“Thất thế” trong cuộc đua vaccine ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế châu Á?
Những hành động được đánh giá là có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào năm ngoái, hiện đã không còn phát huy tác dụng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Okayama, Nhật Bản, ngày 14/5/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
|
Làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 lần thứ tư ở Nhật Bản đã xuất hiện chỉ 10 tuần trước khi Thế vận hội Olympic mùa Hè được tổ chức tại Tokyo. Diễn biến của đại dịch hiện nay thu hút nhiều sự chú ý của dư luận về việc kiểm soát dịch bệnh của khu vực châu Á, từng được đánh giá là rất thành công trong năm 2020.
Bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review do hai nhà báo Emma Connor và Michael Smith chắp bút, nhận định những hành động được đánh giá là có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào năm ngoái, hiện đã không còn phát huy tác dụng.
Trong khi Mỹ và châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại, phần lớn các quốc gia châu Á đang thắt chặt phong tỏa. Các nhà kinh tế học vẫn chưa thay đổi dự báo rằng sự phục hồi toàn cầu sẽ do châu Á dẫn đầu, nhưng họ khuyến nghị tốc độ tiêm chủng ở khu vực này cần phải đẩy nhanh hơn.
Nhà kinh tế học về châu Á của Viện Kinh tế học Oxford tại Singapore, Sian Fenner, nói: “Nếu không có vaccine và với các biến thể mới của virus có thể xuất hiện thêm, chúng ta sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nữa. Điều đó sẽ làm tổn thương niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời gây ra tác động lâu dài hơn”.
Chuyên gia Fenner chỉ ra rằng ngành dịch vụ chiếm một phần lớn quy mô thị trường lao động. Khi bộ phận này của nền kinh tế buộc phải đóng cửa, sẽ có sự không hài hòa giữa kỹ năng của người lao động và tình trạng thiếu việc làm. Bà nói: “Đó là lý do vì sao chúng ta nói về vết sẹo kinh tế, có những yếu tố gây tác động tới năng suất lao động và nguồn lực”.
Số người được tiêm 1 liều vaccine ngừa COVID-19 chỉ chiếm chưa đến 4% dân số Nhật Bản, trong khi tỷ lệ ca nhiễm mới tại nước này có thời điểm lên tới 6.000 người/ngày trong vòng hai tuần qua. Số ca nhiễm mới tăng mạnh đang gây tổn thương cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Kinh tế của nước này trong quý I/2021 đã suy giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các nước láng giềng của Nhật Bản cũng đang khó khăn tương tự. Sau gần một năm duy trì tình trạng bình thường, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận hơn 300 người nhiễm COVID-19. Người dân Đài Loan vốn có thói quen đi ăn hàng quán và phủ kín các sân vận động trong các trận đấu thể thao, đã được yêu cầu phải đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài.
Hàn Quốc cũng chứng kiến hơn 600 ca mới mỗi ngày, chỉ trong vòng một tuần vừa qua. Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm tại Trung Quốc vẫn tương đối thấp, nhưng đất nước này hiện là một “pháo đài khép kín’.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, các nhà quan sát đã sẵn sàng hạ thấp các dự báo kinh tế. Các ca nhiễm mới dường như đã đạt đỉnh ở Ấn Độ, nhưng vẫn còn hơn 3 triệu ca bệnh đang phát tác. Thái Lan báo cáo con số 72.203 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng trước, cao hơn rất nhiều so với tổng số dưới 7.000 ca của cả năm ngoái.
Sự tương phản tại châu Âu và Mỹ là rất đáng chú ý. Mặc dù thành tích kiểm soát dịch của châu Á, bằng các biện pháp cách ly, đeo khẩu trang bắt buộc và truy vết những trường hợp tiếp xúc, là rất ấn tượng, nhưng các nước này đã tụt hậu so với phương Tây khi bước vào giai đoạn tiêm chủng cho công dân của mình.
