Những bài học đã bị quên lãng từ cuộc chiến thương mại trong thập niên 30
Mới đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đình chiến về thương mại (ít nhất là tại thời điểm này), nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn bị kẹt trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, đã áp thuế bổ sung lên thép và nhôm nhập khẩu từ phần lớn quốc gia trên thế giới, và còn đe dọa rút khỏi thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico, trừ khi họ điều chỉnh theo ý muốn của ông ấy.
Diễn biến trên làm gợi lên sự so sánh với lần “chạm trán” trước đó về thương mại trong suốt cuộc Đại Suy thoái. Còn nhớ, lúc đó, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã ký Đạo luật Thuế quan năm 1930, được nhiều người biết tới với cái tên Đạo luật Smoot-Hawley, theo đó nâng thuế quan lên hàng trăm mặt hàng nhập khẩu. Các quốc gia khác cũng đáp trả, qua đó dẫn đường cho sự lan truyền của chủ nghĩa bảo hộ ra toàn thế giới và làm trầm trọng hóa cuộc suy thoái còn đang manh nha. Sau cuộc chiến tranh thương mại này, thế giới phải mất nhiều thập kỷ mới có thể khôi phục lại được những thiệt hại đã mất. Vậy liệu lịch sử có lặp lại hay không?
1. Tại sao lại phải áp thuế quan cao hơn trong thập niên 30?
Ông Hoover – thành viên Đảng Cộng hòa – đã thắng cử trong năm 1928 với lời cam kết nâng hàng rào thuế quan đối với nông sản nhập khẩu để giúp đỡ những người nông dân đang ngập đầu trong nợ nần vì đà giảm của giá hàng hóa và đất đai. Sau này, phạm vi áp thuế đã được mở rộng và bao gồm sản phẩm từ các công ty sản xuất công nghiệp, vì các nhà lập pháp đổi ý định trong suốt quy trình pháp lý kéo dài 18 tháng. Bất chấp sự phản đối từ hơn 1,000 chuyên gia kinh tế và cả nhà báo nổi tiếng như Walter Lippmann, ông Hoover vẫn ký vào Đạo luật trên trong tháng 6/1930. Cái tên Smoot-Hawley được đặt tên theo những người ủng hộ chính là Thượng nghị sĩ Reed Smoot của Utah và Đại diện Willis Hawley của Oregon. Thị trường chứng khoán đã đổ đèo trong tháng 10/1929.
Thượng nghị sĩ Reed Smoot của Utah (bên phải) và Đại diện Willis Hawley của Oregon (bên trái)
|
2. Vậy chính xác thì Đạo luật Smoot-Hawley đã thực hiện điều gì?
Đạo luật này nâng thuế quan lên gần 900 hàng hóa nhập khẩu, bao gồm mọi thứ từ đường và trứng cho tới kẹp quần áo. Hàng rào thuế quan lúc đầu làm thuế quan tăng thêm 15-20% lên hơn 40%. Khi giá sụt giảm vì cuộc Đại Suy thoái, mức thuế quan trung bình có hiệu lực thậm chí còn tăng cao hơn. Đó là vì nhiều hàng rào thuế quan viết dưới dạng giá trị USD tuyệt đối theo khối lượng hoặc trọng lượng, chứ không phải là phần trăm trên giá nhập khẩu. Chẳng hạn, Đạo luật Smoot-Hawley nâng thuế nhập khẩu đường từ Cuba từ 1.76 xu/pound lên 2 xu/pound – một mức thuế được áp dụng cho dù giá đường là bao nhiêu, thậm chí là nếu giá rớt xuống dưới 2 xu/pound thì vẫn phải đóng thuế như thế. Giáo sư Đại học Dartmouth, Douglas Irwin, đã viết rằng, mức thuế quan trung bình có hiệu lực lên mức cao nhất là hơn 59% trong năm 1932.
3. Điều gì đã xảy ra khi Đạo luật Smoot-Hawley có hiệu lực?
