Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của đất nước Bangladesh
Gần nửa thập kỷ trước, vào tháng 3/1971, những nhà sáng lập của Bangladesh tuyên bố độc lập khỏi đất nước Pakistan giàu có và quyền lực hơn. Ngày nay, Bangladesh còn giàu hơn cả Pakistan khi xét về GDP bình quân đầu người.
Phụ nữ góp công lớn trong sự trỗi dậy của Bangladesh. Nguồn: Bloomberg
|
Đất nước này ra đời giữa đói nghèo và chiến tranh, hàng triệu người chạy sang Ấn Độ hoặc bị binh lính Pakistan giết. Đối với một số chuyên gia người Mỹ, số mệnh của đất nước non trẻ này đã được định sẵn sẽ thất bại. Ông Henry Kissinger, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ, đã gọi Bangladesh là “basketcase” – một thuật ngữ dùng để chỉ một trạng thái hoàn toàn tê liệt vì căng thẳng.
Vậy mà hôm nay, Bộ trưởng Nội các Bangladesh cho biết rằng GDP bình quân trên đầu người đã tăng 9% trong năm 2020, lên mức 2,227 USD. Trong khi đó, Pakistan – đất nước từng chiếm quyền kiểm soát Bangladesh – chỉ ở mức 1,543 USD.
Năm 1971, Pakistan giàu hơn Bangladesh khoảng 70%; ngày nay, Bangladesh giàu hơn 45% so với Pakistan. Một chuyên gia kinh tế Pakistan buồn rầu chỉ ra: “Có khả năng là chúng ta sẽ phải xin cứu trợ từ Bangladesh trong năm 2030”.
Ấn Độ – vốn luôn tự tin là đất nước quan trọng nhất Nam Á – giờ phải đối mặt với sự thật là họ nghèo hơn Bangladesh về phương diện GDP bình quân đầu người. Trong năm tài chính 2020-2021, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ chỉ là 1,947 USD.
Tại Ấn Độ, các chính trị gia cánh hữu phủ nhận thành công của Bangladesh và cho rằng người dân nước này quá nghèo nên di cư trái phép sang Ấn Độ. Trên thực tế, Bangladesh giàu hơn nhiều so với một số bang của Ấn Độ. Tác giả bài viết nhận định: "Mọi chuyện ở Ấn Độ diễn ra như kiểu bang Mississippi của Mỹ lo sợ dòng người nhập cư trái phép từ Canada vậy".
Tăng trưởng của Bangladesh nằm ở 3 trụ cột chính: Xuất khẩu, tiến bộ xã hội và cẩn trọng về tài chính. Trong giai đoạn 2011-2019, xuất khẩu của Bangladesh tăng trưởng 8.6%/năm, trong khi thế giới chỉ tăng trưởng trung bình 0.4%/năm. Thành công này phần lớn đến từ sự tập trung của Bangladesh vào một số sản phẩm mà họ có lợi thế so sánh, như quần áo.
Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động Bangladesh liên tục tăng, trái ngược với Ấn Độ và Pakistan. Ngoài ra, Bangladesh đã duy trì tỷ lệ nợ công trên GDP từ 30-40%, trong khi Ấn Độ và Pakistan thoát khỏi đại dịch với nợ công gần 90% GDP. Sự cẩn trọng về tài khóa đã cho phép khu vực tư nhân của Bangladesh vay nợ và đầu tư.
Thành công của Bangladesh cũng mang lại nhiều vấn đề đáng quan ngại. Đầu tiên, xuất khẩu của nước này được hưởng lợi từ việc quốc gia này tham gia vào các cơ chế khác nhau cho phép tiếp cận miễn thuế quan với các nền kinh tế phát triển, chẳng hạn như Hệ thống Ưu đãi Chung của Mỹ (GSP). Các nhóm này chỉ dành cho các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như thế này, Bangladesh có thể sẽ phải từ bỏ những đặc quyền này vào năm 2026 hoặc sau đó.
Khi nền kinh tế bão hòa, lợi thế so sánh của Bangladesh cũng sẽ thay đổi. Giống như Việt Nam và các nước khác, Bangladesh sau đó sẽ phải chuyển trọng tâm từ hàng may mặc sang hàng xuất khẩu có giá trị cao hơn. Quá trình chuyển đổi sẽ thử thách Bangladesh như các quốc gia khác.
Chính phủ Bangladesh cần có một chiến lược cho thập kỷ tới, trong đó tập trung vào các hình thức hội nhập toàn cầu mới và tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế. Cách thông minh nhất là duy trì quyền tiếp cận các thị trường phát triển của thế giới bằng cách ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo các quan chức Bangladesh, họ đã bắt đầu bàn về hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tác giả bài viết Mihir Swarup Sharma cho rằng Bangladesh nên học theo Việt Nam.
Đất nước hình chữ S hiện đang là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Việc thay đổi các điều khoản Thương mại của Bangladesh sẽ không dễ dàng, đó là lý do tại sao nỗ lực này cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Đặc biệt, Bangladesh sẽ phải tăng cường năng lực đàm phán của mình, họ thậm chí còn không sở hữu một nhóm chuyên về đàm phán thương mại trong bộ thương mại.
Tuy nhiên, lịch sử 50 năm qua đã cho thấy việc đặt cược đi ngược với Bangladesh không hề khôn ngoan. Năm 1971, thành công dường như là câu chuyện xa vời. Ngày nay, hơn 160 triệu dân của đất nước này sống trong một vùng châu thổ màu mỡ với mật độ dân cư đông đúc hơn cả Thành phố Vatican. Tại thời điểm này, Bangladesh dường như được định sẵn để trở thành câu chuyện thành công nổi bật tại khu vực Nam Á.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Mihir Swarup Sharma, thành viên cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi (Ấn Độ)
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|