Thứ Hai, 07/03/2022 10:10

Khi cổ phiếu chạy theo thị trường hàng hóa

Xung đột Nga - Ukraine khiến cổ phiếu của một số nhóm ngành tăng mạnh. Sự tăng giá đột ngột này có được là nhờ hưởng lợi trong nhất thời nhưng về dài hạn thì đầy rủi ro...

Khi cổ phiếu chạy theo thị trường hàng hóa

Khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến cho thị trường hàng hóa (commodity) trên thế giới tăng mạnh ở những mặt hàng được xuất khẩu nhiều từ 2 quốc gia này.

Khi giá hàng hóa tăng, chỉ có cổ phiếu của những doanh nghiệp khai thác, sản xuất là được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất. Nhưng khi giá của một số loại loại hàng hóa quan trọng như dầu mỏ duy trì ở mức cao một thời gian dài thì đó lại là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Vì lẽ đó, nên nhìn nhận việc tăng giá mạnh của một số cổ phiếu lúc này như thế nào?

Không phải lúc nào cũng là nhân - quả và tuyến tính

Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, chỉ số giá của nhóm ngành hỗ trợ khai khoáng và sản xuất hóa chất như nhảy dựng lên.

Đối với ngành hỗ trợ khai khoáng, chi phối toàn bộ là nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu với chữ cái P với những cái tên như PVC, PVB, PVS. Chỉ trong vòng 1 tuần mà cổ phiếu PVC đã tăng gần 80%.

TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và  AVSE Global

Ngành sản xuất hóa chất tăng hoàn toàn do nhóm cổ phiếu bắt đầu bằng chữ cái D, với những cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón như DPM, DCM, và DDV.

Mặc dù tăng ít hơn nhóm dầu khí nhưng mức tăng 30-40% trong vòng 1 tuần cũng là rất đáng kể.   

Nhưng khủng hoảng Nga-Ukraine có đủ sức thuyết phục cho sự tăng giá mạnh này?

Khi giá dầu mỏ tăng mạnh, các công ty khai thác được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất và do đó cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng tương ứng cũng là chuyện bình thường. Nhưng đối với các doanh nghiệp hỗ trợ hay dịch vụ trong ngành thì một mức tăng tuyến tính là điều rất khó xảy ra.

Đơn giản là vì các hợp đồng cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đã được ký từ trước cho nên không thể nói giá dầu tăng thì giá theo hợp đồng được điều chỉnh tăng ngay lập tức. Ngoài ra, giá dầu thô WTI từ khi xung đột xảy ra đến lúc cao nhất gần đây tăng khoảng 26%, và cổ phiếu của một tập đoàn khai thác dầu như Occidental Petroleum Corp (OXY) tăng khoảng 40% thì mức tăng cao hơn ở các doanh nghiệp hỗ trợ là một điều khiến cho chúng ta phải suy nghĩ.

Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với nhóm cổ phiếu phân bón. Chỉ số giá thị trường phân bón thế giới đạt đỉnh và đã giảm từ cuối năm 2021 cho đến đầu tháng 2/2022, với mức giảm ở chỉ số phân bón thị trường Bắc Mỹ là gần 40%. Khi bắt đầu tăng trở lại thì tốc độ tăng cũng vừa phải, và ngay khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra thì chỉ số này cũng chỉ tăng có 10%.

Mặc dù nguồn cung phân bón của thế giới lúc này bị hạn chế từ phía Nga và Trung Quốc, và Việt Nam là một nước nhập khẩu ròng nhưng việc giá phân bón tăng không có nghĩa là giá cổ phiếu của các doanh nghiệp phân bón phải tăng mạnh hơn mức độ tăng giá của hàng hóa.

Tăng đột ngột trong ngắn hạn và rủi ro trong dài hạn

Giá của một số loại hàng hóa thường tăng đột ngột khi có các xung đột về địa chính trị xảy ra, như là dầu hỏa hay các nguyên liệu thô. Nhưng các xung đột này thường không kéo dài mà các bên sẽ sớm tìm ra được một giải pháp thỏa hiệp. Vì lẽ đó, mức giá của hàng hóa cũng sớm trở lại ở mốc trước khi khủng hoảng xảy ra.

Tuy nhiên, dầu hỏa là một loại hàng hóa đặc biệt mà nếu sau khi tăng đột ngột, mức giá tiếp tục duy trì trong nhiều tháng liền thì sẽ là một rủi ro lớn của các nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Bởi vì dầu hỏa là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động kinh tế, giá dầu tăng sẽ kích hoạt lạm phát, và để kiềm chế lạm phát thì các chính sách sẽ khiến cho kinh tế chậm lại.

Đến lúc này, tình hình Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhưng rất nhiều người mong rằng các bên sẽ tìm được tiếng nói chung để thị trường hàng hóa có thể hạ nhiệt, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng, lúa mì, và khoáng sản kim loại.

Với nhóm cổ phiếu phân bón và hỗ trợ khai khoáng, hiện nay 2 nhóm này vẫn đang có sức mạnh giá cao nhất, theo đánh giá của Wichart. Tuy nhiên, mức độ tăng giá những ngày vừa qua đã khiến cho những cổ phiếu này đặt chân vào vùng rủi ro: lợi nhuận đã vượt kỳ vọng của những nhà đầu tư cũ và khả năng cao thị trường hàng hóa sẽ vào giai đoạn hạ nhiệt.

Trong trường hợp căng thẳng tiếp tục kéo dài và giá thị trường hàng hóa tiếp tục trì ở mức cao, thì lạm phát ở nhiều nền kinh tế sẽ như thêm dầu vào lửa, khi đó nền kinh tế phải buộc chậm lại, và thị trường chứng khoán nói chung sẽ sụt giảm.

Lịch sử thị trường chứng khoán đã cho thấy khi giá dầu, giá thị trường hàng hóa tăng thì đó là nguy nhiều hơn cơ. Trong ngắn hạn thì những cú tăng đột ngột cũng thường đi kèm với những cú giảm đột ngột. Chính vì vậy với các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, cần hết sức thận trọng với những cổ phiếu có biên độ dao động lớn lúc này, đừng để bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá mà ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

TS. Võ Đình Trí 

VnEconomy

Các tin tức khác

>   SSI Research: Vùng 1,470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng (05/03/2022)

>   Góc nhìn tuần 07-11/03: Tích lũy trong vùng 1,480-1,510 điểm? (06/03/2022)

>   VN-Index: Bò hay gấu? (09/03/2022)

>   Mirae Asset: Thị trường vẫn giữ xu hướng tăng trong năm 2022 (04/03/2022)

>   Chứng khoán tháng 3 trước nỗi lo lạm phát (07/03/2022)

>   Góc nhìn 04/03: Tiếp tục tăng điểm? (03/03/2022)

>   Góc nhìn 03/03: Giằng co quanh vùng 1,480 điểm? (02/03/2022)

>   CEO Passion Investment: Chứng khoán Việt Nam thường điều chỉnh trễ hơn thế giới 1 - 2 tháng (02/03/2022)

>   Những nhóm ngành nào chịu tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine? (02/03/2022)

>   Góc nhìn 02/03: Tiếp tục tích lũy quanh ngưỡng tâm lý 1,500? (01/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật