Thứ Hai, 05/11/2018 13:59

Bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ ảnh hưởng ra sao đến thế giới?

Hiếm khi nào bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ lại thu hút sự chú lớn của thế giới như lần này...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.

Hiếm khi nào bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ lại thu hút sự chú lớn của thế giới như cuộc bầu cử chuẩn bị diễn ra vào ngày 6/11.

Theo hãng tin CNBC, có ba lý do chính khiến dư luận quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc bầu cử Quốc hội lần này ở Mỹ: kết quả bầu cử sẽ tác động nhiều đến sức hấp dẫn của mô hình Mỹ; khả năng trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa của Tổng thống Donald Trump và tính khả thi của các chính sách mà ông theo đuổi; và ảnh hưởng đến phong trào dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên trên thế giới.

Về vấn đề mô hình Mỹ, nhiều đồng minh của Washington hiện lo ngại rằng mô hình Mỹ đang mất dần đi tính hấp dẫn, mở đường cho Trung Quốc thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế có bàn tay nhà nước như một lựa chọn khả thi cho các quốc gia cả đang phát triển và phát triển.

"Mỹ có nhiều công cụ để vận hành một chính sách đối ngoại đảm bảo lợi ích của Mỹ, mang lại thịnh vượng và an ninh cho người Mỹ. Nhưng thương hiệu của nước Mỹ đang hoạt động không tốt trên trường quốc tế. Có lý do để mọi người nói ngày càng nhiều về mô hình của Trung Quốc. Đó là bởi mô hình của Mỹ hiện nay không ổn lắm", ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống George Bush, nói với kênh CNN mới đây.

Nếu nền chính trị Mỹ càng phân cực và càng kém hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi của nước Mỹ, thì sức hấp dẫn của mô hình Mỹ sẽ càng giảm.

"Cuộc bầu cử lần này sẽ không chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý về hai năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump, mà còn về thương hiệu chính trị dân túy mà ông ấy đại diện", ông Hadley nhận xét. "Nền kinh tế Mỹ hiện nay chưa tạo ra được sự tăng trưởng bao trùm bền vững. Nền chính trị Mỹ hiện rời rạc. Có cả một danh sách dài những vấn đề xã hội, ngân sách, nhập cư… đều là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm mà chưa giải quyết được".

Thứ hai, kết quả lần bầu cử này sẽ nói lên nhiều về khả năng ông Trump liệu có thúc đẩy được các chính sách của ông trong nửa cuối của nhiệm kỳ thứ nhất và liệu ông có thể trúng cử thêm nhiệm kỳ thứ hai. Hiện nay, chính quyền ông Trump đang đối mặt một loạt vấn đề lớn, gồm xung đột với Iran, mối quan hệ có chiều hướng tốt lên với Triều Tiên, mối quan hệ xuống thấp với Nga, xung đột và đàm phán thương mại với một loạt đối tác từ Trung Quốc tới châu Âu.

Chủ trương của ông Trump trong các vấn đề này có thể cản trở nếu Đảng Cộng hòa của ông không giữ được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.

Và cuối cùng, kết quả bầu cử Quốc hội lần này của Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan điểm của cử tri ở các quốc gia khác. Mấy năm trở lại đây, chủ nghĩa dân tộc và các phong trào dân túy nổi lên mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, nhất là từ khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư vào năm 2015.

Việc ông Trump - một người theo trường phái dân tộc nghĩa nghĩa với chủ trương "nước Mỹ trên hết" - đắc cử Tổng thống vào năm 2016 đã củng cố lực lượng cho phong trào này. "Lấy cảm hứng" từ ông Trump, nhiều chính trị gia ở châu Âu đã tập hợp sự ủng hộ của cử tri bằng cách đưa ra các chính sách chống người nhập cư. Trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý gần đây ở châu Âu, các đảng cánh hữu nổi lên mạnh mẽ.

Nếu như cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh là một động lực cho quan điểm dân tộc chủ nghĩa của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, thì chủ trương "nước Mỹ trên hết" của ông được xem là góp phần thúc đẩy dẫn tới sự ra đời của một chính phủ dân túy ở Italy.

Ngoài ra, tâm lý bài nhập cư cũng đưa đảng cực hữu AfD tiến nhanh trên chính trường Đức và được xem là một nguyên nhân khiến Thủ tướng Angela Merkel mới đây công bố quyết định không tiếp tục tranh cử cương vị Chủ tịch Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).

Không chỉ ở châu Âu, phong trào dân túy cũng đang rất mạnh ở khu vực Mỹ Latin. Việc ông Andrés Manuel López Obrador trúng cử Tổng thống Mexico hồi tháng 7 năm nay là một sự phủ nhận đối với giới chính trị truyền thống ở nước này cũng như sự bất lực của họ trong việc giải quyết các vấn đề của nước này - tương tự như việc ông Trump trúng cử năm 2016.

Gần đây hơn, phong trào dân túy của Mỹ Latin được thể hiện rõ nét qua việc chính trị gia cực hữu Jair Bolsonar đắc cử Tổng thống Brazil. "Các bạn có thể tin chắc rằng ông Trump sẽ có một đồng minh tuyệt vời ở bán cầu Nam", ông Bolsonaro tuyên bố tại một cuộc vận động tranh cử với các cử tri Brazil sinh sống ở Mỹ. "Ông Trump là một tấm gương cho tôi và nhiều người ở Brazil".

AN HUY

VNECONOMY

 

Các tin tức khác

>   Tập Cận Bình đề cao thương mại tự do, hứa giảm thuế nhập khẩu, mở cửa nền kinh tế (05/11/2018)

>   Tiền lương tại Mỹ tăng hơn 3% lần đầu tiên kể từ năm 2009, lý do để Fed nâng lãi suất thêm? (03/11/2018)

>   Ông Trump: Tôi nghĩ Mỹ sẽ tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc (03/11/2018)

>   Các quan chức Mỹ bác tin sắp tiến tới thỏa thuận thương mại trong thời gian tới (03/11/2018)

>   Ông Trump chỉ đạo nội các phác thảo thỏa thuận thương mại với Trung Quốc (02/11/2018)

>   Donald Trump: Đã trao đổi khá lâu với Tập Cận Bình về thương mại (02/11/2018)

>   11 thành viên TPP chuyển trọng tâm sang tìm kiếm thành viên mới (01/11/2018)

>   The Time: Anh và EU tiến tới một thỏa thuận dự kiến về dịch vụ tài chính (01/11/2018)

>   Trung Quốc báo hiệu sẽ tung thêm biện pháp kích thích (01/11/2018)

>   Cựu Chủ tịch Fed: “Nếu có đũa phép thì tôi sẽ nâng thuế” (31/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật