Số phận trái ngược của hai hãng hàng không trong đại dịch Covid-19
Qantas Airways và Singapore Airlines đang đi theo hai hướng đối lập trong cuộc khủng hoảng mà Covid-19 gây ra...
Qantas Airways và Singapore Airlines đang đi theo hai hướng đối lập trong cuộc khủng hoảng mà Covid-19 gây ra. Trong khi Qantas nổi lên mạnh mẽ nhờ thị trường bay nội địa sôi động, thì Singapore Airlines lại bị chìm trong thua lỗ kỷ lục vì gần như không thể bay đi đâu.
Dù chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch, Qantas ngày 20/5 dự báo doanh thu tại từ các tuyến bay bên trong Australia trong 6 tháng đầu năm nay có thể tăng gấp đôi so với 6 tháng cuối năm ngoái. Kể từ tháng 7/2020 tới nay, Qantas và công ty con Jestar – một hãng bay giá rẻ - đã bổ sung 38 tuyến bay để phục vụ khách nội địa, trong bối cảnh nước này gần như sạch bóng Covid, dù các tuyến bay quốc tế gần như không hoạt động.
Singapore Airlines không may mắn có được một thị trường bay nội địa, chứ đừng nói đến một thị trường nội địa rộng lớn như Australia. Một tia hy vọng cho hãng hàng không của đảo quốc sư tử là thoả thuận bong bóng du lịch với Hồng Kông cũng đã vụt tắt, vì kế hoạch phải tạm gác lại do virus bùng lên ở Singapore.
Ngày 19/5, Singapore Airlines báo lỗ kỷ lục 4,3 tỷ Đôla Singapore, tương đương 3,2 tỷ USD, trong tài khoá kết thúc vào ngày 31/3/2021.
Theo hãng tin Bloomberg, số phận trái ngược của Qantas Airways và Singapore Airlines phản ánh tình trạng hai câu chuyện đối lập trong ngành hàng không toàn cầu hiện nay.
Các hãng bay ở những quốc gia như Mỹ và Trung Quốc đang phục hồi mạnh cho dù vẫn còn hạn chế đối với hoạt động hàng không quốc tế. Chẳng hạn, Air China mới đây cho biết lượng hành khách trong tháng 4 tăng 218% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên giới quốc gia vẫn đóng, nhưng bên trong những đất nước này, người dân đang dần trở lại với cuộc sống bình thường: đi ăn ở nhà hàng, tới các sự kiện thể thao và xem phim ở rạp, cũng như đi máy bay. Hãng hàng không Virgin Australia ngày 20/5 cho biết sẽ bổ sung những đường bay mới, tăng số chuyến bay, và tuyển dụng thêm nhân viên. Mới năm ngoái, Virgin Australia còn bị Covid đẩy tới ngấp nghé bờ vực phá sản.
Trái lại, Singapore là một đảo quốc nhỏ, không có đường bay nội địa, và đang áp dụng loạt biện pháp giãn cách xã hội gần như phong toả. Trong số 7 “hành lang xanh” dành cho chuyên gia và quan chức giữa Singapore với Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc và Brunei, thì hiện có 5 tuyến đã bị dừng, chỉ còn 2 tuyến với Trung Quốc và Brunei là còn hoạt động. Singapore Airlines hy vọng lượng hành khách sẽ tăng nhẹ trong mấy tháng tới, nhưng đến tháng 7 chỉ có thể đạt khoảng 32% so với mức trước đại dịch. Thậm chí, dự báo này còn bị xem là lạc quan.
“Thị trường bay nội địa đã hồi phục ở một số quốc gia, bay quốc tế vẫn bị hạn chế và triển vọng phục hồi còn chưa rõ ràng”, Singapore Airlines nói trong một tuyên bố hôm 19/5.
Cổ phiếu Singapore Airlines tăng 2,8% trong phiên ngày thứ 20/5, sau khi giảm 3,3% trong phiên trước đó. Cổ phiếu này biến động mạnh mấy tháng gần đây: hiện giảm 16% so với đỉnh hồi tháng 4, nhưng vẫn đang cao hơn khoảng 35% so với cách đây 1 năm.
Cổ phiếu Qantas đã tăng 33% trong 12 tháng qua. Phiên ngày 20/5, cổ phiếu này có lúc tăng 5,1%.
Bình Minh
VnEconomy
|