Fed: Để lạm phát tăng trưởng quá nóng có thể dẫn tới suy thoái kinh tế nghiêm trọng
Hầu như tất cả quan chức Fed tin rằng họ nên tiếp tục nâng lãi suất thường xuyên
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại rằng việc cho phép kinh tế Mỹ tăng trưởng quá mạnh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu không kiểm soát chặt chẽ, trích từ biên bản họp mới nhất từ Fed.
Một số thành viên bày tỏ “lo ngại rằng việc để nền kinh tế tăng trưởng vượt mức tiềm năng trong thời gian dài có thể gây ra áp lực lạm phát lớn hoặc tình trạng mất cân bằng tài chính – và sau đó là có khả năng dẫn tới suy thoái kinh tế nghiêm trọng”, trích từ biên bản họp tháng 6/2018 của Fed vừa mới công bố trong ngày thứ Năm (05/07 – giờ Mỹ).
Kết quả là hầu như tất cả quan chức Fed tin rằng họ nên tiếp tục nâng lãi suất thường xuyên. Biên bản họp của Fed được đưa ra trong bối cảnh thị trường lo sợ rằng, xung đột thương mại hiện tại giữa Mỹ và các đối tác thương mại có thể làm tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại.
Các doanh nghiệp bày tỏ nỗi lo lắng về các tác động tiềm ẩn từ các hàng rào thuế quan và giới hạn thương mại (cả trong và ngoài nước) lên hoạt động đầu tư trong tương lai. Hơn nữa, họ cho thấy chi tiêu vốn đang giảm bớt hoặc bị trì hoãn vì sự không chắc chắn về chính sách thương mại.
Tuy nhiên, những lo ngại trên không thể ngăn cản Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) nâng lãi suất thêm 0.25% tại cuộc họp tháng 6/2018, lần nâng lãi suất thứ 7 kể từ tháng 12/2015.
Tiến triển suôn sẻ
Động thái nâng lãi suất của Fed diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng khoảng 4% trong quý 2/2018 nhờ niềm tin cao của người tiêu dùng và doanh nghiệp và hoạt động đầu tư ngày càng gia tăng.
Biên bản họp chỉ ra, tăng trưởng kinh tế đang “tiến triển suôn sẻ”, với “hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh” và “các điều kiện của thị trường lao động tiếp tục được cải thiện”. Lạm phát đang dao động quanh ngưỡng mục tiêu 2%.
Gần như tất cả thành viên đều nghĩ đợt nâng lãi suất tháng 6/2018 là hợp lý.
Các thành viên FOMC thậm chí còn đồng ý loại bỏ chữ “forward guidance” (dự đoán tương lai), nói rõ rằng mức lãi suất quỹ liên bang “vẫn sẽ thấp hơn mức dự kiến đạt được trong dài hạn”.
Trên thực tế, các quan chức cho biết nếu lộ trình hiện tại tiếp tục thì lãi suất quỹ liên bang có thể sẽ vượt mức “trung lập” vào năm tới. Việc duy trì dự đoán tương lai “là không còn hợp lý với tình trạng khỏe mạnh của nền kinh tế và lộ trình chính sách dự kiến hiện tại”.
Dù vậy, vẫn còn đó nhiều mối lo ngại tại cuộc họp tháng 6/2018.
Thương mại là một chủ đề nóng được đề cập tới khi Nhà Trắng chuẩn bị thực hiện áp thuế vào ngày thứ Sáu (06/07).
“Hầu hết các thành viên lưu ý rằng sự bất ổn và rủi ro liên quan tới chính sách thương mại đã gia tăng và tỏ ra lo ngại rằng những bất ổn và rủi ro đó rồi cũng sẽ tác động tiêu cực tới tâm lý kinh doanh và chi tiêu đầu tư”, trích từ biên bản họp.
Các thành viên nhìn nhận chính sách tài khỏa (như đợt cắt giảm thuế và kế hoạch gia tăng chi tiêu của Nhà Trắng) là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, mặc dù một vài người lo ngại đà tăng trưởng này là không bền vững. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã ước tính rằng Mỹ sẽ thâm hụt tới 1 ngàn tỷ USD vào năm 2020, qua đó gây lo ngại rằng nợ sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
Chưa hết, các quan chức còn lo ngại về các điều kiện ở nước ngoài.
“Nhiều thành viên nhận thấy rủi ro suy giảm tiềm ẩn tới tăng trưởng kinh tế và lạm phát liên quan tới các diễn biến chính trị và kinh tế ở châu Âu và một số nền kinh tế thị trường mới nổi”, trích từ biên bản họp.
Thị trường việc làm và tỷ lệ thất nghiệp cũng chịu sự rà soát kỹ lưỡng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|