Thứ Năm, 01/03/2018 08:44

12 năm “kết duyên” ngân hàng nội - ngoại

Gặp gỡ rồi mặn nồng hay chia lìa? Đã có 13 cuộc “kết duyên” giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài trong 12 năm qua. Có những “mối lương duyên” đến nay còn thắm đượm nhưng trong đó cũng có 5 trường hợp “đường ai nấy đi”.

Ồ ạt đón “rể” ngoại

Trở lại giai đoạn 2005-2011, làn sóng ngân hàng nội tìm kiếm đối tác là các định chế tài chính lớn của nước ngoài làm cổ đông chiến lược diễn ra khá rầm rộ. Đã có những “mối tình” nội - ngoại lâu năm gắn bó cho đến tận ngày nay như Eximbank với Sumitomo Mitsui (từ 2007), ABBank với Maybank (từ 2008), SeABank với Societe Generale (từ 2008), VIB với Commonwealth Bank of Australia (từ 2010), Vietcombank với Mizuho Bank (từ 2011) hay VietinBank với The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (từ 2012).

Trong đó, riêng tại VIB, cái duyên với Commonwealth Bank of Australia (CBA) bắt đầu từ những năm 2009 và 2010. Đến nay, CBA đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 20% vốn của VIB và bản thân ngân hàng này chọn con đường rút hoạt động trực tiếp tại Việt Nam. Khoảng giữa năm 2017, CBA bán toàn bộ hoạt động chi nhánh của mình tại TP.HCM cho VIB. Về phía VIB, Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ đã đánh giá việc chuyển giao kinh doanh này có ý nghĩa chiến lược không chỉ cho CPA, cho VIB mà cho cả khách hàng của hai hệ thống ngân hàng. Thay vì phải phân tản nguồn lực tại Việt Nam cùng một lúc cho cả hai ngân hàng, hai bên sẽ tập trung vào phát triển sự hiện diện và dịch vụ khách hàng thông qua VIB.

Ở chiều ngược lại, tính đến thời điểm này đã có 5 cuộc chia tay ngân hàng nội - ngoại đáng chú ý: Sacombank và ANZ, VPBank và OCBC Bank, TechcombankHSBC, OCB và BNP Paribas, ACB và Standard Chartered.

Gần đây nhất, ngay trong giai đoạn được đánh giá là cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều nhà đầu tư ngoại đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi những khoản đầu tư dài hạn tại một số ngân hàng. Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited cùng Standard Chartered (Anh) đã chốt lời 154 triệu cp ACB và chính thức thoái lui sau hơn 12 năm gắn bó. Bên nhận chuyển nhượng là 4 nhà đầu tư nước ngoài nên về cơ bản cơ cấu sở hữu của khối ngoại tại ACB không thay đổi.

Thực ra, việc hợp tác giữa Standard Chartered với ACB đã được hẹn giờ sẽ chấm dứt khi đại diện Standard Chartered từng “đánh tiếng” muốn ra đi trong ĐHĐCĐ thường niên 2017 của ACB. Từ tháng 11/2017, đại diện phần vốn góp của Standard Chartered là ông Andrew Colin đã rời ghế HĐQT ACB.

Trước đó, cổ đông lớn nhất của OCB là Ngân hàng BNP Paribas cũng đã nói lời chia tay với nhà băng này. Theo công bố mới nhất từ phía OCB, ngay sau khi BNP Paribas hoàn thành thoái vốn, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4.98%. Mới đây vào giữa tháng 12/2017, OCB vừa thông báo chốt tỷ lệ này là 23.66% vốn.

Liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài tại OCB, cách đây không lâu Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF, thuộc VinaCapital) công bố đã đầu tư khoảng 11 triệu USD vào OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu dưới 5% vốn (tuy nhiên VinaCapital là nhà đầu tư tài chính chứ không phải hoạt động trong mảng ngân hàng).

Đổi thay

Từ cuối năm 2013, sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài - Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore rút toàn bộ 14.88% vốn thì VPBank không còn nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu cổ phần. Hai năm sau đó, VPBank từng tích cực tìm kiếm đối tác ngoại và dự kiến sẽ chào bán tối đa theo quy định là 30% vốn vào quý 4/2015 và đầu năm 2016 nhưng đều không thành.

Không khác mấy với VPBank, Sacombank và HDBank cũng đã từng chung hoàn cảnh không tìm được đối tác chiến lược nước ngoài trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường tài chính giai đoạn 2013-2016.

Năm 2012, sau khi Dragon Capital dứt áo ra đi, rồi đến IFC và ANZ, Sacombank đã lên kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược ngoại. Ngân hàng này từng muốn chốt room ngoại ở mức 10% và dành hẳn 20% cho đối tác chiến lược, tuy nhiên quá trình đàm phán đã không đi đến hồi kết.

Việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng là mục tiêu xuyên suốt của HĐQT và là nội dung được đề cập liên tục trong ĐHĐCĐ nhiều năm của HDBank nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong đợt IPO trước thềm niêm yết lên HOSE cách đây không lâu, khi khủng hoảng ngành ngân hàng dần qua, có đến 76 nhà đầu tư nước ngoài chi hơn 300 triệu USD, tương đương 6,800 tỷ đồng để nắm giữ 21.5% vốn điều lệ của HDBank. Trao đổi với người viết trong ngày chào sàn của HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, cơ cấu cổ đông hiện tại của HDBank khá bền vững và Ngân hàng chưa có kế hoạch tìm kiếm thêm đối tác chiến lược ngoại.

Có thể thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, công cuộc tìm đối tác chiến lược của các ngân hàng thương mại không phải là điều dễ dàng. Mối quan tâm về nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nay đã dần thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Tương tự như một số tổ chức tín dụng khác, VPBank hiện tại đã nghiêng về hướng chọn lựa nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài, kể cả các quỹ đầu tư tài chính chỉ nắm giữ cổ phiếu thời gian ngắn 1-2 năm, thay vì một đối tác chiến lược sở hữu 20% cổ phần trong 5-7 năm.

Cũng chia sẻ ngay trước ngày cổ phiếu VPBank lên sàn hồi giữa tháng 8/2017, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, việc mở rộng ngân hàng dành cho nhiều cổ đông, tất nhiên sự cam kết sẽ ít hơn so với một nhà đầu tư chiến lược, nhưng trước tiên sẽ tăng được nguồn vốn cho Ngân hàng. “Khi nước ngoài chuyển tiền mua cổ phiếu, đó là giá trị đầu tiên và lớn nhất mà họ mang lại”. Tiếp đó, thông qua các cổ đông là nhiều tổ chức quốc tế có ảnh hưởng và tầm cỡ trong khu vực, VPBank kỳ vọng sẽ tiếp thu kinh nghiệm và hợp tác để bù đắp lại việc không có một cổ đông chiến lược.

Theo ông Vinh, một trong những lý do mà VPBank không tìm một cổ đông chiến lược như mô hình các ngân hàng trong quá khứ đã làm bởi vì Ban lãnh đạo chưa nhìn thấy nhiều giá trị mà các ngân hàng đi trước cùng với cổ đông chiến lược tạo dựng nên. VPBank hiện tại quyết định không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, có thể trong tương lai cũng không loại trừ và Ban lãnh đạo Ngân hàng sẽ có định hướng về vấn đề này.

Hay như Techcombank, sau khi chia tay “mối tình” 12 năm với HSBC, Ngân hàng này có động thái xin ý kiến cổ đông tạm thời khóa room ngoại ở mức 0% nhằm chủ động được trong việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng từng chục năm đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại Techcombank cho đến năm 2011, trong thời gian Techcombank và HSBC vẫn còn chung đường. Ông cho biết, “với ngân hàng Việt, các cổ đông chiến lược đóng vai trò lớn nhưng với những tổ chức toàn cầu, hoạt động của họ ở Việt Nam chỉ như một chi nhánh nên nhiều khi mối quan tâm giữa hai bên không giống nhau. Họ có thể đi vào hôm nay và ngày mai đóng lại khoản đầu tư nếu thay đổi chiến lược”.

Ngay trước thời gian lên UPCoM, LienVietPostBank cũng đã xin ý kiến cổ đông giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn để chủ động dành một tỷ lệ vốn điều lệ từ 10% trở lên cho đối tác chiến lược nước ngoài. Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng từng chia sẻ với báo giới, việc khóa 25% lại là để Ngân hàng có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư thật sự có tiềm lực; nếu áp dụng room 30% tức là nhà đầu tư chọn ngân hàng, không phải ngân hàng chọn nhà đầu tư.

Thu Phạm

FiLi

Các tin tức khác

>   “Làn sóng Hallyu” nhà đầu tư Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam (02/03/2018)

>   Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: quá lợi cho cổ đông ngân hàng (12/02/2018)

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   ATM 'ăn tết' sớm, khách hàng khổ sở chờ rút tiền (10/02/2018)

>   Kiều hối 'hồi sinh', hơn 10 tỷ USD đổ về (10/02/2018)

>   'Sốt' bộ tiền lì xì gom may mắn của 28 nước (09/02/2018)

>   Lì xì tân xuân, nhận lộc may mắn với HDBank (09/02/2018)

>   Chủ tịch LienVietPostBank: “Ngậm ngùi, biết ơn, tin tưởng” (09/02/2018)

>   Tiếp tục đề nghị Huyền Như án tù chung thân (09/02/2018)

>   Lần đầu tiên sau hơn nửa năm, lãi suất liên ngân hàng vượt mức 3%/năm (09/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật