Giá cước leo thang khiến doanh nghiệp thủy sản hụt hơi trong quý 2
Mặc dù lượng hàng xuất khẩu được cải thiện, doanh thu ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên, chi phí vận chuyển cũng như cước tàu tăng phi mã khiến loạt doanh nghiệp thủy sản tiếp tục chật vật trong quý 2.
Theo VASEP, sự hồi phục nhu cầu tại 2 thị trường lớn Mỹ, EU và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng tăng mạnh, đã mang lại kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trên 4.1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 865 triệu USD.
Xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1.7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng 45-46%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, Đức 60%, sang Anh tăng 15%.
Xuất khẩu cá tra sau khi tăng mạnh 39% trong tháng 5, tiếp tục tăng 35% trong tháng 6 đạt trên 150 triệu USD. Kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, trừ việc thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu liên quan đến tình hình Covid-19 làm ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu, song, kết quả xuất khẩu khả quan sang các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm nay, cho thấy đích xuất khẩu 8.8-9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi với thuỷ sản Việt Nam.
Điểm cần lưu ý là giá cước vận tải tăng phi mã do thiếu hụt container rỗng khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Nhiều đơn hàng doanh nghiệp đã xuất ra sản phẩm nhưng không xuất đi được khiến phí lưu kho, lưu bãi tăng cao. Ngoài ra, nếu không xuất đúng hạn, doanh nghiệp còn phải chịu các khoản phạt. Do đó, chi phí vận tải đang là vấn đề nhức nhối, nan giải đối với nhóm ngành thủy sản.
Điều này được thể hiện rõ qua bức tranh cận cảnh kinh doanh quý 2 của nhóm doanh nghiệp thủy sản niêm yết.
Doanh nghiệp thủy sản báo lãi ròng giảm và lỗ trong quý 2. Đvt: Tỷ đồng
|
Giá nguyên liệu cao kết hợp với chi phí vận chuyển quốc tế tăng vọt khiến CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) báo lãi quý 2 giảm tốc so với cùng kỳ, xuống còn 86 tỷ đồng. Khép lại nửa đầu năm 2021, ASM ghi nhận doanh thu thuần gần 6,257 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lãi ròng giảm 26%, xuống còn 200 tỷ đồng. Trong đó, thức ăn cho cá chiếm 38% tổng doanh thu, thương mại chiếm 28%, cá xuất khẩu chiếm 20%, bất động sản chiếm 6%, còn lại đến từ điện năng lượng mặt trời, xây dựng và doanh thu cung cấp dịch vụ.
Chi phí vận chuyển leo thang cũng là vấn đề nhức nhối với CTCP Nam Việt (HOSE: ANV). Mặc dù ghi nhận doanh thu tăng nhưng do chi phí vận chuyển và cước tàu tăng cao khiến lãi ròng quý 2 giảm 26%, xuống còn 24 tỷ đồng. Đây cũng là quý báo lãi thấp nhất trong hơn 4 năm trở lại đây kể từ quý 1/2017.
Kết quả kinh doanh của ANV qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Cùng lý do, CTCP Camimex Group (HOSE: CMX) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ngược chiều với doanh thu thuần tăng 68% so với cùng kỳ, đạt 718 tỷ đồng trong khi lãi ròng giảm 7%.
Còn CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex BenTre, HOSE: ABT) là đơn vị có lãi ròng quý 2/2021 giảm mạnh nhất trong nhóm doanh nghiệp thủy sản, với mức giảm 89% so với cùng kỳ, ghi nhận vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến CTCP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) gặp nhiều khó khăn từ khâu nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, làm cho doanh thu giảm đáng kể. Điều này đã làm doanh nghiệp rơi vào thua lỗ gần 5 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 6 tháng lên hơn 10 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ cao nhất trong nhóm doanh nghiệp thủy sản.
Không chỉ chịu tác động từ cước tàu tăng cao, giá bán ở mức thấp đã “hạ gục” lợi nhuận của CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2021. Trong quý 2, doanh thu thuần ghi nhận tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này phải chịu lỗ gộp 817 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.2 tỷ đồng. Kết quả, AAM báo lỗ hơn 3 tỷ đồng, và đây cũng là quý thứ 5 lỗ liên tiếp .
Tương tự, CTCP Thủy sản Số 4 (HOSE: TS4) cũng ghi nhận lỗ hơn 2.7 tỷ đồng trong quý 2, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/06/2021 lên hơn 139 tỷ đồng. Thua lỗ liên tiếp trong vòng hai năm 2019 và 2020 (lợi nhuận sau thuế âm 9.4 tỷ đồng và âm 144.3 tỷ đồng) là nguyên nhân đẩy cổ phiếu TS4 vào diện kiểm soát kể từ ngày 13/07/2021. Nếu không bật cơ chế thoát lỗ trong năm 2021, doanh nghiệp thủy sản này đành phải cuốn gói nói lời chào tạm biệt với sàn HOSE.
Đáng chú ý, TS4 đang “cõng nợ vay” khá lớn trong khi tình hình kinh doanh đang yếu kém, đây chính là điều sẽ đẩy doanh nghiệp gặp khá nhiều rủi ro. Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 ghi nhận gần 856 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn chủ sở hữu.
