Thứ Hai, 24/05/2021 10:19

Trung Quốc siết tín dụng, “điềm gở” cho cơn sốt giá nguyên vật liệu toàn cầu?

Trung Quốc là một trụ cột cho sự leo thang của giá nguyên vật liệu thô toàn cầu trong năm nay, nhưng trụ cột này có thể sắp lung lay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Bắc Kinh đã vực dậy nền kinh tế từ đại dịch Covid-19 thông qua sự mở rộng của tín dụng và cú bùng nổ của hoạt động xây dựng với hỗ trợ từ Chính phủ - tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu thô trên khắp hành tinh. Vốn đã là quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc chi 150 tỷ USD cho dầu thô, quặng sắt và quặng đồng trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 36 tỷ USD so với cùng kỳ. Điều này là do nhu cầu phục hồi mạnh và giá nguyên vật liệu bùng nổ.

Giữa lúc giá hàng hóa toàn cầu leo lên những tầm cao mới, các quan chức Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hạ nhiệt và kìm hãm hành vi đầu cơ đang thúc đẩy giá trên thị trường. Lo ngại về quả bong bóng tài sản ngày càng lớn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng đang siết dòng vốn chảy vào nền kinh tế kể từ năm 2020, nhưng siết dần dần để tránh phá hoại đà tăng trưởng. Cùng lúc đó, dòng vốn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Dữ liệu kinh tế cho tháng 4/2021 cho thấy rằng đà tăng trưởng kinh tế và tín dụng của Trung Quốc - tín dụng mới tính theo tỷ lệ phần trăm GDP - có thể đã đạt đỉnh, vì thế đà tăng rơi vào thế bấp bênh. Tác động rõ ràng nhất của việc Trung Quốc siết tín dụng sẽ thể hiện rõ ở những kim loại then chốt trong hoạt động bất động sản và cơ sở hạ tầng, bao gồm từ đồng và nhôm cho đến thép và cả nguyên liệu chính để sản xuất thép là quặng sắt.

“Tín dụng là lực kéo chính cho giá hàng hóa và chúng tôi cho rằng giá sẽ đạt đỉnh khi tín dụng đạt đỉnh”, Alison Li, Trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại cơ bản tại Mysteel ở Thượng Hải, cho biết. “Cái tôi nói đến là tín dụng toàn cầu, nhưng tín dụng của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong số đó, nhất là khi nói đến đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản”.

Nhưng tác động từ siết tín dụng của Trung Quốc có thể lan rộng ra khắp nơi, đe dọa sự phục hồi của giá dầu toàn cầu và thậm chí cả thị trường nông sản của Trung Quốc. Mặc dù việc thắt chặt cung tiền hơn trước đó không ngăn được nhiều kim loại đạt mức đáng kinh ngạc trong những tuần gần đây, nhưng mức giá cao ở một số kim loại như đồng đang “xua đuổi” người tiêu dùng.

Hao Zhou, Chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách các thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, cho biết: “Đà giảm tốc của tín dụng sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc. Cho đến nay, các khoản đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng vẫn chưa cho thấy sự giảm tốc rõ ràng. Nhưng chúng có khả năng giảm trong nửa cuối năm nay”. 

Độ trễ ảnh hưởng từ việc siết tín dụng đối với nhu cầu nguyên vật liệu thô của Trung Quốc đồng nghĩa với việc thị trường còn chưa đạt đỉnh. Tuy nhiên, các công ty của Trung Quốc sẽ đến lúc giảm nhập khẩu các mặt hàng này do nguồn tín dụng không còn rộng rãi như trước. Khi đó, giá nguyên vật liệu thô toàn cầu sẽ tuỳ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế ở Mỹ và châu Âu.

Một ví dụ về sự giảm tốc nhu cầu của Trung Quốc nằm ở đồng tinh luyện, ông Li cho hay. Phần chênh lệch cao hơn (premium) của giá đồng tại cảng Dương Sơn so với giá quốc tế đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu đi. Nhiều khả năng nhập khẩu đồng của Trung Quốc sẽ giảm trong năm nay.

Cùng lúc đó, đà tăng của giá đồng có lẽ vẫn còn có thể tăng trong vài tháng tới, theo một báo cáo gần đây của Citigroup. Lý do mà họ đề cập tới là độ trễ giữa đỉnh tín dụng và đỉnh nhu cầu. Từ quanh mức 10,000 USD/tấn tại thời điểm này, Ngân hàng này kỳ vọng đồng sẽ chạm mức 12,200 USD trước tháng 9/2021.

Đây là tình trạng cũng đang diễn ra ở thị trường kim loại màu (ferrous metals).

“Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình thắt chặt dòng tiền tài trợ cho các dự án”, Tomas Gutierrez, Chuyên viên phân tích tại Kallanish Commodities, cho hay. “Nhu cầu quặng sắt phản ứng với thời điểm thắt chặt dòng tiền trễ một vài tháng. Nhu cầu thép vẫn còn quanh mức kỷ lục nhờ đà hồi phục kinh tế và các khoản đầu tư đang diễn ra, nhưng có khả năng giảm nhẹ trước cuối năm 2021”.

Về hàng nông sản, tín dụng thắt chặt có khả năng ảnh hưởng không lớn đến hoạt động nhập khẩu bùng nổ của Trung Quốc, theo nhà phân tích Ma Wenfeng thuộc Beijing Orient Agribussiness Consultant. Cung tiền chững lại có thể dẫn tới hạ nhiệt giá nông sản ở Trung Quốc thông qua giảm bớt đầu cơ. Việc này có thể dẫn tới các công ty tư nhân của nước này nhập khẩu nông sản ít đi, nhưng các công ty quốc doanh vẫn duy trì việc nhập khẩu mạnh nông sản để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, làm đầy dự trữ quốc gia, và thực thi các cam kết thương mại với Mỹ.

Không gây thảm họa

Giới phân tích tin rằng việc Trung Quốc thắt chặt tín dụng không phải là thảm hoạ đối với các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu. Thứ nhất, theo những tuyên bố mới nhất từ Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, Chính phủ nước này có thể sẽ không mạnh tay trong việc siết nguồn vốn cho vay.

“Theo đánh giá của chúng tôi, Trung Quốc sẽ không thắt chặt quá mức, họ chỉ không nới lỏng nữa thôi”, ông Harry Jiang, trưởng bộ phận giao dịch và nghiên cứu thuộc Yonggang Resources ở Thượng Hải, phát biểu. “Chúng tôi không lo nhiều về thắt chặt tín dụng”.

Thứ hai, thị trường nguyên vật liệu thô toàn cầu hiện nay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc.

“Trước đây, biến động giá các kim loại công nghiệp thường theo chu kỳ tín dụng của Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie Group nói. “Nhưng bây giờ thì không thế, vì Mỹ đã chi nhiều tiền kích cầu hơn hơn Trung Quốc, và nhu cầu của Mỹ đang rất mạnh”.

Ngoài ra, ông Hu cũng nói về sự thận trọng của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể không muốn thay đổi chính sách quá nhanh, vì làm thế có thể bóp nghẹt sự phục hồi kinh tế khiến cả thế giới ngưỡng mộ của nước này.

“Tôi cho rằng đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm, nhưng không giảm quá nhiều”, ông Hu nhận định. “Đầu tư hạ tầng của Trung Quốc không thay đổi nhiều trong mấy năm gần đây, và năm nay cũng thế”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng như một động lực cho tăng trưởng, đồng thời không phụ thuộc vào đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản nhiều như trước đây, Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho hay. Sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng là yếu tố mới hỗ trợ cho giá, ông nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Khủng hoảng chip ngày càng tồi tệ hơn, người mua phải chờ tới 17 tuần (23/05/2021)

>   Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành "trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu" (23/05/2021)

>   IMF đề xuất kế hoạch chấm dứt đại dịch trị giá 50 tỷ USD (22/05/2021)

>   Giá hàng hóa tăng cao gây khó cho kế hoạch phục hồi của Trung Quốc (21/05/2021)

>   Phát hiện điểm yếu của SARS-CoV-2 (21/05/2021)

>   Số phận trái ngược của hai hãng hàng không trong đại dịch Covid-19 (20/05/2021)

>   Fed báo hiệu có thể thắt chặt chính sách nếu kinh tế cải thiện nhanh chóng (20/05/2021)

>   Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dừng thi công vì giá thép tăng phi mã (20/05/2021)

>   5G có thể thúc đẩy GDP thế giới thêm 2,2 nghìn tỷ USD (20/05/2021)

>   Vương quốc Anh ‘thách thức’ Thung lũng Silicon (20/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật