Thứ Tư, 14/02/2018 06:00

Đinh Dậu – Năm hạn của banker?

Năm qua, cả nước rúng động trước hàng loạt vụ án tham nhũng kinh tế bị đưa ra ánh sáng, kéo theo nhiều đại gia ngân hàng đồng loạt “ngã ngựa” trong năm Đinh Dậu này.

Theo thuyết “Tam hạp - Tứ hành xung” mà dân gian vẫn truyền lại, thì “Tỵ - Dậu - Sửu” là một trong bộ bốn Tam Hạp, “Tý - Ngọ - Mẹo - Dậu” là một trong ba bộ Tứ Hành Xung. Thông thường dân gian hay quan niệm những người trong năm tuổi, hoặc thuộc trong bộ Tứ hành xung cũng sẽ là năm hạn của tuổi mình. Ví dụ như người tuổi Tý vào năm Ngọ sẽ gặp vận hạn, có những chuyện xung khắc cần phải chú ý hơn. Nói một cách đơn giản là vậy, nhưng thật ra nếu xem vận mạng theo thuyết ngũ hành thì còn phải phụ thuộc vào ngày sinh, giờ sinh, tháng sinh,…

Đó là cách dự đoán mà ông bà ta hay dân gian vẫn lưu truyền, nhưng trên thực tế, vận mạng của con người đều phụ thuộc hầu hết vào cách sống, hành động, đạo đức và nhận thức của mỗi người. Nhiều người đổ cho năm xui tháng hạn nên mới chịu cảnh tù đày, mới gặp khó khăn, cướp bóc, nợ nần,… Nhưng lại quên rằng, nếu bạn bị tù đày là do bạn làm sai từ những ngày tháng trước, từ những năm trước khi đến năm hạn của bạn; nếu bạn bị nợ nần, hay khó khăn là do bạn không chịu làm ăn chân chính, đàng hoàng, mà lừa gạt, vơ vét của người khác. Suy cho cùng, cái mà bạn nhận được hôm nay chính là hậu quả những gì bạn đã làm trong quá khứ, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay do ai mà là do chính bản thân mình.

Trở lại với các đại án liên quan đến Phạm Công Danh, chúng ta cùng xem liệu những đại gia bị “hạn” trong năm 2017 có thật sự là năm tuổi hay năm hạn của mình không nhé?

Ất Tỵ - Tam hạp vẫn hầu tòa 2 lần

Trước tiên phải kể đến đại án Phạm Công Danh đang trong giai đoạn tòa án xét xử giai đoạn II. Ở giai đoạn trước của vụ đại án gây thiệt hại hơn 9,000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ngày 24/01/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 30 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, Tòa buộc bị cáo Danh có trách nhiệm hoàn lại cho VNCB hơn 63 tỷ là số tiền gây thiệt hại cho VNCB trong hành vi lập khống corebanking. Đồng thời, buộc bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường cho VNCB hơn 6,000 tỷ đồng cả gốc và lãi từ các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB...

Tiếp tục giai đoạn II của vụ án, ngày11/07/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an (C46) đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố Phạm Công Danh đang thụ án 30 năm tù trong vụ án tại VNCB về tội cố ý làm trái. Cùng vụ án, có 23 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố về tội danh trên.

Trước khi thụ án, ông Phạm Công Danh từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh - chuyên về vật liệu xây dựng trang bị nội thất. Từ năm 2008, Tập đoàn Thiên Thanh với vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, trong đó Phạm Công Danh nắm 80% số vốn và chuyển sang đầu tư kinh doanh bất động sản, tài chính du lịch, khách sạn… Đầu năm 2012, Phạm Công Danh mua 10% cổ phần Ngân hàng Đại tín (Trustbank) và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB sau khi Trustbank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Ông Phạm Công Danh sinh năm 1965 - năm Ất Tỵ, tính theo thuyết “Tam hạp - Tứ hành xung” thì năm Đinh Dậu phải là năm hợp của ông Phạm Công Danh. Mặc dù, bị bắt trước đó, nhưng đến tận đầu năm 2017, ông Phạm Công Danh mới bị định án 30 năm tù. Và đến tháng 01/2018 ông lại phải ra hầu tòa lần nữa khi vụ đại án bước vào giai đoạn II.

Quý Sửu - Tam hạp lại song hành cùng đại họa

Tuổi Sửu cũng nằm trong bộ Tam Hạp “Tỵ - Dậu - Sửu” nhưng dường như năm Đinh Dậu đã không mỉm cười với những người sinh năm 1973, khi hàng loạt đại gia ngân hàng sinh năm 1973 rơi vào vòng lao lý. Đáng chú ý là ông Phan Huy Khang - Nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank, thành viên Hội đồng tín dụng, liên quan đến đại án Phạm Công Danh.

Ngày 01/08/2017, C46 đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Huy Khang về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank.

Trước đó, ông Phan Huy Khang từng giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Nam, và sau khi sáp nhập với Sacombank, từ tháng 04/2012 ông giữ chức phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank, và từ tháng 05/2012 đến tháng 11/2013, ông giữ chức thành viên HĐQT Ngân hàng Sacombank.

Tuổi Ngọ - Chính xác là đại hạn

Hứa Thị Phấn - nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, sinh năm 1942 - năm Nhâm Ngọ.

Tuổi Ngọ thì đích thực năm Dậu là năm hạn của bà Phấn khi phạm vào bộ “Tý - Ngọ -  Mẹo - Dậu” trong ba bộ Tứ Hành Xung. Trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và ngân hàng Xây dựng, mặc dù đã bị khởi tố trước đó, nhưng đến ngày 24/03/2017, tức là sau 6 tháng khởi tố vụ án, C46 mới tống đạt quyết định khởi tố bà Hứa Thị Phấn và một số người liên quan về hành vi Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Không chỉ dừng lại ở đó, “hạn” vẫn chồng thêm “hạn” khi bệnh tật còn theo đuổi dai dẳng bà Phấn, hiện sức khỏe của bà Phấn chỉ còn 7% và đang được điều trị bệnh tiểu đường trong bệnh viện.

Bà Phấn được biết đến là người đã tham gia lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Theo điều tra, trong 2 năm 2009 - 2010, bà Phấn (người sở hữu 84.92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ) đã bỏ ra khoảng 2,000 tỷ đồng, nhờ người đứng tên thâu tóm Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank và là người đứng sau hoạt động của ngân hàng lúc bấy giờ. Sau đó, bà tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 cá nhân đứng tên vay của TrustBank số tiền lên tới 3,581 tỷ đồng. Kết quả tìm hiểu của cơ quan chức năng cho thấy sau khi lui về làm cố vấn, bà Phấn cùng với 2 cá nhân thân cận là Chủ tịch HĐQT thời bấy giờ - ông Hoàng Văn Toàn và Tổng Giám đốc Trần Sơn Nam tiếp tục rút tiền của TrustBank thông qua các phi vụ đầu tư, mua bán bất động sản…

Ngoài những vai trò trên, bà Hứa Thị Phấn cũng được biết đến là thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn SSG (SSG Group) từ năm 2012. Tập đoàn này là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TPHCM như Saigon Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, Mỹ Đình Pearl, trường quốc tế Wellspring...

Gần đây, một nhân vật cũng tuổi Ngọ không thể không nhắc đến là nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, sinh năm giáp Ngọ - 1954, cũng phạm vào năm hạn trong bộ Tứ Hành Xung. Ngày 08/09/2017, ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong đại án Phạm Công Danh.

Ông Bình bị khởi tố, cấm đi khởi nơi cư trú vì liên quan đến vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đây là lần đầu tiên, một cán bộ ngân hàng cấp cao đến Phó Thống đốc bị khởi tố.

Trước khi trở thành Phó Thống đốc NHNN vào năm 2005, ông Đặng Thanh Bình từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính vào năm 1994, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN năm 1997, đến năm 2002 ông lại tiếp tục giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN. Cũng khoảng năm 2005, ông Bình được giao vị trí Trưởng ban trù bị thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đến giữa tháng 07/2013, ông Đặng Thanh Bình kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV đầu tiên của VAMC. Đến năm 2015, ông Đặng Thanh Bình nghỉ hưu.

Không phải năm tuổi, không là năm hạn… vẫn bị bắt giam

Ông Trầm Bê, sinh năm 1959 - năm Kỷ Hợi, là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Sacombank. Ngày 02/08/2017, ông bị bắt tạm giam trong vòng 4 tháng về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank.

Ngày 29/09/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê và 21 bị can liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm.

Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1991 với vai trò Giám đốc và sau đó Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Đến năm 1999, ông đầu tư vào BCCI (HOSE: BCI) với vai trò thành viên HĐQT. Năm 2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Và đến tháng 02/2012 ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Cũng liên quan đến đại án này, ông Hoàng Văn Toàn (sinh năm 1964 - Giáp Thìn) - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín và ông Trần Sơn Nam (sinh năm 1970 - Canh Tuất) - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín cùng bị bắt tạm giam vào tối 10/01/2017. Cả hai ông trong quá trình quản lý và điều hành ngân hàng đã có những sai dẫn đến thiệt hại của ngân hàng Đại Tín trước khi Phạm Công Danh tiếp quản. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ngân hàng bị thiệt hại là do nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện đã sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền thế chấp tài sản có giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền ngân hàng.

Trên đây chỉ là một số “đại gia” tiêu biểu gặp hạn trong năm 2017, và còn nhiều những banker khác cũng bị bắt do tham nhũng, gian lận, làm trái pháp luật… tại những vụ án khác. Nếu nói 2017 là năm hạn của những banker cũng không sai, khi quá nhiều các “đại gia” bị bắt. Nhưng nếu nói là do tam tai hay năm xui tháng hạn, khắc tuổi là hoàn toàn phiến diện. Vì vẫn có những người là năm “tam hạp” vẫn phải hầu tòa đó thôi.

Hành động của mỗi người không chỉ là do lý trí chi phối mà còn do tình cảm, điều kiện, người khác tác động tới. Vậy nên trước khi hành động phải biết suy nghĩ kỹ càng, kiểm soát hành vi, tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, để sau này không phải nói giá như hay đổ cho số mệnh may rủi.

Cát Lam

Fili

Các tin tức khác

>   Công ty tài chính - “Gà đẻ trứng kim cương” cho ngân hàng nào? (22/02/2018)

>   12 năm “kết duyên” ngân hàng nội - ngoại (01/03/2018)

>   “Làn sóng Hallyu” nhà đầu tư Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam (02/03/2018)

>   Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: quá lợi cho cổ đông ngân hàng (12/02/2018)

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   ATM 'ăn tết' sớm, khách hàng khổ sở chờ rút tiền (10/02/2018)

>   Kiều hối 'hồi sinh', hơn 10 tỷ USD đổ về (10/02/2018)

>   'Sốt' bộ tiền lì xì gom may mắn của 28 nước (09/02/2018)

>   Lì xì tân xuân, nhận lộc may mắn với HDBank (09/02/2018)

>   Chủ tịch LienVietPostBank: “Ngậm ngùi, biết ơn, tin tưởng” (09/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật