới tay các doanh nghiệp, người dân, từ đó nền kinh tế có khả năng sẽ diễn biến tích cực hơn. Việt Nam cơ bản vẫn xuất siêu, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng. Nền kinh tế vẫn đang thu hút vốn FDI.

Chọn đầu tư nhóm ngành nào?

Theo ông Khoa, dòng tiền hiện đang cố gắng vận động nhanh giữa các nhóm ngành để tìm cơ hội. Trong điều kiện thị trường chưa rõ ràng thì nhà đầu tư nên học cách thích nghi, dùng tỷ trọng nhỏ để đầu tư vào các nhóm ngành được dòng tiền chú ý. Khi VN-Index vượt được mốc 1,500 thì xu hướng sẽ rõ ràng hơn. Lúc đó, nhà đầu tư có thể rót tỷ trọng lớn vào thị trường.

Các nhóm ngành triển vọng là ngành xuất khẩu và tiêu dùng, đang có sự hồi phục nhất định. Nhóm dầu khí và phân bón hưởng lợi từ giá dầu.

Trong khi đó, ông Cường đánh giá nhóm cổ phiếu thép, dầu khí, phân bón đang hưởng lợi trong ngắn hạn khi các lệnh trừng phạt đối với Nga làm giảm nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư tham gia nhóm này nên chấp nhận mức rủi ro cao vì giá có thể giảm khi căng thẳng thế giới dịu lại.

Trong dài hạn, ông Cường đánh giá năng lượng, tiêu dùng và bán lẻ cùng bất động sản là những nhóm ngành có triển vọng.

Ngoài ra, lạm phát đang là yếu tố rủi ro chính của thị trường. Nhà đầu tư có thể phòng vệ với các nhóm ngành như điện, nước, dầu khí, thực phẩm, bất động sản khu công nghiệp.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 04/03: Tiếp tục tăng điểm? (03/03/2022)

>   Góc nhìn 03/03: Giằng co quanh vùng 1,480 điểm? (02/03/2022)

>   CEO Passion Investment: Chứng khoán Việt Nam thường điều chỉnh trễ hơn thế giới 1 - 2 tháng (02/03/2022)

>   Những nhóm ngành nào chịu tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine? (02/03/2022)

>   Góc nhìn 02/03: Tiếp tục tích lũy quanh ngưỡng tâm lý 1,500? (01/03/2022)

>   Góc nhìn 01/03: Xu hướng tăng dài hạn vẫn được duy trì? (28/02/2022)

>   VNDirect: Điều chỉnh là cơ hội gia tăng cổ phiếu (28/02/2022)

>   Tiềm năng nào ở ACV, DPR, VGI? (28/02/2022)

>   Góc nhìn tuần 28/02-04/03/2022: Sớm chinh phục lại đỉnh cũ? (27/02/2022)

>   Góc nhìn 25/02: Rung lắc? (24/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật