Thứ Bảy, 07/07/2018 20:00

Chiến tranh thương mại có thể biến thành suy thoái kinh tế như thế nào?

Nguy cơ của một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang gia tăng. Điều đó có thể làm nền kinh tế Mỹ chìm vào suy thoái, chấm dứt đợt tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ hiện nay khá mạnh, nhưng các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng hơn về cuộc “đàn áp” thương mại của Tổng thống Trump. Căng thẳng đang leo thang, và nhiều khả năng khiến cho cuộc bất đồng thương mại này sẽ biến thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Vào hôm thứ Sáu, Trung Quốc cáo buộc Mỹ bắt đầu "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế" khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực đối với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của nước này. Sau đó, họ trả đũa ngay lập tức bằng các loại thuế quan dành cho lượng hàng hóa có cùng giá trị của Mỹ.

Cuối tháng trước, chuyên gia kinh tế Mỹ, Michelle Meyer, của ngân hàng Merrill Lynch cảnh báo rằng "một cuộc đối đầu thương mại toàn cầu lớn có thể sẽ đẩy Mỹ và phần còn lại của thế giới đến bờ vực suy thoái”.

Và đây là cách mà “hiệu ứng domino” có thể xảy ra: Đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí cao hơn do thuế quan gây ra. Sau đó, các công ty sẽ không thể tìm ra cách để có được những vật liệu họ cần. Cuối cùng, lòng tin ở các giám đốc điều hành và những hộ gia đình sẽ giảm xuống. Các doanh nghiệp sẽ phản ứng bằng cách thu hẹp chi tiêu đáng kể.

Ông Trump đã áp thuế đối với Canada, Mexico, Liên minh châu Âu, và các đồng minh đó đã nhanh chóng trả đũa. Vòng thuế đầu tiên dành cho Trung Quốc có hiệu lực vào hôm thứ Sáu, và ông Trump đe dọa rằng sẽ còn nhiều hơn nữa. Chính quyền Trump cũng đang cân nhắc thuế nhập khẩu xe hơi và các hạn chế về đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghệ Mỹ.

Dĩ nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa một cuộc bất đồng thương mại và một cuộc chiến thương mại toàn diện. Các bước mà chính quyền Trump đã thực hiện cho đến nay chỉ tác động trực tiếp đến một phần nhỏ của nền kinh tế Mỹ. Báo cáo của Bank of America ước tính chỉ có một lượng hàng hóa trị giá hơn 100 tỷ USD bị nhắm đến, nghĩa là chỉ khoảng 4.2% trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng.

"Chúng ta vẫn còn nhiều bước nữa mới đạt đến mức một cuộc chiến thương mại toàn diện", Meyer viết. Tuy nhiên, bà cho rằng "căng thẳng thương mại có thể sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn”.

Vấn đề là sự bất ổn về chính sách thương mại có thể làm đóng băng các quyết định đầu tư của những công ty lớn và khiến các công ty khác “tốn bộn”.

Niềm tin đã suy yếu trong số các nhà điều hành kinh doanh ở Đức, một quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Chỉ số môi trường kinh doanh IFO đã giảm trong tháng 6, bởi có sự sụt giảm mạnh mẽ ở các công ty tham gia vào thương mại toàn cầu.

Tại Mỹ, Harley-Davidson đã cảnh báo rằng sự trả đũa từ Liên minh châu Âu có thể khiến công ty này bị mất tới 100 triệu USD một năm. Hiện tại, họ đang chuyển một số bộ phận sản xuất xe máy ra khỏi nước Mỹ.

Hồi tháng 6, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, cho rằng các công ty đang đặt ra tiêu chuẩn cho việc đầu tư vào các dự án mới "khá cao". Ông nói "sự lạc quan" về việc cắt giảm thuế doanh nghiệp "đã gần như hoàn toàn biến mất".

Và biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy các quan chức Fed đang ngày càng lo lắng về tác hại kinh tế từ chính sách thương mại của chính quyền Trump.

Theo bà Meyer, một làn sóng thuế quan sẽ làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng và gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp bằng cách gây ra những "tắc nghẽn" và gián đoạn.

"Sự suy giảm lòng tin và gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể khuếch đại cú sốc thương mại này, dẫn đến một cuộc suy thoái toàn diện", bà viết.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng tốc nhanh trong thời gian gần đây, và triển vọng đã sáng sủa hơn, phần lớn là nhờ các khoản cắt giảm thuế doanh nghiệp và một mức tăng đột biến trong chi tiêu chính phủ.

Tháng trước, trong một lưu ý dành cho các khách hàng, Greg Valliere, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Horizon Investments, viết rằng thảo luận về một cuộc suy thoái "dường như là xa vời".

Những người khác tỏ ra đồng ý - ít nhất là đến lúc này. Họ cho rằng sự kết hợp mạnh mẽ giữa cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ đã giữ nguy cơ suy thoái kinh tế nằm ở mức thấp.

Tuy nhiên, bà Meyer nói rằng "sự leo thang hơn nữa", trong đó có thuế xe hơi, sẽ khiến Bank of America "đánh giá lại" triển vọng dành cho nền kinh tế Mỹ.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI

Các tin tức khác

>   Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam (07/07/2018)

>   Đâu là các quốc gia bị tác động nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? (06/07/2018)

>   Trung Quốc đáp trả, cáo buộc Mỹ khởi đầu "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế" (06/07/2018)

>   Ông Trump kích hoạt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc (06/07/2018)

>   Một chỗ đỗ xe ở Hồng Kông được bán với giá 765,000 USD (06/07/2018)

>   Fed: Để lạm phát tăng trưởng quá nóng có thể dẫn tới suy thoái kinh tế nghiêm trọng (06/07/2018)

>   Donald Trump: Trung Quốc có thể đối mặt với hàng rào thuế quan lên tới 550 tỷ USD (06/07/2018)

>   Thủ tướng Đức cảnh báo nguy cơ chiến tranh thương mại (05/07/2018)

>   Vì sao dân Ấn Độ phản đối Walmart? (04/07/2018)

>   TPP-11 sắp thảo luận mở rộng thành viên (03/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật