Thứ Hai, 31/05/2021 10:11

Nikkei: Việt Nam và Đài Loan gấp rút bảo vệ chuỗi cung ứng

Sự tái bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam và Đài Loan – hai trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất châu Á – đang phủ bóng đen lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu chip chưa từng có.

Đài Loan là thị trường cung cấp chip cao cấp quan trọng – vốn được sử dụng trong nhiều thiết bị như xe hơi, điện thoại thông minh, máy chủ, máy chơi game. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu thiết bị điện tử lớn, sản xuất hơn 50% điện thoại thông minh của Samsung, cũng như tai nghe AirPods và một số sản phẩm của Apple.

Tình hình bỗng trở nên căng thẳng khi chỉ trong một tháng. Từ 14-26/05, Đài Loan ghi nhận 4,798 ca nhiễm trong nước, tăng gấp 3 lần tổng số ca trước đó. Tại Việt Nam, tổng số ca nhiễm đã lên hơn 6,000 ca, buộc một số nhà máy tạm thời đóng cửa.

Với Đài Loan, việc bảo vệ ngành chip được xem là ưu tiên hàng đầu. Dù khuyến khích người dân làm việc tại nhà, nhưng Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua cho biết ngay cả khi Chính phủ nâng mức báo động về dịch bệnh Covid-19, cơ quan này vẫn cam kết chuỗi cung ứng quốc tế không bị gián đoạn.

"Đài Loan cung ứng nguồn chip bán dẫn, sản phẩm công nghệ và máy móc cho thế giới. Việc phải duy trì hoạt động sản xuất trong tình cảnh này thật sự rất quan trọng”, ông Wang cho biết trong cuộc họp báo ngày 29/05. “Các công ty cần phản ứng nhanh chóng nếu một công nhân trong dây chuyền nhiễm Covid-19".

Các doanh nghiệp như Foxconn đang cố gắng mua vắc-xin Covid-19 để duy trì hoạt động một cách suôn sẻ. Theo nguồn tin thân cận, kế hoạch của các doanh nghiệp này là mua vắc-xin từ nhà cung ứng nước ngoài và dùng 10% cho nhân viên, còn lại sẽ quyên góp cho Chính phủ.

Kế hoạch trên được đưa ra sau khi xuất hiện trường hợp nhân viên dương tính ở các công ty công nghệ. Chẳng hạn như ông lớn sản xuất chip TSMC, Quanta Computer (nhà cung ứng MacBook và server trung tâm dữ liệu cho Google) và Compal Electronics (đơn vị sản xuất iPad và laptop Dell).

Advantech – công ty sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới – và Lite-On Technology – công ty cung cấp thiết bị sạc cho Apple, Oppo – cũng cho biết có một số nhân viên dương tính với Covid-19.

Những trường hợp dương tính Covid-19 này chưa ảnh hưởng đến việc sản xuất, nhưng tình trạng ca nhiễm tăng vọt tại Đài Loan dấy lên những lo ngại về việc liệu các nhà máy lớn có thể tiếp tuc hoạt động bình thường hay không. Điều này còn diễn ra ngay khi thế giới đang vật lộn với tình trạng thiếu chip và linh kiện công nghệ quan trọng khác.

“Tôi lo rằng tăng trưởng kinh tế Đài Loan sẽ bị tác động nếu không kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và tiêm vắc-xin cho người dân kịp thời”, một giám đốc tại công ty cung ứng cho Apple nói với Nikkei Asia.

Cách đó rất xa, Việt Nam cũng đang gấp rút bảo vệ lĩnh vực sản xuất thiết bị của chính mình.

Vị trí địa lý gần với Trung Quốc đã giúp Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ lớn, cung ứng cho nhiều công ty như Samsung, Apple, Sharp và LG. Hãng chip Intel của Mỹ cũng đặt dây chuyền lắp ráp, thử nghiệm chip tại Việt Nam, đồng thời hàng loạt công ty cung ứng cho Apple cũng thiết lập nhà máy ở đất nước hình chữ S trong làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc.

Lúc đầu, Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và nhờ đó, các hãng công nghệ đảm bảo kế hoạch ra mắt sản phẩm mới khi thế giới đang trong trạng thái phong tỏa. Trong cả năm 2020, nền kinh tế đang lên này ghi nhận khoảng 1,500 ca nhiễm và 35 ca tử vong.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 4. Kể từ ngày 27/04, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày kỷ lục. Điều này ảnh hưởng tới nhà máy sản xuất của ít nhất 10 thương hiệu nước ngoài. Foxconn, Luxshare - 2 nhà cung ứng của Canon, Apple – và 13 nhà cung ứng cho Samsung, bao gồm Hosiden đã phải tạm dừng hoạt động nhà máy.

Xét tới tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện tử trong nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam muốn giữ chuỗi cung ứng hoạt động suôn sẻ. Các cơ quan chính quyền tại Bắc Giang đã ra ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm rất ít, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, trung bình hoạt động trở lại như Apple, Samsung, Honda, Toyota và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Samsung nằm ở cả Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngày 29/05, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Samsung tiếp tục tuân thủ các quy định, giải pháp về phòng chống dịch để tiếp tục sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   'ACV không được thu phí xe vào sân bay vì bất cứ lý do gì' (31/05/2021)

>   Đường lậu vẫn tung hoành trên thị trường Việt Nam (31/05/2021)

>   Ai sẽ lên ngôi 'vua' trong cuộc đại chiến cà phê tỷ đô? (30/05/2021)

>   Bông sợi và lao động cưỡng bức: Cảnh báo cho hàng dệt may Việt Nam (30/05/2021)

>   Sở hữu kỳ nghỉ 'kiểu mới' và... rủi ro mới (30/05/2021)

>   Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn: nhiều nhà thầu có thể bị đưa vào 'danh sách đen' (30/05/2021)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo dập dịch ở Bắc Giang (29/05/2021)

>   Thời điểm quyết định, ô tô chạy dầu nguy cơ đồng loạt tăng giá (29/05/2021)

>   Gần 56 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 tháng đầu năm (29/05/2021)

>   Mua sắm online cứu nguy ngành bán lẻ (29/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật