Chuỗi cung ứng Trung Quốc dưới áp lực khổng lồ của chi phí nguyên vật liệu
Các nhà máy sản xuất, nhà máy điện và nông trại của Trung Quốc đang hứng chịu áp lực khổng lồ từ đà tăng của chi phí nguyên vật liệu, trong khi túi tiền của người dân vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử đang chống chọi với sự biến động giá nguyên vật liệu thô, đồng thời cắt giảm đơn hàng dây đồng, Henan Qixing Copper cho biết. Đây là cú đấm kép cho các nhà cung ứng linh kiện kim loại – vốn đang chật vật đối phó với đà tăng của giá đồng tinh luyện.
“Đây là một thử thách lớn cho Công ty”, Hai Jianxun, Giám đốc kinh doanh tại công ty chế tạo dây đồng Henan Qixing Copper, cho biết. “Tình cảnh này đòi hỏi lượng vốn lớn hơn để giúp công ty vận hành suôn sẻ”.
Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực kìm hãm giá hàng hóa để giúp các ngành này vượt qua giai đoạn lạm phát tăng vọt mà họ cho chỉ là tạm thời. Những can thiệp bằng lời của giới chính trị gia, nhà quyết sách và sàn giao dịch dường như có đôi chút thành công trong việc kéo giảm giá hàng hóa. Thế nhưng, với nhiều công ty trong chuỗi cung ứng, áp lực về vốn đang gia tăng.
Hợp đồng tương lai hàng hóa Trung Quốc tăng vọt
|
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng 5/2021, cho thấy tăng trưởng có lẽ đã đạt đỉnh tại thời điểm này. Chỉ số giá vật liệu đầu vào đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2010, qua đó gây áp lực lên các doanh nghiệp nhỏ.
Trong chuyến viếng thăm gần đây tới Ninh Ba của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 24/05, một công ty thiết bị điện tử gia dụng phàn nàn đà tăng của giá nguyên vật liệu thô đang gây áp lực khổng lồ lên hoạt động sản xuất. Một nhà sản xuất van đồng cũng vận động sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Chuyến viếng thăm gần đây tới Ninh Ba của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 24/05
|
Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng vọt, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn chưa biến động quá nhiều. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng đang hấp thụ phần tăng chi phí và không chuyển sang người tiêu dùng.
Được biết, CPI mới là chỉ số lạm phát thực sự được quan tâm khi các quan chức hoạch định chính sách tiền tệ.
“Chi tiêu của hộ gia đình vẫn còn yếu ớt, vì vậy các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ khó chuyển phần tăng chi phí sang người tiêu dùng”, Shaun Roache, Trưởng bộ phận kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho hay. “Tại thời điểm này, đà tăng của chỉ số PPI có thể bào mòn biên lợi nhuận của các công ty”.
Hạn chế về nguồn điện
Các nhà máy sản xuất và các bên cung ứng điện cũng đang bị tác động nặng vì đà tăng của giá than đá.
Đà hồi phục kinh tế thúc đẩy tiêu thụ điện năng vượt mức trước dịch, trong khi tình trạng khô hạn ở phía nam Trung Quốc khiến hoạt động thủy điện suy giảm. Tình cảnh này khiến giá năng lượng tăng vọt và tạo thách thức cho nhiều công ty.
Áp lực về nguồn cung điện đã buộc một số nhà máy ở khu công nghiệp Quảng Đông phải chuyển sang hoạt động vào những giờ không cao điểm, Yu Zhai, Chuyên viên phân tích tại Wood Mackenzie, cho hay. Thậm chí, một số công ty chỉ được phép hoạt động 3 ngày mỗi tuần, từ đó gây khó khăn cho việc hoàn tất đơn hàng, theo nguồn tin từ Jiemian ghi. Các biện pháp hạn chế tiêu thụ điện này chỉ có thể kéo dài 3 tháng.
Giá than đá tại cảng Tân Hoàng Đảo (Trung Quốc) đang ở mức 865 Nhân dân tệ/tấn, cao hơn 50% so với mức trung bình. Khi giá vượt 800 Nhân dân tệ/tấn, gần như toàn bộ nhà máy điện sử dụng than đá ở Trung Quốc đều thua lỗ, Yu cho biết. “Một số nhà máy có thể cố gắng giảm bớt công suất để tránh thua lỗ thêm”, ông nói.
Nông dân lâm vào cảnh thua lỗ
Các công ty nông nghiệp lớn nhỏ cũng đang chịu sức ép lớn. Giới đầu tư đang bán tháo cổ phiếu của các công ty sản xuất thịt heo lớn nhất khi họ bị giảm biên lợi nhuận. Điều này là do giá thức ăn chăn nuôi – từ bắp ngô, đậu nành và lúa mì – tăng mạnh, trong khi giá thịt lợn lại giảm.
Muyuan Foods – công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc – cho biết chi phí ngày càng tăng vì giá nguyên vật liệu. Thời điểm cũng chẳng thể nào tệ hơn, khi mà giá hợp đồng tương lai mua heo sống (live pig) ở Trung Quốc cũng giảm xuống thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Chưa hết, đà tăng của giá nông sản thậm chí cũng tác động tiêu cực với những nhà sản xuất được cho là hưởng lợi từ đà tăng của giá nông sản.
Liu Chen, nông dân trồng bắp ở tỉnh Hắc Long Giang, cho biết phí thuê đất và chi phí lao động đã tăng thêm gần 50%, còn giá phân bón cũng tăng 20% giữa đà leo dốc của giá bắp ngô trong nước. Trong khi giá bắp ngô đã đạt đỉnh hồi đầu năm nay thì giá của các chi phí khác vẫn tăng.
“Khi giá bắp ngô suy giảm, nhiều khả năng chúng tôi sẽ chịu lỗ vào thời điểm thu hoạch sắp tới”, ông Liu cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|