Theo Đại học Johns Hopkins, chỉ có 3,9% người dân Nhật Bản đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 so với tỷ lệ 54% tại Anh và 46,9% tại Mỹ. Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc triển khai tiêm chủng trong tháng vừa qua, nhưng vẫn chỉ có khoảng 400 triệu người trong tổng số 1,4 tỷ dân của nước này đã được tiêm vaccine. Sự thiếu tin tưởng và những khó khăn trong mua sắm và hậu cần khiến cho việc triển khai vaccine ở Hong Kong, Indonesia, Malaysia và Philippines bị chậm trễ.
Điều này khiến những cộng đồng dân cư trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi các biến thể mới của virus hiện có khả năng lây lan cao hơn. Mục tiêu gấp rút ngăn chặn biến chủng virus “nhập khẩu” đã khiến nhiều quốc gia tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới. Tuy nhiên, tâm lý “pháo đài” này đang đe dọa sự dẫn đầu của châu Á trong công cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu.
Phó Giáo sư về an ninh sức khỏe tại Đại học Thành phố Hong Kong, Nicholas Thomas, nói: “Australia, New Zealand, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, và cả Hong Kong, Singapore đều có xu hướng đánh đồng thành công với việc diệt trừ virus. Vấn đề là định nghĩa như vậy không được tất cả các quốc gia áp dụng.”
Tiến sỹ Thomas lập luận các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với những thách thức trong việc mở cửa biên giới, vì người dân của họ chưa được chuẩn bị cho sự gián đoạn thường xuyên, khi các làn sóng lây nhiễm trong tương lai xảy ra. Ông nói: “Đó là yêu cầu tự động chấp nhận rủi ro lớn trong tương lai. Virus tồn tại càng lâu thì càng có nhiều cơ hội đột biến. Chúng ta đã chứng kiến một loại biến thể mới của Anh với tỷ lệ tử vong cao hơn".
Shiro Armstrong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia – Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết những đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất nhắc nhở về sự thiếu hợp tác giữa các cường quốc trên thế giới, vào thời điểm mà họ nên hợp tác với nhau. Vị chuyên gia này cho rằng cần chuẩn bị tốt hơn cho việc phát hành “hộ chiếu vaccine” giúp các biên giới có thể mở cửa trở lại.
Ông Shiro Armstrong khẳng định: “Những đợt bùng phát gần đây trên khắp Thái Lan, Đài Loan và Singapore là điều đáng tiếc và chúng là một lời nhắc nhở rằng chúng ta chưa vượt qua đại dịch. Những gì xảy ra ở Ấn Độ có thể nhanh chóng xảy ra ở bất kỳ nơi đâu tại Đông Nam Á và Nam Á, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ vaccine từ các nền kinh tế tiên tiến.
Karrthik Nachiappan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, khẳng định vaccine sẽ là chìa khóa để châu Á duy trì sự dẫn đầu trong cuộc đua hồi phục kinh tế. Ông nói: “Chìa khóa ở đây để tránh bị áp đặt thêm các biện pháp hạn chế, thậm chí có thể là phong tỏa, là vaccine và cần đảm bảo đủ nguồn cung vaccine để tiêm chủng nhiều hơn hoặc có chương trình vaccine kéo dài khoảng cách giữa các liều tiêm như Singapore đã thực hiện”.
Chuyên gia này cho rằng châu Á cần có nhiều hoạt động ngoại giao vaccine mạnh mẽ hơn, để mở rộng nguồn cung vaccine và thúc đẩy tiêm chủng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà đầu tư đều bi quan về diễn biến dịch bệnh tại châu Á trong tháng vừa qua. Nhiều người tin rằng khu vực này sẽ vẫn kết thúc năm 2021 tốt hơn so với châu Âu và Mỹ.
Nhà đồng sáng lập Công ty cổ phần và nghiên cứu vĩ mô J Capital, Tim Murray, nhận định: “Tôi nghĩ châu Á vẫn đang làm rất tốt. Họ đã quản lý dịch bệnh tốt, họ có kế hoạch cho các kịch bản này và họ cũng đã trải qua các đợt dịch bệnh tương tự trong suốt 10 năm qua. Họ biết cần phải làm gì và họ đã chuẩn bị sẵn sàng”.
Diệu Linh
BNews
|