BMW, Ford và Tesla đang bị ảnh hưởng thế nào ở Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại?
Đối với BMW AG, Tesla và các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu khác, có tương lai phụ thuộc vào thị trường đang phát triển của Trung Quốc nhiều hơn lúc nào hết, bất kỳ lợi thế nào từ thuế nhập khẩu thấp hơn trong tuần này có thể sẽ chẳng kéo dài được lâu - vì cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump.
Sau hàng thập kỷ “nài nỉ” để có được sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất cuối cùng đã thấy thuế nhập khẩu ở nước ngoài giảm gần một nửa xuống còn 15% vào hôm Chủ Nhật vừa qua. Tuy nhiên, lệnh ngưng trừng phạt dành cho các nhà sản xuất của những mẫu xe đó - nếu chúng được sản xuất ở Mỹ - có thể sẽ kết thúc trong 5 ngày tới, khi một mức thuế 25% mang tính “đáp trả” làm cho chúng trở nên đắt đỏ hơn.
Tranh cãi thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa ông Trump với Trung Quốc hiện có nguy cơ làm tiêu tan công sức nhiều năm vận động hành lang của các nhà sản xuất xe hơi và kéo các thương hiệu hàng đầu châu Âu vào cuộc cạnh tranh vì các quyết định được đưa ra vào thời điểm mà việc sản xuất và xuất khẩu toàn cầu là khá phổ biến. Giờ đây, những tác động tiềm ẩn đầy bất ổn của sự ảnh hưởng do thuế mang lại đang khiến các đại lý bán xe và người tiêu dùng ở một đất nước có lượng xe bán ra kỷ lục vào năm ngoái: 24 triệu chiếc, trở nên lo ngại.
"Quả là một cơn ác mộng khi thuế tăng thêm 25%", ông Wang Rongzhen, Phó Tổng Giám đốc và cũng là một nhà đầu tư tại Yan'an Jinchi Feike Auto Sales và Service, lên tiếng. Đại lý bán xe Yan'an có trụ sở tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) này hiện đang nhập những mẫu xe như Jeep của Fiat Chrysler từ Mỹ.
Thương hiệu Đức, nhưng sản xuất ở Mỹ
6 trong 10 loại xe nhập khẩu từ Mỹ bán chạy nhất ở Trung Quốc là BMW hoặc Mercedes SUV.
Tại Shanghai Aote Hung Car Sales, mức thuế cao hơn sẽ là một cơn đau đầu khác cho Giám đốc kinh doanh Liu Yuanyuan, người nói rằng bà đang vất vả thay đổi nguồn cung khi người tiêu dùng dự đoán sẽ có những đợt giảm giá mạnh vào mùa hè. Đại lý bán xe của bà hiện nhập nhiều loại xe, trong đó có cả các mẫu xe Mercedes Benz, Buick và Jaguar Land Rover.
"Hầu hết khách hàng đều đang chờ đợi", Liu nói. "Sau vấn đề chiến tranh thương mại, nhiều xe nhập khẩu như Mercedes-Benz hay BMW, đặc biệt là BMW X4, X5 và X6 sản xuất tại Mỹ đang bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang quảng cáo rằng khách hàng có thể mua xe với giá được cam kết trước ngày 06/07, nhưng không có đảm bảo sau đó”.
Trừ khi Tổng thống Trump rút lại ý kiến, vào ngày 06/07, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 34 tỷ USD lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và nhiều trong số đó là các bộ phận được sử dụng trong các sản phẩm như động cơ hàng hải và tua-bin điện. Trung Quốc sẽ áp đặt mức thuế tương tự trong cùng một ngày - bao gồm cả xe hơi do Mỹ sản xuất.
Thuế quan trả đũa của Trung Quốc có thể đã không đến vào thời điểm tồi tệ hơn cho các nhà sản xuất xe hơi hạng sang nước ngoài. Tuy nhiên, vào tháng trước, đồng Nhân dân tệ đã có mức sụt giảm mạnh nhất trong hai ngày kể từ đợt mất giá năm 2015, khiến các loại xe nhập khẩu trở nên đắt hơn cho người mua trong nước. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “thị trường con gấu”, tiếp tục làm suy yếu sức mua trong nước.
“Các nhà sản xuất xe hơi Mỹ có thể cần phải chuẩn bị cho việc nhìn thấy thị phần của họ bị xâm phạm khi người tiêu dùng ngày càng ủng hộ các thương hiệu trong nước”, Liu Yuanchun, Giáo sư tại Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia tại Đại học Nhân Dân của Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết.