Trong vòng 2 năm kế đó, khối lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ giảm 40% khi các đối tác thương mại đáp trả bằng hàng rào thuế quan của họ. Các nhà sản xuất nước ngoài giảm bớt hoặc ngừng chuyển hàng tới Mỹ vì nó không còn tạo ra lợi nhuận nữa. Một số nhà xuất khẩu Mỹ buộc phải trả nhiều tiền hơn cho những nguyên vật liệu nhập khẩu – vốn được sử dụng để tạo ra sản phẩm cuối cùng của họ, và phải đối mặt với hàng rào thuế quan cao hơn từ nước ngoài. Nông dân Mỹ – những người lẽ ra phải hưởng lợi chính từ Đạo luật Smoot-Hawley – chứng kiến giá nông sản sụt giảm và hoạt động xuất khẩu cũng tụt dốc.
4. So với hàng rào thuế quan của Donald Trump thì sao?
Hàng rào thuế quan của ông Trump có quy mô nhỏ hơn so với của ông Hoover, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu tình trạng đình chiến với EU đổ vỡ. Cho tới nay, ông Trump đã áp thuế nhập khẩu lên thép, nhôm, máy giặt và tấm năng lượng mặt trời từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, ông còn áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và thêm danh sách áp thuế bổ sung 16 tỷ USD sau này. Tất cả chỉ chiếm khoảng 5% lượng hàng nhập khẩu của Mỹ. Trong năm 1930, khoảng 1/3 hàng hóa nhập khẩu của Mỹ bị áp hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, nếu ông Trump áp thuế bổ sung lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (như ông đã đe dọa) thì tỷ lệ hàng hóa bị áp hàng rào thuế quan lên tới 25%.
5. Hàng rào thuế quan của ông Trump còn tương tự với Đạo luật Smoot-Hawley ở điểm nào khác?
Cũng như trong năm 1930, hiện nay, những người lẽ ra phải hưởng lợi từ hàng rào thuế quan thì lại bị tổn thương. Các ví dụ điển hình bao gồm Whirlpool Corp. và Harley-Davidson Inc. – vốn bị kẹt trong cuộc chiến thương mại của Donald Trump. Chính quyền Donald Trump cũng buộc phải sử dụng Tổng Công ty Tín dụng Hàng hóa (CCC) – một cơ quan được tạo ra trong suốt cuộc Đại Suy thoái nhằm hỗ trợ giá nông sản – để tài trợ 12 tỷ USD để bù đắp cho người nông dân Mỹ, những người có hàng hóa xuất khẩu bị tác động bởi hàng rào thuế quan đáp trả của các quốc gia khác. Tuy nhiên, phản ứng của các quốc gia khác tính cho tới nay có phần khác so với năm 1930. Mặc dù họ áp thuế đáp trả lên hàng hóa từ Mỹ, nhưng họ không áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Một số còn thực hiện điều ngược lại thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới.
6. Liệu ông Trump có thể gây ra cuộc Đại Suy thoái thứ hai hay không?
Khả năng là không cao. Sự bộc phát của chủ nghĩa bảo hộ trong thập niên 30 dẫn tới sự sụp đổ của hoạt động thương mại tại thời điểm đó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế không nghĩ nó sẽ là yếu tố châm ngòi cho cuộc Đại Suy thoái. Thay vào đó, họ đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác vì quá tuân thủ theo bản vị vàng, theo đó giá trị đồng tiền được neo theo vàng – một loại hàng hóa khan hiếm. Thay vì phá giá đồng USD để giúp hàng hóa xuất khẩu Mỹ giữ được sức cạnh tranh, Fed đã làm ngược lại bằng cách giữ lãi suất ở mức cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, ngay cả khi thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh, ngân hàng vỡ nợ và nền kinh tế lao đao. Tỷ lệ thất nghiệp khi đó lên tới 25%. Đó là một sai lầm ngớ ngẩn mà các nhà hoạch định chính sách hiện nay có lẽ sẽ không lặp lại.
7. Vậy điều gì đáng lo ngại?
Mặc dù nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương có khả năng né tránh xảy ra thêm một cuộc Đại Suy thoái khác, nhưng họ không thể hoàn toàn bù đắp cho tác động tiêu cực của một cuộc chiến thương mại bằng việc cắt giảm lãi suất. Cuộc xung đột thuế quan kéo dài sẽ làm gia tăng lạm phát, khiến nền kinh tế giảm tốc và, trong trường hợp tồi tệ nhất có thể đẩy Mỹ và toàn bộ phần còn lại của thế giới vào suy thoái.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|