Trung Quốc báo hiệu sẽ tung thêm biện pháp kích thích
Giới lãnh đạo Trung Quốc báo hiệu rằng, họ đang lên kế hoạch tung ra thêm các biện pháp kích thích, khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng cho thấy phương pháp tiếp cận từng phần hiện tại chưa hiệu quả.
Tình hình kinh tế Trung Quốc đang thay đổi, áp lực suy giảm ngày càng tăng và Chính phủ cần phải thực hiện các bước đi kịp thời để đối phó với tình trạng này, theo một tuyên bố từ cuộc họp Politburo do Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, chủ trì trong ngày thứ Tư (31/10).
Tín hiệu của sự cấp bách ngày càng tăng trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi báo cáo về chỉ số nhà sản xuất mua hàng (PMI) cho thấy sự suy giảm trên diện rộng và có nguy cơ tác động tới tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trong nước.
Trước tình hình đó, các quan chức đã dùng tới sự hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế, từ cắt giảm thuế cho tới nới lỏng quy định, thay vì dùng lại hỏa lực tài chính như đã từng thấy trong đợt suy giảm trước đây. Nhà đầu tư dường như vẫn chưa bị thuyết phục bởi phương pháp tiếp cận từng phần hiện tại, trong đó Nhân dân tệ dao động gần mức đáy 10 năm và chứng khoán thì lao dốc.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập tỷ giá tham chiếu cho đồng Nhân dân tệ ở mức 6.9670 đổi 1 USD trong ngày thứ Năm (01/11), suy giảm hơn so với ngày hôm trước.
“Chấp nhận tăng trưởng thấp hơn từ lâu đã là một thử thách đối với Bắc Kinh, nhưng hiện nay mức độ giảm tốc đã vượt ra khỏi phạm vi thoải mái của họ”, Katrina Ell. Chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics ở Sydney, cho hay. “Trong vài năm gần đây, động thái cân bằng là giải quyết các rủi ro trong hệ thống tài chính và các áp lực ổn định tăng trưởng kinh tế. Dường như, phần sau chiếm ưu tiên nhiều hơn”.
Chỉ số PMI suy giảm
Tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, và các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có thêm các đợt cắt giảm thuế, còn một số khác dự đoán sẽ có biện pháp kích thích lớn hơn cho thời điểm này. Chỉ số phụ về xuất khẩu chìm sâu vào phạm vi điều chỉnh.
Trước đó, hãng tin Bloomberg ghi nhận, Mỹ chuẩn bị tuyên bố trước đầu tháng 12/2018 rằng họ sẽ áp thuế lên tất cả hàng hóa còn lại của Trung Quốc nếu cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào tháng tới không thể xoa dịu căng thẳng thương mại, dựa trên nguồn thông tin thân cận.
Việc đưa ra tuyên bố về danh sách áp thuế mới vào đầu tháng 12/2018 có nghĩa là ngày có hiệu lực (sau giai đoạn bình luận công khai 60 ngày) có thể trùng khớp với ngày Tết Âm lịch của Trung Quốc vào đầu tháng 2/2018. Danh sách này sẽ áp dụng với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – những hàng hóa chưa được bao gồm trong các vòng áp thuế trước đó. Dựa trên con số kim ngạch nhập khẩu năm 2017, tổng giá trị áp thuế có thể lên tới 257 tỷ USD.
Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, cho biết, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng bắt đầu giống với một cuộc chiến thương mại thay vì chỉ là “xung đột”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tránh tung ra hàng loạt gói kích thích và chiến dịch giảm bớt đòn bẩy kéo dài nhiều năm qua dường như bị chững lại nhưng không phải bị hủy bỏ. “Cánh tay phải” của ông Tập, Lưu Hạc, từ lâu đã ủng hộ đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng tăng trưởng nhờ tín dụng bằng mọi giá và các quan chức cấp cao tiếp tục cảnh báo về mối nguy hiểm từ tình trạng nợ quá nhiều ,ngay cả khi họ muốn bơm vốn vào các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn.
Các động thái chuẩn bị trước và kịp thời
“Giới lãnh đạo đang tập trung nhiều tới các vấn đề, và sẽ chuẩn bị trước và thực hiện các động thái một cách kịp thời”, trích từ tuyên bố trong ngày thứ Tư (31/10). Politburo nhấn mạnh lại rằng Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng, đồng thời cố gắng tìm giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân.
Trước đó trong ngày thứ Tư (31/10), dữ liệu từ các nước cho thấy, ngoài Mỹ ra, thì nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn khó khăn. Sản lượng công nghiệp tháng 9/2018 của Hàn Quốc và Nhật Bản không đạt ước tính trước đó, và sản lượng quý 3/2018 của Đài Loan cũng vậy.
“Mùa xuân năm 2019 sẽ là thời điểm khó khăn thực sự cho Trung Quốc khi nhiều yếu tố như căng thẳng thương mại, đà giảm doanh số của hàng lâu bền và hồi kết của sự bùng nổ bất động sản ở các thành phố cấp thấp hơn gây áp lực lên tăng trưởng”, Lu Ting, Trưởng Bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Nomura International ở Hồng Kông, cho biết. “Đây sẽ là bài kiểm tra xem liệu Trung Quốc có duy trì được mức tăng trưởng quanh 6.5% hay không. Các nhà hoạch định chính sách có khả năng giảm thuế thêm và nới lỏng các biện pháp kiểm soát mua bất động sản ở các thành phố lớn hơn để nâng đỡ nền kinh tế”.
Trước đó, Chính phủ và PBoC đã tung ra hàng loạt biện pháp trong tháng 10/2018 để ổn định tâm lý thị trường, như bơm vốn vào hệ thống tài chính, giảm thuế cho hộ gia đình và các biện pháp nhằm hỗ trợ các công ty xuất khẩu. Tuy nhiên, các biện pháp đó vẫn chưa phát huy tác dụng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|