Điểm sáng toàn ngành
Dẫn đầu đà tăng là CTCP Kiên Hùng (HNX: KHS) với lãi ròng hơn 20 tỷ đồng, gấp 7.8 lần cùng kỳ. Doanh thu cũng tăng 20% so với cùng kỳ, đạt gần 311 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm đông lạnh chiếm 73% tổng doanh thu, bột cá chiếm 26%, còn lại đến từ phế liệu, khác. Theo giải trình của KHS, nguyên nhân là nhờ lãi Công ty mẹ tăng mạnh do khách hàng nhập khẩu hàng hóa của Công ty tại Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạm thời phục hồi và ổn định trở lại; chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá cả cạnh tranh để duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, Công ty con là Công ty TNHH Thủy sản Aoki chuyển từ lỗ sang lãi nhờ giá vốn giảm. Nhờ vậy, khép lại 6 tháng đầu năm, KHS đã thực hiện được 70% chỉ tiêu lợi nhuận 2021.
Doanh nghiệp thủy sản có lãi ròng tăng trưởng trong quý 2. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Liền sau đó là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) với doanh thu tăng 40%, đạt 339 tỷ đồng và lãi ròng hơn 11 tỷ đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ. Khép lại nửa đầu năm 2021, ACL ghi nhận doanh thu thuần tăng 39%, lên hơn 661 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm 91%, còn lại đến từ doanh thu bán phụ phẩm. Kết thúc 6 tháng, lãi ròng đạt gần 22 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Hay như CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) doanh thu thuần ghi nhận tăng 41%, đạt gần 2,343 tỷ đồng và lãi ròng tăng 16%, đạt gần 261 tỷ đồng. Theo giải trình của VHC, nguyên nhân là do giá vốn sản xuất giảm. Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm, mức tăng lãi ròng của VHC không đáng kể, chỉ tăng 4%, đạt 393 tỷ đồng do chi phí vận chuyển, lưu kho và loạt chi phí khác đồng loạt tăng đột biến đã kìm hãm đà tăng của lợi nhuận.
Xét về thị trường, trong tháng 6, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 77% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể nhờ nhu cầu nhà hàng và các ngành dịch vụ thực phẩm. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (giảm 25%) và Trung Quốc (giảm 12%) đồng loạt ghi nhận sự giảm tốc do nguy cơ tái xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta.
Việc tăng giá nguyên liệu so với cùng kỳ và ghi nhận hiệu quả từ thu hoạch tôm tự nuôi đã góp phần đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC). Kết thúc quý 2, FMC ghi nhận doanh thu thuần tăng 33%, lên gần 1,161 tỷ đồng và lãi ròng tăng 46%, đạt gần 76 tỷ đồng.
Nguyên liệu mua 6 tháng đầu năm đạt 13,634 tấn, thành phẩm chế biến đạt 10,423 tấn và sản lượng tiêu thụ đạt 8,553 tấn. Về tình hình nuôi tôm, FMC cho biết đang trong giai đoạn thu hoạch, sẽ dứt điểm vào nửa cuối tháng 7, sau đó sẽ tiến hành thả nuôi vụ 2.
Về triển vọng nửa cuối năm 2021, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch FMC chia sẻ: “Nguồn cầu có tăng do ở Hoa Kỳ và EU đã từng bước đẩy lùi Covid-19, người dân đã có thể đến các điểm vui chơi. Nguồn cung lại có xu thế không tăng do Ấn Độ đang bị Covid-19 nặng, Việt Nam thì nuôi tôm tốt. Cho nên xu thế tới đây tôm dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, giá tiêu thụ chỉ cải thiện nhẹ do khả năng tiền túi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá tôm đang tốt dự báo sẽ giúp người nuôi tôm an tâm thả nuôi vụ 2. Qua đó, các cơ sở chế biến đảm bảo nguồn nguyên liệu để thêm các đơn hàng xuất khẩu và năm nay, ngành tôm sẽ cán mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu”.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 89/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan để báo cáo các khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy chế biến thuỷ sản và một số đề xuất, kiến nghị phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn "3 tại chỗ".
Theo VASEP, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài…
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
Từ những khó khăn thực tế kể trên của các DN thủy sản, cùng với cơ hội sản xuất-xuất khẩu thủy sản mà Việt Nam đang có và kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang vừa qua, VASEP có một số nhận định và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản như sau:
Về trước mắt: Tiêm vắc-xin và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới. Hiệp hội tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc-xin. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế & những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp - thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, XK thủy sản nói riêng), trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.
Về thời gian tới và trong dài hạn: Ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài. Hiệp hội VASEP xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau trong tiếp cận này:
(1) Bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “Y tế tại chỗ”: Thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa DN và CDC, các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
(2) Hướng dẫn thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” theo tiếp cận là Công nhân đã được chích vắc-xin và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc.
(3) Hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn.
(4) Hỗ trợ doanh nghiệp như có chính sách ưu tiên về giảm lãi suất ngân hàng, tiền điện, tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH-BHYT-TNLĐ cho DN, và đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế…
|
Tiên Tiên
FILI
|