Thứ Sáu, 02/03/2018 13:04

“Làn sóng Hallyu” nhà đầu tư Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam

Không chỉ làn sóng Hallyu K-Pop và phim truyền hình chiếm lĩnh thị trường Việt Nam mà thời gian gần đây cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã ồ ạt vào thị trường tài chính Việt Nam.

Hàn lưu hay Hallyu được hiểu là “Làn sóng Hàn Quốc”, là tên gọi để ám chỉ về sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới trong thế kỷ 21.

Hiện nay, Hallyu thông qua K-Pop hay phim truyền hình đang lan truyền khắp châu Á và thế giới, nhất là ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á… Không là ngoại lệ khi Việt Nam cũng nằm trong số đó.

Mới đây, Tập đoàn Prudential thông báo bán toàn bộ Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) với giá 151 triệu USD cho Shinhan Card – là công ty thẻ tín dụng thuộc top 5 trên toàn cầu, được thành lập năm 1990 và là công ty con của Shinhan Financial Group của Hàn Quốc.

Thông tin từ Deal Street Asia cho thấy Prudential Finance vốn dĩ là tổ chức tài chính phi ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp phép hoạt động tài chính tiêu dùng ở Việt Nam, ra đời năm 2006. Hiện nay, công ty tài chính tiêu dùng này được xếp hạng 4 về dư nợ cho vay.

Còn Shinhan Financial Group cũng không xa lạ gì với thị trường ngân hàng và chứng khoán Việt Nam, thông qua Ngân hàng Shinhan (có văn phòng đại diện từ năm 1993) và Chứng khoán Shinhan Việt Nam (sau thương vụ mua lại 100% vốn CTCP Chứng khoán Nam An đầu năm 2016).

Trong năm 2017, Shinhan Bank còn mua lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ (bao gồm 8 chi nhánh và phòng giao dịch tại Hà Nội và TPHCM).

Liên quan đến Tập đoàn Lotte - tổ chức Lotte Card đã mua lại toàn bộ Công ty Tài chính TechcomFinance từ tay Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, TCB). TechcomFinance vốn tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Hóa chất Việt Nam được Techcombank mua gần 90% vốn đầu năm 2015 (trước đó, Techcombank sở hữu 10% vốn).

Tập đoàn đa quốc gia về thực phẩm và mua sắm là thương hiệu rất lâu đời (1948) và có tiếng. Tuy trụ sở đặt tại Tokyo (Nhật Bản) nhưng Lotte được sáng lập bởi người Hàn Quốc (sống tại Nhật Bản) là ông Shin Kyuk-ho (tên tiếng Nhật là Takeo Shigemitsu). Năm 1967, Lotte mở rộng về quê hương Hàn Quốc và sau đó trở thành nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất tại xứ sở kim chi. Tại Nhật Bản, Lotte xếp hạng ba về doanh số bán hàng trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực ngân hàng, gần cuối tháng 1/2018 mới đây, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) bắt tay cùng Tập đoàn Tài chính Nonghyup Hàn Quốc (NHFG) để khai trương dịch vụ "Chuyển tiền kiều hối không dùng tài khoản". Trước đó, Agribank và Nonghyup Bank – đơn vị thuộc NHFG đã thiết lập quan hệ đại lý từ năm 2000, hợp tác toàn diện từ năm 2013, hợp tác chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc từ năm 2014. Ngoài ra, Nonghyup Bank mở tài khoản thanh toán USD tại Agribank từ năm 2016 và giao dịch giữa hai ngân hàng tăng gần gấp đôi chỉ sau một năm trước khi tiến tới thỏa thuận mới nhất kể trên.

Nhà đầu tư Hàn Quốc còn tham gia mạnh mẽ trong mảng chứng khoán tại Việt Nam. Đầu tháng 08/2017, Mirae Asset Global Invetsment Co., Ltd (thuộc Mirae Asset) đã mua toàn bộ vốn của CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát (TPF).

Tập đoàn này đã có mặt tại Hàn Quốc từ năm 1997, với 3 khối hoạt động là Mirae Asset Daewoo quản lý tài sản 202 tỷ USD, Mirae Asset Global Investments 110 tỷ USD và Mirae Asset Life Insurance 34 tỷ USD.

Hay thương vụ CTCK Maritime (MSI) chính thức về tay KB Securities vào đầu tháng 10/2017 và đổi tên thành CTCK KB Việt Nam (KBSV), trở thành một thành viên của Tập đoàn Tài chính Hàn Quốc là KB Financial Group (KBFG) - thành lập năm 2008, gồm nhiều thành viên chủ chốt trong lĩnh vực tài chính - bất động sản…, có mạng lưới tại 13 quốc gia ở các châu lục như Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương và Bắc Mỹ.

Một sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm là quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 của Việt Nam đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên sàn Hàn Quốc theo thời gian thực từ tháng 07/2016 có tên gọi KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF. Quỹ được quản lý bởi Korea Investment Management Co (KIM), sử dụng tài sản cơ sở là quỹ ETF VFMVN30 của CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).

Trở lại với Mirae Asset, một đơn vị trực thuộc khác là Mirae Asset Life Insurance đã mua 50% vốn PrevoirVietnam từ tập đoàn bảo hiểm Groupe Prévoir của Pháp với giá 1,100 tỷ đồng (52.6 triệu USD) vào đầu tháng 07/2017. Đây là sự kiện lớn thứ hai của Mirae Asset tại Việt Nam, sau khi tăng vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam từ 700 tỷ đồng lên 2,000 tỷ đồng. Trước đó, Mirae Asset Life Insurance đã mua lại toàn bộ Bảo hiểm Nhân thọ PCA của Prudential vào tháng 11/2016, trở thành hãng bảo hiểm nhân thọ lớn thứ năm của Hàn Quốc.

Cũng thuộc lĩnh vực bảo hiểm, tháng 08/2017, Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) – một doanh nghiệp trực thuộc Samsung, đã hoàn tất mua 20% cổ phần tại Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) trị giá 533 tỷ đồng để phát triển mảng bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam.

Không thể không nhắc đến Tập đoàn CJ với sự góp trên nhiều “mặt trận" tại Việt Nam. CJ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1997 với các thương hiệu quen thuộc với người Việt như Tous Les Jours, CGV, CJ Korea Express và SCJ TV Homeshopping…

CJ hiện tiếp tục lấn sâu vào thị trường Việt Nam khi các đơn vị thành viên có động thái gom vốn ở nhiều lĩnh vực: CJ CheilJedang gom 3.8% vốn CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UPCoM: VSN); 80% cổ phần rạp chiếu phim Megastar và đổi tên thành CJ CGV; CJ CheilJedang gom 64.9% vốn Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt – công ty về sản phẩm dạng viên như bò viên, cá viên vào năm 2013, 71% vốn CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre (CauTre) vào tháng 6/2017; CJ O Shopping Co.Ltd gom 15% vốn còn lại của Gemadept Tower vào tháng 10/2017. Hay thương vụ CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal, HOSE: SCR) hợp tác với CJ Cầu Tre để thành lập Công ty TNHH Thương Tín - CJ Cầu Tre để đầu tư dự án tại TPHCM.

Nhìn chung các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có đóng góp đáng kể vào tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Quy mô GDP năm 2017 của Việt Nam đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 225 tỷ USD), tăng 6.81% so với năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7.6% (chủ yếu là từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12.9%). Riêng Samsung đóng góp tăng trưởng 14.5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và 3.8% vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2017, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai (chỉ sau Nhật Bản) với 3,973 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18.7%.

Theo số liệu từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc được báo chí dẫn, tính từ năm 2010 đến nay, vốn đầu tư trực tiếp Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng 3 lần, lên 50 tỷ USD; kim ngạch thương mại song phương cũng tăng 2 lần, lên 42.8 tỷ USD. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thông tin tuyên truyền, bất động sản…

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: quá lợi cho cổ đông ngân hàng (12/02/2018)

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   ATM 'ăn tết' sớm, khách hàng khổ sở chờ rút tiền (10/02/2018)

>   Kiều hối 'hồi sinh', hơn 10 tỷ USD đổ về (10/02/2018)

>   'Sốt' bộ tiền lì xì gom may mắn của 28 nước (09/02/2018)

>   Lì xì tân xuân, nhận lộc may mắn với HDBank (09/02/2018)

>   Chủ tịch LienVietPostBank: “Ngậm ngùi, biết ơn, tin tưởng” (09/02/2018)

>   Tiếp tục đề nghị Huyền Như án tù chung thân (09/02/2018)

>   Lần đầu tiên sau hơn nửa năm, lãi suất liên ngân hàng vượt mức 3%/năm (09/02/2018)

>   Cú đúp điều hành tỷ giá USD/VND cận Tết 2018 (08/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật