Thứ Năm, 27/05/2021 14:11

Vì sao thế giới sắp rơi vào tình trạng thiếu cung kéo dài?

Nhà máy sản xuất chụp đèn thủy tinh của ông Eric Li đang hoạt động quá công suất với doanh số gấp đôi so với mức trước dịch. Vậy mà ông không hề có ý định mở rộng hoạt động sản xuất.

Nhà máy của Huizhou Baizhan Glass ở Quảng Đông. Nguồn: Bloomberg

Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cũng có bước đi tương tự với Li. Điều này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, đồng thời kéo dài tình trạng thiếu cung hàng hóa hiện nay trên thế giới ngay khi nhu cầu gia tăng.

Đà tăng mạnh của giá nguyên vật liệu thô sẽ “bóp nghẹt biên lợi nhuận”, ông Li – chủ sở hữu Huizhou Baizhan Glass ở tỉnh Quảng Đông – lý giải. Công ty có doanh thu hàng năm khoảng 30 triệu USD.

Trong bối cảnh đà hồi phục kinh tế toàn cầu diễn ra không đồng đều, “tương lai rất bất ổn, vì vậy chúng tôi không có động lực để mở rộng sản xuất”, ông nói thêm.

Giá nguyên liệu đầu vào cao hơn, mù mờ về triển vọng xuất khẩu và đà hồi phục yếu ớt của nhu cầu tiêu dùng nội địa đã kéo khoản đầu tư sản xuất Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm giảm 0.4% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu thống kê từ Chính phủ Trung Quốc (so với năm 2019 để loại bỏ tác động bóp méo của đại dịch trong năm 2020).

Vì quy mô khổng lồ của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc, tình trạng này gây rủi ro cho cả tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu – vốn đang chật vật với sự thiếu hụt cung hàng hóa và đà tăng giá.

Lợi nhuận suy giảm

Sự suy giảm về đầu tư có thể tác động “đáng kể” tới tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay, Li-gang Liu, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Citigroup, cho hay. Đầu tư suy giảm có thể kéo giảm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vốn (capital goods) và thiết bị từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Đức – “qua đó có thể kéo giảm đà hồi phục kinh tế nước này”, ông Liu nói.

AnHui HERO Electronic Sci & Tec nằm trong số những công ty đang hứng chịu tác động tiêu cực. Với trụ sở đặt tại An Huy, Công ty này sản xuất tụ điện dùng cho vi mạch điện tử và thị trường chính là nội địa. Nhà sáng lập Jing Yuan cho biết số lượng đơn hàng tăng tới 30% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại giảm 50% vì chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh và cũng không dễ chuyển chi phí sang khách hàng.

Công ty đang gánh “áp lực tiền mặt khổng lồ” vì họ cần phải thanh toán trước nửa tháng để đặt cọc nguồn cung kim loại đồng và các kim loại khác. Trong thời gian trước, họ có thể nhận hàng trước và trả tiền sau, ông nói. “Chính phủ buộc phải can thiệp để giải quyết vấn đề hàng hóa”, ông nói.

“Ngành công nghiệp Trung Quốc đang hấp thụ áp lực giá đáng kể từ đà tăng giá hàng hóa – qua đó làm giảm tác động lạm phát cho phần còn lại của thế giới. Liệu tình trạng này có kéo dài? Phân tích về biên lãi gộp của chúng tôi cho thấy tình trạng này có thể kéo dài hơn: Biên lãi gộp của các ngành hạ nguồn vẫn dương (nhưng khá thấp) nên chỉ có thể chịu đựng thêm một khoảng thời gian”, David Qu, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Bloomberg Economics, cho hay.

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào sẽ khiến một số nhà sản xuất không thể sử dụng cơ sở hiện tại. Do đó, mở rộng cũng chẳng ích gì. Hãng sản xuất xe điện Trung Quốc Nio đã tạm ngưng một trong những nhà máy sản xuất trong tháng trước vì thiếu chip.

Trong báo cáo gửi tới khách hàng trong tháng này, Modern Casting – vốn sản xuất các sản phẩm sắt thép ở Quảng Đông – cho biết sẽ không thể đáp ứng đơn đặt hàng hiện tại vì giá nguyên vật liệu quá cao. Một nhân viên của Công ty đã xác nhận thông tin này, nhưng từ chối cho biết thêm.

Giai đoạn chuyển đổi tăng trưởng

Bên cạnh chi phí đầu vào cao hơn, các công ty Trung Quốc còn phải đối mặt với giai đoạn chuyển giao gập ghềnh hướng tới chi tiêu tiêu dùng nội địa để duy trì đà hồi phục hậu đại dịch.

Kim ngạch xuất khẩu – vốn là lực kéo chính của Trung Quốc trong năm 2020 – có thể bắt đầu chậm lại, khi quá trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 khiến người tiêu dùng ở các quốc gia giàu có chi tiêu cho dịch vụ trở lại. Trong khi đó, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Mong muốn đầu tư của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SME) Trung Quốc đang dưới mức của năm 2018-2019 – thời điểm sự bất ổn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hãm phanh kế hoạch mở rộng, theo một cuộc khảo sát 500 công ty Trung Quốc của Standard Chartered.

“Nhu cầu vẫn chủ yếu đến từ xuất khẩu, vì vậy các công ty nội địa đang nhận thức rằng xu hướng này không bền vững”, Lan Shen, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Standard Chartered, cho hay.

Mặc dù một số lĩnh vực phụ thuộc vào xuất khẩu đã hoạt động hết công suất, nhưng vẫn còn sự trì trệ nhất định đối với các nhà sản xuất nhắm đến người tiêu dùng Trung Quốc do nhu cầu trong nước giảm.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 4 đạt mức 4.3%, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tăng trưởng trước đại dịch (dù đã loại bỏ các tác động bóp méo từ đại dịch).

Tổng công suất tại các nhà sản xuất Trung Quốc đã giảm xuống 77.6% trong quý 1/2021, giảm từ mức 78.4% của quý 4/2020. Trong đó, lĩnh vực xe hơi bị tác động nặng nhất bởi tình trạng dư thừa công suất sau hơn 3 năm doanh số bán xe suy giảm.

Thậm chí với xe điện, hầu hết công ty đã gần xong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và giờ sẽ tập trung vào nâng cấp bổ sung. “Phần lớn khoản đầu tư đã thực hiện xong”, Jochen Siebert của JSC Automotive Consulting cho hay.

Trung Quốc yêu cầu các công ty Nhà nước mở rộng hoạt động trong năm 2020. Nhờ đó, các công ty Nhà nước tăng đầu tư 5.3% trong năm 2020 so với năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức tăng 1% của khoản đầu tư tư nhân. Thế nhưng, để đầu tư tăng trưởng bền vững, chính thị trường cần phải cảm thấy tự tin chứ không phải Nhà nước.

Carsten Holz, Chuyên gia về thống kê đầu tư Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, ước tính các công ty tư nhân chiếm 87% đầu tư sản xuất trong năm 2015 (năm gần nhất có dữ liệu về đầu tư). Họ đều rất nhạy cảm với chi phí đầu vào.

“Hiện nay các công ty đang lo ngại về đại dịch và hoạt động thương mại trong tương lai với chính quyền mới tại Mỹ. Cả hai yếu tố này đều tác động tiêu cực tới các khoản đầu tư dựa vào triển vọng tăng trưởng dài hạn”, Holz cho biết.

Định hướng chính sách

Tắc nghẽn vận tải cũng là một thách thức với các nhà sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Gordon Gao, người xuất khẩu các sản phẩm làm vườn từ Trung Quốc, cho biết ông đành phải từ chối 80% đơn hàng trong năm nay vì tình trạng tắc nghẽn vận tải. Trong một trường hợp cụ thể, một đơn hàng được đặt trước vào giữa tháng 2 nhưng chỉ có thể giao sau 3 tháng vì thiếu container.

Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện điều kiện đầu tư cho các công ty tư nhân bằng cách đưa ra biện pháp kìm hãm giá hàng hoá, đồng thời nới lỏng khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng rút dần các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ được đưa ra từ năm ngoái. Họ cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng không quá tham vọng trong năm nay, “trên 6%”. Các lãnh đạo Trung Quốc báo hiệu sẽ ưu tiên cải cách để kiểm soát giá nhà và tăng trưởng nợ.

“Lập trường chính sách chắc chắn đã không còn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, thay vào đó chuyển sang giảm bớt rủi ro trong lĩnh vực tài chính”, Adam Wolfe, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Absolute ở London, cho hay. “Rủi ro tác động tới tăng trưởng kinh tế đang gia tăng, nhất là với các lĩnh vực thâm dụng vốn và liên quan tới xây dựng”.

Đối với các nhà sản xuất như Li, sẽ cần một thời gian dài hơn để công ty kiểm soát giá đầu vào, đồng thời nhìn nhận chính xác về nhu cầu trong nước trước khi mở rộng sản xuất. Công ty với 200 nhân công của ông đã tuyển nhân viên rầm rộ giai đoạn trước đại dịch. Hiện tại, ông không có kế hoạch mở rộng.

"Tôi sẽ không làm điều đó thời điểm này. Tôi muốn thuê một số nhân công tạm thời và thuê ngoài phần còn lại", ông nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đưa nước Mỹ "hồi sinh" (27/05/2021)

>   Cơn bùng nổ giá cả hàng hóa lan sang ngành sữa (27/05/2021)

>   “Thất thế” trong cuộc đua vaccine ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế châu Á? (27/05/2021)

>   'Kinh tế châu Á sẽ phục hồi bất chấp việc dịch Covid-19 tái bùng phát' (26/05/2021)

>   Kinh tế Singapore tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 1 năm qua (25/05/2021)

>   WHO cảnh báo "virus chết chóc hơn SARS-CoV-2" có thể làm bùng đại dịch mới (25/05/2021)

>   Philippines dự định ‘trộn’ vắc xin Trung Quốc với vắc xin khác để tiêm ngừa Covid-19 cho dân (24/05/2021)

>   Trung Quốc siết tín dụng, “điềm gở” cho cơn sốt giá nguyên vật liệu toàn cầu? (24/05/2021)

>   Khủng hoảng chip ngày càng tồi tệ hơn, người mua phải chờ tới 17 tuần (23/05/2021)

>   Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành "trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu" (23/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật