Thứ Tư, 21/02/2018 20:00

Những nhà băng tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần  

Năm 2017 được coi là một năm viên mãn của ngành ngân hàng, các con số lợi nhuận ấn tượng lần lượt được công bố sau một chặng đường dài suốt 5 năm 2011-2016 gánh chịu “di chứng” từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Trên đường đua lợi nhuận, bên cạnh những nhà băng ở chiếu trên ghi nhận con số tuyệt đối lớn, còn có nhiều ngân hàng gây ấn tượng bởi sự bứt tốc mạnh. Những mốc đỉnh mới được thiết lập sau nhiều năm đi cùng với tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà băng có lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần trong năm 2017.

Nửa năm dưới trướng chủ tịch Dương Công Minh, Sacombank (HOSE: STB) đang sang những trang mới trong quá trình tái cơ cấu. Hoạt động kinh doanh cải thiện ở tất cả các mảng, nhất là sự bứt phá của hoạt động dịch vụ đã mang về cho Sacombank gần 1,500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 9.5 lần năm 2016.

Hoạt động dịch vụ có bước tăng trưởng đột phá cũng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh năm 2017 của Techcombank. Với lợi nhuận trước thuế vượt mức 8,000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước và vượt 60% kế hoạch, Techcombank đã chính thức góp mặt vào Top 5 nhà băng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống năm 2017. Nếu xét riêng nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, Techcombank đứng ở vị trí thứ hai, chỉ xếp sau VPBank (HOSE: VPB) với chênh lệch không nhiều.

Hay như VietBank, nhờ khoản lãi trước thuế tăng gấp 4 lần năm trước, đạt 263 tỷ đồng mà Ngân hàng vừa đủ để xóa hết khoản lỗ lũy kế tồn đọng đến cuối 2016 (hơn 262 tỷ đồng).

Không chỉ tăng trưởng gấp nhiều lần năm trước, nhiều nhà băng còn “vượt qua chính mình” khi thiết lập những mốc đỉnh mới trong lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn thực hiện tái cơ cấu.

Năm 2017 đánh dấu một năm kỷ lục của HDBank (HOSE: HDB) với 2,417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110% so với năm trước và hoàn thành 186% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua đầu năm. Con số lợi nhuận đạt mức cao nhất từ trước đến nay chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh mẽ cùng lãi từ hoạt động dịch vụ.

Còn Eximbank (HOSE: EIB), sau những bước lùi kể từ năm 2012, lợi nhuận của Ngân hàng lao dốc từ hàng ngàn tỷ xuống chỉ còn vài chục tỷ đồng và đến năm 2017 mới chuyển mình trở lại. Lần đầu tiên sau 5 năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank mới vượt ngưỡng ngàn tỷ, đạt 1,017 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2016 và vượt 70% kế hoạch cả năm.

Tương tự, kết quả lợi nhuận đạt trên 2,100 tỷ đồng cũng là con số ngoạn mục mà ACB (HNX: ACB) có được kể từ năm 2012.

Đóng góp vào sự tăng trưởng trong lợi nhuận của Eximbank và ACB năm 2017 không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ vào lãi thuần từ hoạt động khác tăng mạnh và cắt giảm phần lớn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hay hoàn nhập chứng khoán đầu tư.

Con số lợi nhuận trước thuế 31 tỷ đồng của NCB (HNX: NVB) trong năm 2017 cũng là mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, gấp đôi năm trước. Riêng quý 4/2017 đóng góp gần 70% lợi nhuận cả năm với 20.6 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Nhiều ngân hàng khác cũng có con số lợi nhuận trước thuế ở mức cao, gấp đôi năm 2016 như VIB (1,405 tỷ đồng), ABBank (lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 619 tỷ đồng).

Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, hệ thống ngân hàng tỏ ra có lợi nhuận cao trong năm 2017 vì một số lý do. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan. Tín dụng luôn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Với mức tín dụng khoảng 18% trong năm nay, lợi nhuận của nhà băng tăng trưởng theo là điều đương nhiên. Thứ hai, các ngân hàng cũng đã có rất nhiều bước tiến trong quá trình tái cơ cấu trong thời gian vừa qua, trong đó có các ngân hàng thành công như TPBank hay NCB. Điều này giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, đặc biệt, phần quản trị rủi ro của họ cũng đã tốt hơn. Bên cạnh đó, những khoản trích lập dự phòng khủng ngốn hết lợi nhuận ngành ngân hàng như những năm trước nay đã không còn.

Báo cáo Tình hình Kinh tế - Tài chính Tháng 1/2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cũng cho thấy, kết quả kinh doanh toàn hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện mạnh sau nhiều năm khó khăn. Năm 2017, tỷ lệ NIM bình quân đạt 2.9%, tỷ lệ ROA, ROE bình quân lần lượt đạt 0.73% và 11.65% (năm 2016 là 0.56% và 8.05%). UBGSTCQG dự báo, lợi nhuận toàn hệ thống năm 2018 sẽ tiếp tục khả quan nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định, nợ xấu tiếp tục được xử lý nhanh hơn. Đặc biệt, một số NHTM đã sử dụng dự phòng để đưa nợ xấu ra ngoại bảng sẽ có khoản thu lớn từ việc bán tài sản đảm bảo và thu hồi nợ từ khách hàng.

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   KLB: Tổng Giám đốc Võ Văn Châu sẽ kiêm chức Phó Chủ tịch (21/02/2018)

>   Ngân hàng và đối tác ngoại (13/02/2018)

>   Chính phủ giảm mạnh lượng tiền đi vay qua trái phiếu (13/02/2018)

>   Đinh Dậu – Năm hạn của banker? (14/02/2018)

>   Công ty tài chính - “Gà đẻ trứng kim cương” cho ngân hàng nào? (22/02/2018)

>   12 năm “kết duyên” ngân hàng nội - ngoại (01/03/2018)

>   “Làn sóng Hallyu” nhà đầu tư Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam (02/03/2018)

>   Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: quá lợi cho cổ đông ngân hàng (12/02/2018)

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   ATM 'ăn tết' sớm, khách hàng khổ sở chờ rút tiền (10/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật