Sự phục hồi sẽ còn tiếp tục?
Mặc dù các chỉ báo kinh tế vĩ mô gần đây làm dấy lên những lo ngại về triển vọng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu (do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 gây ra), chúng ta vẫn có nhiều lý do để lạc quan. Tuy nhiên, quá trình phục hồi này sẽ phụ thuộc vào cách quản lý rủi ro của các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế lớn.
* Bài viết thể hiện quan điểm của JIM O'NEILL
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi nền kinh tế
Kể từ mùa xuân năm ngoái, tôi đã biết rõ rằng kinh tế sẽ có sự phục hồi nhanh chóng và đáng kể sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra, bắt nguồn từ việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ ở các quốc gia phương Tây bên cạnh sự kỳ vọng vào các loại vắc xin hiệu quả nhiều khả năng sẽ được ra mắt trong tương lai gần. Và khi các bằng chứng khoa học ủng hộ các loại vắc xin mới được phê duyệt (đặc biệt là vào đầu năm nay), kết quả là khả năng phục hồi kinh tế đã tăng lên đáng kể.
Như tôi đã lưu ý trước đây, tất cả các chỉ số về kinh tế vĩ mô được tin dùng rộng rãi đều cho thấy sự phục hồi đang diễn ra. Bắt đầu từ Trung Quốc và sau đó trở nên rõ ràng hơn tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh; tiếp theo là hầu hết các quốc gia trong khối Châu Âu. Dữ liệu thương mại hàng tháng mới nhất của Hàn Quốc (được công bố vào đầu tháng 05/2021) càng củng cố thêm cho xu hướng này, cho thấy mức tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất trong ít nhất một thập kỷ. Mặc dù kết quả ấn tượng trên có được phần lớn do sự ảm đạm của nền kinh tế trong tháng 4/2020 nhưng nó vẫn khẳng định rằng thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ.
Gần đây, báo cáo việc làm và chỉ số PMI tháng 04/2021 đều không đạt được như kỳ vọng. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích thuộc bên bán vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng kỳ vọng GDP năm 2021. Vậy điều gì có thể xảy ra trong tương lai gần?
Một yếu tố quan trọng định hình quá trình hồi phục đến từ những quốc gia mà Covid-19 vẫn đang hoành hành. Nhiều nền kinh tế đang phát triển vẫn đang phải chịu nhiều sức ép từ tình hình bệnh dịch phức tạp. Ấn Độ hiện đang là đại điện điển hình cho vấn đề trên và còn nhiều quốc gia khác cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Tất cả mọi người đều có thể thấy rõ rằng ngay cả những quốc gia đi đầu trong việc triển khai vắc xin chẳng hạn như quốc gia của tôi, nước Anh sẽ không thể kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh cho đến khi toàn bộ dân số thế giới đều được tiêm chủng. Chúng ta đã thấy cách mà Úc và New Zealand kiểm soát tốt dịch bệnh (ngay cả khi chưa có vắc xin). Tuy nhiên, cách tiếp cận này đòi hỏi các quốc gia phải tạm dừng giao thương với phần còn lại của thế giới, nhưng một chiến lược như vậy không thể được duy trì mãi mãi.
Trong khi đó, tại Anh, sự xuất hiện của một biến thể mới (B.1.617.2) được cho là xuất phát từ Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa với việc là trong vài tuần tới chúng ta sẽ nhận được báo cáo về kết quả của vắc xin AstraZeneca và Pfizer trong việc chống lại các biến thể vi rút mới. Với nhiều biến thể vi rút mới xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, quá trình nghiên cứu sự hiệu quả của vắc xin hiện tại với các biến thể này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm.
Trước những diễn biến trên, sự phục hồi khó có thể diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng dựa vào các kết quả sơ bộ cho thấy vắc xin trên thị trường vẫn duy trì hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, việc phân phối vắc xin đến những quốc gia thu nhập thấp trên thế giới dường như đã sẵn sàng để đẩy nhanh tốc độ ngay trong nửa cuối năm nay.
