Thứ Ba, 01/06/2021 13:50

Sức mạnh kiểm soát giá nguyên vật liệu của Trung Quốc không còn lớn như trước?

Nỗ lực của Trung Quốc kiềm chế cơn sốt giá nguyên vật liệu thô có thể không mang lại kết quả như Bắc Kinh mong muốn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Nỗ lực của Trung Quốc kiềm chế cơn sốt giá nguyên vật liệu thô có thể không mang lại kết quả như Bắc Kinh mong muốn, vì nước này đã không còn khả năng kiểm soát thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu như trước kia – hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của hai ngân hàng ở Phố Wall cho hay.

Ông Jeff Currie – trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá cơ bản toàn cầu của Goldman Sachs – nói rằng việc giá nguyên vật liệu thô bớt nóng sau cảnh báo của Trung Quốc “rõ ràng là một cơ hội để mua vào”.

Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu nguyên vật liệu thô tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đồng nghĩa Trung Quốc giờ đây không còn là người mua giữ quyền quyết định giá cả nữa – theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg, ông Ed Morse – trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường nguyên vật liệu thô toàn cầu tại Citigroup – cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Ông Morse nói rằng cho dù Trung Quốc gần đây có nhiều nỗ lực kiểm soát giá vật tư, cán cân cung-cầu trên thực tế mới là nhân tố quyết định giá cả của những mặt hàng này.

Là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới nhiều loại nguyên vật liệu thô, Trung Quốc – vì mối lo lạm phát và rủi ro chệch hướng tăng trưởng kinh tế - đã đưa ra loạt cảnh báo để hạ nhiệt cơn sốt giá vật tư thời gian gần đây. Nhà chức trách tuyên bố sẽ xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, găm hàng, thổi giá vật tư.

Nỗ lực của Trung Quốc đã mang lại một số kết quả: giá quặng sắt ở nước này đã giảm hơn 20% từ hôm 12/5. Tuy nhiên, giá các vật tư khác khó quản lý hơn. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index, một thước đo giá nguyên vật liệu thô, chỉ giảm khoảng 1% trong cùng khoảng thời gian.

Thậm chí, ông Jeff Currie – Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá cơ bản toàn cầu của Goldman Sachs – nói rằng việc giá nguyên vật liệu thô bớt nóng sau cảnh báo của Trung Quốc “rõ ràng là một cơ hội để mua vào”, vì những vật tư như đồng và đậu tương vẫn đang rộng cửa tăng do nguồn cung thắt chặt.

Theo báo cáo của Goldman Sachs, Bắc Kinh đang làm điều tương tự như những gì mà Washington làm vào giữa những năm 2000. “Khi các nhà bình luận không hiểu được yếu tố nào đang chi phối sự dịch chuyển của giá cả, họ đều cho đó là kết quả của đầu cơ. Điều này rất phổ biến trong lịch sử, và chẳng bao giờ giải quyết được sự thắt chặt mang tính nền tảng”, báo cáo viết.

Freeport-McMoRan Inc., công ty khai mỏ đồng niêm yết đại chúng lớn nhất thế giới, nói rằng sự khan hiếm đồng sẽ làm thất bại bất kỳ nỗ lực giảm giá đồng nào.

“Trong ngắn hạn, các động thái có thể gây ảnh hưởng, hoạt động giao dịch có thể bị ảnh hưởng”, CEO Richard Adkerson của Freeport-McMoRan nói với Bloomberg. “Nhưng thị trường đồng hiện nay đang rất mạnh. Về nhu cầu, chúng tôi có những nguồn cầu mới. Và sự khan hiếm nguồn cung thực sự là một nhân tố trên thị trường”.

Sự đặt cược và nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá đồng lên mức kỷ lục vào thời điểm các nền kinh tế lớn của thế giới vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất trong đại dịch Covid-19. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển sang năng lượng tái sinh mở ra một nguồn cầu khổng lồ về kim loại đồng dùng cho dẫn điện.

“Có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường hàng hoá cơ bản không còn lấy Trung Quốc làm tâm điểm nữa” - Goldman Sachs.

“Rất khó để tìm ra một hàng hoá cơ bản khác có sự hỗ trợ lớn từ sự thiếu hụt nguồn cung như đồng”, ông Adkerson phát biểu. “Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới về nhu cầu đồng, không còn phụ thuộc chính vào tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc như trước, mà phụ thuộc nhiều vào các nguồn cầu ngoài Trung Quốc”.

“Có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường hàng hoá cơ bản không còn lấy Trung Quốc làm tâm điểm nữa”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết. Lý do chính được đề cập: sức mạnh lớn hơn của Mỹ trên thị trường nguyên vật liệu thô toàn cầu do kế hoạch kích cầu khổng lồ của Washington.

Ngoài ra, còn có những yếu tố mang tính cơ cấu khác, như Trung Quốc không còn hưởng lợi từ chi phí lao động thấp như trước kia và Chính phủ nước này cũng không còn thờ ơ với các vấn đề về môi trường. Tất cả những yếu tố này đều tạo ra một sự thay đổi mang tính hình mẫu về ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường nguyên vật liệu thô toàn cầu.

An Huy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong 32 năm, xuất khẩu chip và xe hơi tăng vọt (01/06/2021)

>   Sự phục hồi sẽ còn tiếp tục? (05/06/2021)

>   Chuỗi cung ứng Trung Quốc dưới áp lực khổng lồ của chi phí nguyên vật liệu (31/05/2021)

>   Kế hoạch ngân sách 6 nghìn tỷ USD của ông Biden: “Tiền đang rẻ, cứ tiêu đi!” (31/05/2021)

>   Nikkei: Việt Nam và Đài Loan gấp rút bảo vệ chuỗi cung ứng (31/05/2021)

>   Eurostat: Thương mại của EU trở lại gần mức trước đại dịch COVID-19 (30/05/2021)

>   Mỗi ngày có thêm 7.000-8.000 ca COVID-19 mới, Malaysia phong toả toàn quốc (29/05/2021)

>   Các nền kinh tế APEC dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2021 (28/05/2021)

>   Trung Quốc giữa bão giá nguyên liệu: Càng làm càng lỗ (27/05/2021)

>   Vì sao thế giới sắp rơi vào tình trạng thiếu cung kéo dài? (27/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật