Hơn 50 ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý tính đến cuối năm 2017
Đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39.9 ngàn tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Theo báo cáo của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đã thực hiện rà soát toàn bộ các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu có kết quả. Theo báo cáo đánh giá sơ bộ bước đầu, đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39.9 ngàn tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, riêng 6 tổ chức tín dụng được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu (bao gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, ACB, Sacombank, Techcombank) tính đến 30/11/2017 đã được xử lý là 20.44 ngàn tỷ đồng (bằng 51.3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống).
Vẫn còn khó khăn
Theo NHNN, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn một số khó khăn nhất định. Một số bộ, ngành chưa ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Nghị quyết 42 nên chưa có sự triển khai đồng bộ cũng như phối hợp từ các ngành, các cấp. Chưa kể, các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay. Một số cơ quan chức năng ở nhiều nơi chưa phối hợp, chưa tham gia cùng ngân hàng vì chưa có hướng dẫn để phân công trách nhiệm.
Ngay cả, nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản khó xử lý do việc trả nợ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm. Hiện nay, mặc dù đã có Nghị quyết 42 nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án. Trong khi đó, dự án lại chưa được hoàn thiện nên ngân hàng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý. Việc xử lý phải thông qua biện pháp khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành án để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng khó khăn. Một ví dụ khác, khách hàng thế chấp dự án đầu tư, tuy nhiên các dự án đầu tư chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện để áp dụng Điều 10 của Nghị quyết 42 về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
Đối với các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện áp dụng biện pháp thu giữ, bán nợ hoặc áp dụng thủ tục rút gọn thì ngân hàng buộc phải khởi kiện theo trình tự thông thường. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số khoản vay, khách hàng của tổ chức tín dụng có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử nên việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ cần phải được có sự chấp thuận của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Mặc dù Tòa án nhân tối cao đã có công văn số 152/TANDTC-PC ngày 19/07/2017 hướng dẫn tòa án các cấp giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu nhưng thực tế, vẫn cần có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án. Việc xử lý vụ án, xử lý tài sản thường mất nhiều thời gian, đặc biệt khi các vụ án có nhiều tính tiết phát sinh mới hoặc một trong các bên tuyên bố phá sản… Do đó, các tổ chức tín dụng khó dự báo được kế hoạch, tiến độ xử lý các khoản nợ xấu để đưa vào phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp. Điều này dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.
Thu Phong
FiLi
|