Thứ Hai, 12/02/2018 15:35

Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: quá lợi cho cổ đông ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Thông tư 01/2018/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt.

“Cho vay” hay “cho mượn”

Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là lãi suất cho vay có thể được ưu đãi đến 0% đối với bốn trường hợp: (1) TCTD thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt; (2) Ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; (3) Ba ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank, CBBank); (4) Ba ngân hàng 0 đồng sau chuyển nhượng cho TCTD, nhà đầu tư khác theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Nếu phân loại theo tiêu chí sở hữu, bốn trường hợp trên có thể được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm TCTD thuộc 100% sở hữu của Nhà nước (ba ngân hàng 0 đồng và có thể là các TCTD khác được chuyển giao bắt buộc hoặc chuyển nhượng cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn, giả dụ OceanBank được chuyển giao cho một ngân hàng nào đó). Nhóm thứ hai là nhóm mà Nhà nước không sở hữu 100% vốn.

Nên nhớ rằng trong quan hệ cho vay, tiền là hàng hóa và giá cả của tiền chính là lãi suất. Nếu lãi suất bằng 0% thì người cho vay đang “biếu không” món hàng mà mình bán, và quan hệ này có thể phải được gọi bằng một khái niệm khác phù hợp hơn, là “cho mượn”.

Cho vay đặc biệt với lãi suất 0% có lẽ là phương thuốc cuối cùng nhằm tạo ra một khoản “vốn mồi” để thu hút những nguồn vốn khác. Nhưng dù thế nào, cũng nên có phương án thực sự công bằng với tiền thuế của nhân dân.

Đối với các TCTD thuộc nhóm thứ nhất, việc “mẹ” cho “con” mượn tiền cũng khá dễ hiểu. Muốn không phải nuôi những đứa con bệnh tật suốt đời thì Nhà nước phải cho tiền chữa chạy để giảm bệnh/lành bệnh rồi “gả” cho người ngoài. Nhưng với nhóm thứ hai, nếu áp dụng lãi suất cho vay 0% thì Nhà nước sẽ được gì ngoài lợi ích chung chung là tái cơ cấu thành công các TCTD yếu kém và góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng?

Sau khi hưởng lợi lớn từ nguồn vốn vay đặc biệt không phải trả lãi, giả sử các TCTD thực hiện thành công phương án phục hồi, có lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và giá cổ phiếu tăng lên thì các cổ đông chính là người được hưởng lợi trực tiếp. Tương tự, nếu các TCTD được chuyển giao đặc biệt hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới mà TCTD ấy hoạt động tốt lên sau đó, lợi ích sẽ thuộc về các nhà đầu tư mới. Trong khi đó, Nhà nước không thu được lợi ích tài chính mặc dù đã “cho mượn” vốn và chấp nhận rủi ro không thu hồi được nợ nếu như phương án cơ cấu lại TCTD thất bại. Đây là điểm khó hiểu nhất trong cơ chế hỗ trợ các TCTD yếu kém đang được thực hiện.

Ít nhất, nên chuyển lãi vay thành vốn cổ phần

Lịch sử tài chính - ngân hàng thế giới thực sự không xa lạ với việc Chính phủ đổ tiền vào các ngân hàng yếu kém để giải cứu các ngân hàng này, đồng thời sở hữu một tỷ lệ chi phối về vốn góp.

Tại Anh năm 2008, Chính phủ Anh đã mua cổ phiếu của Royal Bank of Scotland và ngân hàng Lloyds và sở hữu tỷ lệ cổ phần tương ứng trong hai ngân hàng này là 67% và 43%. Thái Lan đã mua cổ phần của bảy NHTM và 12 công ty tài chính vào năm 1998 sau khi buộc các NHTM phải hạch toán các khoản dự phòng nợ xấu vào khoản mục chi phí, từ đó làm giảm vốn chủ sở hữu. Vào tháng 9-2003, Hội đồng ứng phó nguy cơ tài chính Nhật Bản đã quyết định quốc hữu hóa Ashikaga, sau đó tái cơ cấu và cung cấp gói tài chính trị giá 256 tỉ yen để xóa lỗ lũy kế trước khi bán cho một nhóm đối tác với giá giá 120 tỉ yen. Cách làm này có lợi cho Chính phủ vì khi đó chỉ cần một lượng vốn nhỏ bổ sung vào vốn điều lệ cũng có thể sở hữu phần lớn cổ phần trong các ngân hàng này, từ đó dễ dàng can thiệp để điều chỉnh hoạt động của ngân hàng.

Việc sử dụng tiền ngân sách một cách trực tiếp để tái cơ cấu các TCTD yếu kém là không được phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua cơ chế cho vay đặc biệt, nguồn vốn của Nhà nước sẽ chảy sang cho các TCTD yếu kém và phát sinh lãi. Nếu cho rằng gốc vay là nguồn ngân sách được sử dụng để hỗ trợ các TCTD yếu kém một cách gián tiếp, thì lãi vay (bằng 0) chính là sự hỗ trợ trực tiếp về nguồn vốn cho các TCTD này. Nói như vậy bởi lẽ nếu không cho các TCTD này vay mà số tiền ấy được đầu tư vào các địa chỉ có hiệu quả, cho doanh nghiệp khác vay với lãi suất cao hơn 0% thì sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách.

Theo suy nghĩ của người viết, nếu cứ nhất quyết cho vay đặc biệt với lãi suất 0% thì ít nhất, lãi vay cũng cần được chuyển đổi thành vốn góp vào thời điểm thích hợp để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Ngân hàng yếu kém nên được duyệt cơ chế ghi nhận lãi các khoản vay đặc biệt như một khoản phải trả (nhưng không ghi nhận chi phí) trước khi chuyển đổi thành cổ phần. Vấn đề phát sinh sau đó là việc xác định giá cổ phần để tiến hành chuyển đổi. Thông thường, giá cổ phần được xác định dựa trên các mô hình định giá phức tạp, nhưng trong trường hợp âm vốn chủ sở hữu, giá chuyển đổi thành vốn cổ phần nên được xác định ngay trong đề án cơ cấu lại TCTD. Nghĩa là lượng vốn được cho vay đặc biệt cũng như tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước đã được ấn định từ trước khi cho vay.

Có lẽ những khó khăn thực tế mà Ngân hàng Nhà nước đã vấp phải trong quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém là quá lớn. Những khó khăn ấy không chỉ đến từ hoạt động của các TCTD, từ sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư bên ngoài mà còn từ quan điểm không dùng ngân sách để cứu các TCTD yếu kém. Cho vay đặc biệt với lãi suất 0% có lẽ là phương thuốc cuối cùng nhằm tạo ra một khoản “vốn mồi” để thu hút những nguồn vốn khác. Nhưng dù thế nào, cũng nên có phương án thực sự công bằng với tiền thuế của nhân dân.

Phong Hiếu

tbktsg

Các tin tức khác

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   ATM 'ăn tết' sớm, khách hàng khổ sở chờ rút tiền (10/02/2018)

>   Kiều hối 'hồi sinh', hơn 10 tỷ USD đổ về (10/02/2018)

>   'Sốt' bộ tiền lì xì gom may mắn của 28 nước (09/02/2018)

>   Lì xì tân xuân, nhận lộc may mắn với HDBank (09/02/2018)

>   Chủ tịch LienVietPostBank: “Ngậm ngùi, biết ơn, tin tưởng” (09/02/2018)

>   Tiếp tục đề nghị Huyền Như án tù chung thân (09/02/2018)

>   Lần đầu tiên sau hơn nửa năm, lãi suất liên ngân hàng vượt mức 3%/năm (09/02/2018)

>   Cú đúp điều hành tỷ giá USD/VND cận Tết 2018 (08/02/2018)

>   Chưa đầy 5 tháng tại vị, Tổng Giám đốc SeABank Nguyễn Cảnh Vinh bất ngờ từ nhiệm (08/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật