Gary Cohn: Không có giải pháp tức thời cho xung đột thương mại Mỹ-Trung
Gary Cohn, từng là Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết ông không hề nhận thấy có một giải pháp nhanh chóng nào cho cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung sau các cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ.
Gary Cohn, từng là Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
“Tôi không nghĩ là sẽ có một biện pháp khắc phục tức thời đối với vấn đề thương mại”, ông Cohn cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg ở Singapore trong ngày thứ Tư (07/11), sau khi đã có kết quả từ cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, trong đó Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, còn Đảng Cộng hòa giữ lại Thượng viện.
“Tôi ước là tôi có thể ngồi đây và nói, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Nhà Trắng và chính quyền Mỹ hiểu rằng họ phải giải quyết vấn đề thương mại”, ông cho hay. “Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ muốn giải quyết vấn đề thương mại”.
Khi được hỏi liệu ông có thể hiểu tại sao ông Trump lại tập trung vào thâm hụt thương mại hay không, ông Cohn trả lời thẳng thừng: “Không”. Ông nói thêm, Donald Trump đã tìm thấy “một chuyên gia kinh tế trên Amazon – người nghĩ thâm hụt thương mại là quan trọng – và ông ấy nghe theo lời người này".
Sau khi ông Trump quyết định đánh thuế lên lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc và đe dọa giáng thêm thuế lên một lượng hàng hóa khác trị giá 267 tỷ USD, tổng cộng là sẽ vượt cả giá trị của toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong năm ngoái. Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ trong tháng 8, nâng tổng giá trị hàng hóa do Trung Quốc đánh thuế lên 110 tỷ USD.
Vấn đề kép
“Vấn đề đầu tiên là quy mô thâm hụt thương mại”, ông Cohn chia sẻ. “Thâm hụt thương mại ròng thật sự với Trung Quốc là khoảng 300 tỷ USD và Tổng thống Mỹ dường như nghĩ con số đó là quá lớn. Tôi thì lại nghĩ khác. Tôi thường sẽ nói 300 tỷ USD hàng hóa đó là chúng ta mua thì sẽ rẻ hơn là tự sản xuất, vì nếu có thể sản xuất chúng với chi phí thấp hơn thì chúng ta sẽ làm”.
Ông Cohn cho biết, vấn đề đáng quan ngại hơn là khả năng tiếp cận tới thị trường Trung Quốc, triển khai quyền sở hữu trí tuệ và việc bắt buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề đầu tiên và mua thêm nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khí thiên nhiên và nông sản, từ đó giảm bớt thâm hụt thương mại”, ông Cohn nhận định. “Nhưng nó sẽ không thực sự giải quyết vấn đề cốt lõi là sở hữu trí tuệ và sự vi phạm bản quyền”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|