Kinh tế Mỹ ra sao dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Khi còn tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cam kết thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng hơn 4% mỗi năm – một mức chưa từng thấy kể từ giữa những năm 2000.
Vào ngày thứ Sáu (27/07 – giờ Mỹ), số liệu về tăng trưởng GDP sẽ được công bố chính thức. Lời hứa của ông Trump có thể trở thành sự thật dù chỉ trong thời gian ngắn. Các chuyên gia kinh tế đang dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 4.1% cho tới 4.9% trong quý 2/2018, cao hơn gấp đôi so với mức 2% của quý trước đó.
Xét về nhiều khía cạnh, nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái đỉnh cao: Tỷ lệ thất nghiệp gần mức đáy 18 năm, các nhà máy thì nhận thêm nhiều đơn đặt hàng và kim ngạch xuất khẩu thì đang nhảy vọt. Song, các chuyên gia phân tích cũng lên tiếng cảnh báo, tâm lý hưng phấn có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì những con số lớn trong quý 2/2018 cũng phản ánh một điều: Các công ty đang đổ xô dự trữ thêm vật tư và hàng tồn kho phòng ngừa trường hợp chiến tranh thương mại xảy ra và làm giá hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.
“Hãy tận hưởng con số GDP quý 2 đi, đây có thể là báo cáo tốt nhất trong một khoảng thời gian”, Andrew Sheets, Chiến lược gia tại Morgan Stanley, viết trong một báo cáo gửi tới khách hàng hồi cuối tuần trước. “Chúng tôi nghĩ, 6 tháng cuối năm 2018 sẽ là một câu chuyện khác, trong đó kinh tế giảm tốc và lạm phát tăng nhanh ở nhiều khu vực lớn”.
Trong một xu hướng đáng lo ngại khác, sự giảm tốc của các nền kinh tế khác cũng không phải điềm tốt lành gì đối với Mỹ. Trước đó trong tháng này, công ty nghiên cứu IHS Markit cho biết, căng thẳng thương mại đang làm gia tăng áp lực từ giá dầu cao và đà tăng của lãi suất. Bên cạnh đó, công ty này dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chỉ còn 1.7% vào năm 2020.
Dĩ nhiên, chẳng ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Sau đây, CNNMoney dẫn ra 4 biểu đồ thể hiện những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ và chúng có thể tác động tới tương lai như thế nào.
1. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ khiếm dụng lao động
Tại mức 4%, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, và hiện số lượng việc làm sẵn có còn nhiều hơn cả số lượng người lao động tìm kiếm việc làm.
Tuy nhiên, số lượng người lao động nản lòng – những người muốn có công việc nhưng đã ngừng tìm kiếm vì không thể kiếm ra – và số lượng người lao động bán thời gian muốn chuyển sang làm việc toàn thời gian đang cao hơn mức trước thời điểm suy thoái.
Đây có lẽ là một phần lý do tại sao tăng trưởng tiền lương lại không nhúc nhích trong năm vừa qua, theo một thước đo của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Một thước đo khác cho thấy, tiền lương đang tăng trưởng 1.2% trong 12 tháng vừa qua, nhưng đó là chưa đủ để kéo người lao động thoát khỏi vùng trũng mà họ đã rơi vào trong suốt thời kỳ suy thoái.
2. Chi tiêu và thu nhập của người tiêu dùng
Chi tiêu tiêu dùng chiếm đóng góp tới 2/3 GDP của nền kinh tế Mỹ, và vẫn đang ở mức khá khỏe mạnh trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, khoản chi tiêu đang tăng trưởng nhanh hơn mức thu nhập sau thuế của người tiêu dùng.
Kết quả là họ không thể bỏ ra nhiều tiền chi tiêu như trước kía. Tỷ lệ tiền tiết kiệm trên thu nhập khả dụng là 3.2%, gần với mức thấp nhất mọi thời đại là 1.9% trong năm 2005.
Nếu một cuộc suy thoái nữa chuẩn bị diễn ra thì người dân Mỹ có lẽ không đủ tấm đệm an toàn về tài chính để vượt qua tình trạng mất việc hoặc khó khăn về tài chính.
3. Khoản thanh toán thẻ tín dụng và thế chấp trễ hạn
Một dấu hiệu khác cho thấy người dân Mỹ bắt đầu chi tiêu quá trớn: Sau gần 1 thập niên giảm bớt nợ nần và thanh toán hết nợ, họ lại gia tăng số dư tín dụng và bắt đầu thanh toán nợ tín dụng trễ hạn một lần nữa.
Trong khi đó, số lượng nhà bị tịch thu (foreclosure) đang ở mức thấp nhất trong 17 năm, theo dữ liệu của công ty phân tích Black Knight. Thế nhưng, tỷ lệ quá hạn nợ thế chấp đang cao hơn mức trước giai đoạn sụp đổ thị trường nhà ở. Nếu tỷ lệ này tiếp tục cao hơn mức tiêu chuẩn lịch sử thì đây có thể là dấu hiệu về căng thẳng trên thị trường nhà ở – có khả năng xuất phát từ giá nhà ở bị thổi phồng lên.
4. Lợi nhuận doanh nghiệp
Như báo cáo về các điều kiện kinh tế Mỹ (Beige Book) mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FeD), các doanh nghiệp nhạy cảm với thương mại có thể tỏ ra lo ngại về tương lai. Dù vậy, lợi nhuận quý 2/2018 đang tăng trưởng rất mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp sau thuế cũng đã nhảy vọt trong quý 1/2018, phần lớn là nhờ đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Mặc dù phần lớn lượng tiền mặt dư thừa – từ đợt cắt giảm thếu – dành cho việc mua lại cổ phiếu và sáp nhập, nhưng chi tiêu vốn vẫn ở mức cao. Chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế, Kevin Hassett, tranh luận rằng, các khoản đầu tư doanh nghiệp vào máy móc và công nghệ sẽ giúp người lao động làm việc năng suất hơn, từ đó cho phép các công ty trả lương cao hơn. (mặc dù một số chuyên gia kinh tế cho rằng mối quan hệ này không còn tồn tại nữa)
Bất chấp những dấu hiệu rắc rối ở nước ngoài, nền kinh tế Mỹ có vẻ như đang trong trạng thái vững mạnh.
“Chúng tôi chỉ không có bằng chứng nào cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ chuyển sang suy giảm tại thời điểm này”, Lisa Emsbo-Mattingly, Giám đốc nghiên cứu tại Global Asset Allocation group thuộc Fidelity Investments, cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|