Nguồn: Business Today
Bán tháng 5 và canh mua vào tháng 9
Bên cạnh sự tiến hóa không ngừng của vi rút, một rủi ro khác ngày càng tăng lên liên quan đến các chính sách tài chính. Câu châm ngôn đầu tư “Sell in May and go away” đã trở nên phổ biến do quan ngại về lạm phát, đây cũng là mặt trái của sự phục hồi kinh tế. Tại Mỹ, chỉ số CPI trong tháng 4 đã tăng 4.2% so với cùng kỳ gây ra tâm lý lo sợ trên thị trường.
Trước những quan ngại trên, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đồng loạt phát biểu rằng sự tăng giá này chỉ là tạm thời, điều này cho thấy rằng họ rất thận trọng trước bất kỳ thay đổi nào trong chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không tin rằng Fed đang dự báo đúng tình hình lạm phát trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Họ tin rằng Fed sẽ không tiếp tục theo đuổi chính sách chính sách tiền tệ nới lỏng trong tương lai gần.
Liệu những lo lắng như vậy có thật sự chính đáng? Câu trả lời có thể được tìm thấy ở một chỉ số khác mà tôi tin dùng: Khảo sát Kỳ vọng Lạm phát 5 năm của Đại học Michigan (University of Michigan Inflation Expectations Survey). Bản thân các quan chức Fed cũng thường trích dẫn chỉ số này vì nó từ lâu đã có xu hướng ổn định hơn các chỉ số khác. Đáng chú ý, chỉ số đã bắt đầu tăng trong thời gian gần đây. Nếu chỉ số này duy trì ổn định trên 3% hoặc tăng mạnh hơn nữa thì tôi nghĩ rằng Fed có lẽ sẽ bắt đầu thay đổi các chính sách của mình.
Ngoài hai yếu tố ngắn hạn trên, vẫn còn những vấn đề khác mang tính chất hệ thống có thể ảnh hưởng đến “chất lượng” của quá trình phục hồi. Đặc biệt, nếu việc lựa chọn chính sách sai lầm có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ lạm phát. Cụ thể hơn, ở nhiều quốc gia phương Tây, phần lớn đồng tình rằng bất bình đẳng về thu nhập và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội là vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải chịu áp lực trong việc thiết kế các chính sách tái phân phối để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Tuy nhiên, những chính sách trên sẽ cần được thiết kế phù hợp để vừa giải quyết vấn đề trên, vừa cải thiện năng suất của nền kinh tế. Nếu không đạt được điều đó, họ sẽ gây thêm nhiều bất ổn trên thị trường tài chính, nơi vốn dĩ đã có những hoài nghi nhất định về sự hiệu quả trong chính sách chi tiêu của chính phủ.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trên cả thị trưởng cổ phiếu lẫn trái phiếu kể từ mùa xuân năm 2020, những biến động mạnh về giá trên cả hai thị trường trong thời gian gần đây cũng là điều dễ hiểu. Với những nhà đầu tư theo cách tiếp cận rút vốn khỏi thị trường trong tháng 5, họ thông thường sẽ quay trở lại thị trường vào tháng 9. Theo họ, thời điểm tháng 9 sẽ là thời điểm mà thị trường bắt đầu bình tĩnh trở lại và cơ hội mua sẽ xuất hiện.
Giới thiệu về tác giả JIM O'NEILL
Jim có bằng Cử nhân và Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Sheffield và bằng Tiến sĩ tại Đại học Surrey. Ông cũng có bằng danh dự của Đại học London, cho hoạt động từ thiện giáo dục của mình và Đại học Sheffield để ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Từ năm 1995 đến năm 2013, Jim O’Neill làm việc cho Goldman Sachs với chức vụ Kinh tế trưởng. Ông chủ trì Ủy ban Tăng trưởng Thành phố ở Vương quốc Anh cho đến tháng 10/2014. Ông cũng từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính của Vương quốc Anh.
Jim là Chủ tịch danh dự ngành Kinh tế tại Đại học Manchester. Ông là một trong những nha2 sáng lập của Tổ chức từ thiện giáo dục Vương Quốc Anh, SHINE và nằm trong hội đồng quản trị của “Teach for All” và một số tổ chức từ thiện khác chuyên về giáo dục.
Nguồn: MFL Global
Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)
FILI
|