Các khoản thuế bổ sung có thể kích hoạt nhiều biện pháp trả đũa hơn. Tháng trước, ông Trump đã chỉ thị cho các quan chức thương mại xác định lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD phải chịu với mức thuế bổ sung là 10% và nói rằng Mỹ sẽ áp thuế lên lượng hàng trị giá 200 tỷ USD khác nếu Bắc Kinh trả đũa. Trung Quốc cũng “thề” sẽ đáp trả.
Trong số 51 tỷ USD nhập khẩu xe của Trung Quốc trong năm 2017, khoảng 13.5 tỷ USD là đến từ Bắc Mỹ, bao gồm doanh số của những mẫu xe được sản xuất ở đó bởi các nhà sản xuất không đến từ Mỹ, như BMW. Trung Quốc đã nhập khẩu 280,208 xe, tương đương 10% tổng số xe nhập khẩu từ Mỹ hồi năm ngoái, theo Hiệp hội xe hơi chở khách của Trung Quốc.
Một số nhà sản xuất xe hơi của Mỹ, đã giảm giá sản phẩm trước đó ở Trung Quốc, giờ đây đang bị dồn vào chân tường. Một ngày sau khi Trung Quốc công bố cắt giảm thuế nhập khẩu xe hơi trong tháng 5, Tesla đã hạ giá xuống khoảng 6%. Điều đó nghĩa là mẫu sedan S sẽ có giá khoảng từ 710,000 Nhân dân tệ (107,000 USD) đến 1.23 triệu Nhân dân tệ.
Andy Wu, làm việc tại một công ty thương mại ở Bắc Kinh, đang xem xét mua một chiếc Tesla nhưng giờ đang suy nghĩ lại ngay cả sau các đợt giảm giá gần đây.
"Tôi muốn chọn một số phụ kiện và tùy chỉnh một số bộ phận, và họ không thực sự có một chiếc xe theo cách tôi muốn trước khi mức thuế mới được áp dụng”, chàng trai 33 tuổi nói. “Tôi sẽ đợi một thời gian để xem chuyện này sẽ đi đến đâu”.
"Tại sao tôi phải trả thêm 25% nhưng lại không được nâng cấp về chất lượng hay thương hiệu đắt tiền hơn?" - Wu nói. "Nếu nó tăng lên đến hơn 800,000 Nhân dân tệ, thì tại sao lại không mua một chiếc Porsche?"
10 thương hiệu xe hơi nhập khẩu hàng đầu ở Trung Quốc trong năm 2017
Nguồn: China Automobile Dealers Association
|
Wang - Giám đốc của Jinchi Feike, cho biết các nhà sản xuất xe hơi có thể miễn cưỡng đảo ngược việc giảm giá sau ngày 06/07 bởi vì họ sẽ thấy khó cạnh tranh hơn với các thương hiệu châu Âu.
Ngay cả các nhà sản xuất xe hơi Mỹ mà lắp ráp xe tại Trung Quốc, như General Motors và Ford, đều có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan ngày 06/07 vì lo ngại xe của họ sẽ trở nên đắt hơn để sửa chữa, ông nói.
Trong một tuyên bố gửi qua email, Ford cho biết họ đang duy trì giảm giá đối với các mẫu xe Ford và Lincoln nhập khẩu được công bố hồi tháng Năm. "Quan trọng là các chính phủ nên làm việc cùng nhau để giảm, chứ không tăng, rào cản đối với thương mại”.
GM cho biết: “Chúng tôi có triết lý để xây dựng nơi chúng tôi bán. Hầu như tất cả các loại xe chúng tôi bán ở Trung Quốc đều được sản xuất ở Trung Quốc và hầu như tất cả các bộ phận đều có nguồn gốc tại địa phương”.
Tesla từ chối đưa ra lời bình luận. BMW, Fiat Chrysler và Daimler AG, chủ sở hữu của Mercedes-Benz, cũng không trả lời email yêu cầu cho lời bình luận ngoài giờ làm việc. Bộ Tài chính Trung Quốc thì không trả lời một bức fax yêu cầu cho lời bình luận vào ngày Chủ nhật vừa qua.
Trong số các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài, Tesla đặc biệt dễ bị tổn thương bởi việc tăng thuế suất của Trung Quốc. Không giống như GM, Ford, BMW và Daimler, Palo Alto, công ty có trụ sở tại California (Mỹ) này hiện không có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Tesla đã làm việc với chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) từ năm ngoái để xem xét vấn đề lắp ráp xe hơi ở Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận dứt khoát.
Nhã Thanh (Theo Bloomberg)
FILI
|