Tập Cận Bình đề cao thương mại tự do, hứa giảm thuế nhập khẩu, mở cửa nền kinh tế
Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, lặp lại tuyên bố phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và định vị Trung Quốc là quốc gia ủng hộ mở cửa và hợp tác quốc tế. Và đây đã là lần thứ ba kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ mà ông nhấn mạnh tới điều này.
Mặc dù Trung Quốc đã có một số tiến triển trong quá trình mở cửa nền kinh tế cho các công ty nước ngoài, nhưng các nhà bình luận cho rằng tốc độ này vẫn còn quá chậm.
Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình
|
Trong bài phát biểu ngày thứ Hai (05/11), ông Tập bàn luận nhiều về lợi ích của nền kinh tế quốc tế cởi mở.
“Sức khỏe kinh tế và xã hội của các quốc gia trên thế giới ngày càng gắn chặt với nhau. Cuộc cải cách về hệ thống quản trị toàn cầu và trật tự quốc tế đang diễn ra nhanh chóng hơn”, ông Tập cho biết tại sự kiện Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE). “Mặt khác, nền kinh tế thế giới đang trải qua nhiều sự thay đổi sâu rộng, đồng thời chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang tái xuất trở lại. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đối mặt với nhiều ‘cơn gió ngược chiều’, và chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do đang gặp nguy cơ”.
Để đối mặt với những khó khăn đó, ông Tập cho biết Trung Quốc đang theo đuổi vòng nới lỏng tiêu chuẩn mới và dự định mở rộng “khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới”. Trên thực tế, ông Tập nhận định, sự kiện triển lãm tuần này “mô tả quan điểm ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy thương mại tự do của Trung Quốc. Đây là một hành động cụ thể của Trung Quốc để đẩy mạnh một nền kinh tế thế giới cởi mở và hỗ trợ cho toàn cầu hóa kinh tế”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, quốc gia của ông sẽ tìm cách kích thích tiềm năng nhập khẩu và sẽ giảm thêm thuế nhập khẩu. Ông cũng cam kết rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình mở cửa lĩnh vực giáo dục, viễn thông và văn hóa. Hiện nay, nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn duy trì nhiều rào cản đối với những công ty nước ngoài muốn thực hiện kinh doanh ở những lĩnh vực này.
Ngoài ra, ông Tập còn thừa nhận, nhiều phần của nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với thách thức và bất ổn tại thời điểm này, nhưng cho biết Chính phủ đang cố gắng nhanh chóng giải quyết những vấn đề trên và đã cải thiện khả năng quản lý tăng trưởng kinh tế vĩ mô nói chung.
Bài phát biểu của ông Tập trong ngày thứ Hai (05/11) diễn ra khi chỉ còn gần 48 giờ nữa là tới cuộc bỏ phiếu giữa kỳ ở Mỹ. Trong đó, thế giới đang dõi mắt theo để tìm kiếm các dấu hiệu về việc liệu chính quyền Trump có thể duy trì được đà chính sách hay không. Bài kiểm tra trong ngày thứ Ba (06/11) có thể tác động tới mối quan hệ ngoại giao của Washington khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang.
Tuần trước, các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt leo dốc khi nhà đầu tư hy vọng ông Trump và ông Tập đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, sau đó, các quan chức Nhà Trắng đã bác tin hai bên sẽ tiến tới thỏa thuận trong thời gian tới. Cả hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina sau đó trong tháng này.
Trong khi đó, Trung Quốc tự quảng bá bản thân như là một quốc gia mua nhiều hàng hóa trên thế giới trong tuần diễn ra triển lãm. Hơn 3,600 doanh nghiệp đã đăng ký tham dự triển lãm và 172 quốc gia và khu vực sẽ tham gia, dựa trên thông tin từ sự kiện.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|